40 năm ấy biết bao nhiêu tình

QUỲNH UYỂN 06:34, 28/03/2024

Đất nước thống nhất, người Mỹ rời khỏi miền Nam Việt Nam đã bỏ lại một công trình kiến trúc khoa học - kỹ thuật tuyệt đẹp giữa Đà Lạt xinh đẹp. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, vào ngày 20/3/1984, công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPƯ) hoàn thành đã  hồi sinh LPƯ với công suất danh định 500 kW, gấp 2 lần so với lò khi người Mỹ mới xây dựng trước đây. Với bản lĩnh Việt, trí tuệ Việt, đội ngũ các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Viện) đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ trong suốt 40 năm qua. 

Các thế hệ lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân
Các thế hệ lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân

 

Cách đây 40 năm, khi công trình khôi phục và mở rộng LPƯ còn đang thi công, ngày 18/2/1984, Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm Viện đã để lại những lời động viên và gửi gắm niềm tin sâu sắc: “Các đồng chí đã bắt đầu tốt. Hãy vì Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân mà tiến lên mạnh mẽ hơn nữa. Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt là con chim đầu đàn của ngành vật lý nguyên tử, là một trong những điểm tựa quan trọng của sự nghiệp cách mạng khoa học - kỹ thuật của nước nhà. Nhiều ngành kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật đang cần những kết quả nghiên cứu của các đồng chí. Nhân dân mong đợi những bước trưởng thành của Viện. Đảng đặt nhiều hy vọng và tin tưởng ở các đồng chí”.

Ngày 8/3/1984, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Viện khi công trình khôi phục LPƯ sắp hoàn thành, Đại tướng đã viết: “Chúc mừng thành công của các đồng chí trong việc khôi phục và mở rộng LPƯ Đà Lạt “con chim đầu đàn”; cơ sở nghiên cứu hiện đại đầu tiên của nước ta trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nguyên tử. Đây là thắng lợi có ý nghĩa của tình hợp tác hữu nghị anh em Việt Nam - Liên Xô. Là thành quả của cả một quá trình lao động kiên nhẫn và của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam với sự giúp đỡ hết lòng của các nhà khoa học và chuyên gia Xô Viết. Ra sức phấn đấu củng cố Viện ngày càng phát triển lớn mạnh góp phần xây dựng thành công ngành khoa học và kỹ thuật nguyên tử của nước ta, nhằm đem khả năng to lớn của năng lượng nguyên tử phục vụ sự nghiệp hòa bình, xây dựng đất nước".

Không phụ sự kỳ vọng, lòng mong mỏi, niềm tin của Đảng và Nhà nước, các thế hệ nhà khoa học của Viện đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, quản lý, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ phục vụ sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước. Trong suốt 40 năm qua, LPƯ đã vận hành gần 70.000 giờ tại công suất danh định 500 kW để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phân tích mẫu, sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế, công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Trung bình trong 30 năm đầu, LPƯ vận hành khoảng 1.300 giờ/năm, và tăng lên 3.000 giờ/năm trong 10 năm gần đây. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, LPƯ vận hành trên 4.500 giờ mỗi năm để sản xuất đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế trong nước và hỗ trợ Campuchia. Con số 70.000 giờ hoạt động của LPƯ tương đương với thời gian làm việc cống hiến 34 năm của một cán bộ, viên chức, cũng là minh chứng cho khả năng làm chủ kỹ thuật trong vận hành an toàn LPƯ của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Viện.

Nhờ có LPƯ, đội ngũ các nhà khoa học của Viện có nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: nghiên cứu thiết kế cấu hình nhiên liệu - trái tim của lò; nghiên cứu công nghệ và điều chế các chất đồng vị phóng xạ, phát triển thành công các công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán và trị bệnh cứu người; nghiên cứu chế tạo thiết bị hạt nhân; phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân; nghiên cứu quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường trên đất liền và trên biển; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công một số kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn...

Sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo Viện, đặc biệt là thế hệ lãnh đạo thời kỳ đầu như: GS Phạm Duy Hiển, TSKH Trần Hà Anh, GS Ngô Quang Huy, PGS Nguyễn Mộng Sinh cùng các Viện trưởng và Phó Viện trưởng qua các thời kỳ... như những điểm tựa vững chắc đưa Viện Nghiên cứu Hạt nhân phát triển. Đội ngũ cán bộ của Viện hôm nay không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhiều cán bộ của Viện đã trở thành chuyên gia quốc tế; kế thừa thành tựu nghiên cứu của thế hệ đi trước, phát triển nhiều hướng nghiên cứu mới. Trong 40 năm đã đóng góp đáng kể vào kho tàng kiến thức chung của quốc gia và quốc tế với khoảng 420 công trình khoa học trên các tạp chí quốc gia, 300 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế. LPƯ hạt nhân Đà Lạt được đánh giá là “lò sử dụng hiệu quả nhất trong các lò có công suất thấp trên thế giới” như lời của ông Hans Blix - nguyên Tổng Giám đốc IAEA.

Hơn 60 tuổi đời, 40 tuổi hồi sinh, LPƯ hạt nhân Đà Lạt vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, duy trì vận hành an toàn và khai thác hiệu quả với đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ như hiện nay tối thiểu đến năm 2033 và có thể kéo dài hơn nữa.

Đến thăm Viện Nghiên cứu Hạt nhân những ngày này, GSTS Phạm Duy Hiển (87 tuổi) - Viện trưởng Viện Hạt nhân (1981 - 1991), nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam bồi hồi xúc động: “Một hiện tượng kỳ lạ là, hơn 40 năm trước đây, trước khi bắt tay xây dựng công trình, tôi chưa bao giờ ngờ rằng cái lò này tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Chẳng những nó tồn tại cho đến ngày hôm nay, mà càng ngày nó càng hăng, chạy rất nhiều giờ trong một năm, sản xuất rất nhiều đồng vị phóng xạ, lập nên nhiều kỳ tích mà tôi cam đoan nếu so với các lò phản ứng khác cùng loại trên thế giới, LPƯ Đà Lạt đứng nhất về mặt đó. Đội ngũ cán bộ, nhà khoa học Viện hôm nay đã kế thừa rất tốt những gì cha, chú mình đã làm trong 40 năm qua; trong đó có rất nhiều người chưa xuất hiện trên đời khi chúng tôi cho lò hoạt động 40 năm trước...".