Dồn lực phát triển vùng khó

NGỌC NGÀ 05:57, 26/03/2024

Ba xã Đầm Ròn (Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông) là vùng khó khăn nhất của huyện khó Đam Rông. Bởi vậy, dồn lực phát triển cho các xã Đầm Ròn là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Đam Rông phát triển.

Từ năm 2021 đến nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm là một trong những hướng đi
thoát nghèo hiệu quả ở khu vực Đầm Ròn
Từ năm 2021 đến nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm là một trong những hướng đi thoát nghèo hiệu quả ở khu vực Đầm Ròn

KẾT QUẢ TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển khu vực Đầm Ròn, 16/7/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) với sự tham gia của các lãnh đạo cốt cán thuộc huyện. 

Trên 95% dân số ở khu vực Đầm Ròn là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Việc còn tồn tại các phong tục lạc hậu là vật cản lớn nhất cho sự phát triển của Đầm Ròn. Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên mà Ban Chỉ đạo bắt tay vào thực hiện là công tác tuyên truyền, vận động nhằm từng bước xóa bỏ các phong tục lạc hậu và thay đổi tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp của bà con. Nhiệm vụ này đã được thực hiện mạnh mẽ suốt trong những năm 2021, 2022 bằng cách: vừa “nói cho bà con nghe”, vừa “làm cho bà con tin”. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đầm Ròn có được kết quả phát triển đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, đến cuối năm 2023, người dân Đầm Ròn sản xuất, canh tác lúa đồng trà - đồng vụ. Nhiều diện tích ven sông, suối trồng lúa 1 vụ, bắp năng suất thấp, cà phê kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm; nhiều diện tích điều kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn quả. Việc huyện Đam Rông lồng ghép và phân bổ thêm nguồn lực để đầu tư hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo... đã tạo bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp ở Đầm Ròn. Cụ thể, năm 2023, tổng kinh phí đầu tư phát triển sản xuất khu vực 3 xã Đầm Ròn là trên 12,7 tỷ đồng từ các nguồn vốn: khuyến nông, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia...

Đến cuối năm 2023, tổng doanh số cho vay khu vực 3 xã đạt trên 36,8 tỷ đồng/316 hộ với các khoản vay như: cho vay hộ kinh doanh; sản xuất nông nghiệp; tái canh cà phê; cho vay doanh nghiệp; ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm; đối tượng chính sách đi lao động ở nước ngoài có thời hạn; hộ khó khăn về nhà ở; hộ mới thoát nghèo; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn;... Từ nguồn vốn tín dụng, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này cho thấy, đến cuối năm 2023, tổng diện tích gieo trồng khu vực Đầm Ròn là 5.048,7 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó ngoài các loại cây truyền thống như ngô, lúa, khu vực này còn có 158,4 ha rau thương phẩm với năng suất đạt 145 tạ/ha. Ngoài cây lâu năm truyền thống như cà phê, điều, ba xã Đầm Ròn đã phát triển được 500 ha cây ăn trái, diện tích cho sản phẩm 230 ha, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng đạt 2.990 tấn; 201,6 ha cây dâu tằm với diện tích đã cho sản phẩm là 148 ha, năng suất 190 tạ/ha; sản lượng 2.812 tấn. Thời gian qua, giá kén tằm ổn định đã trở thành mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả để nhiều hộ dân ở Đầm Ròn thoát nghèo. Nghề chăn nuôi cũng có những bước phát triển, bà con bắt đầu chú trọng việc chăn nuôi trong chuồng trại và có quy mô. 

Song song với phát triển sản xuất, huyện Đam Rông cũng ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm... đã góp phần tạo sự bứt phá đáng ghi nhận ở Đầm Ròn. Và việc cuối năm 2023, hai xã Đạ Tông và Đạ M’rông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

• CÒN NHIỀU THÁCH THỨC ĐẶT RA

Đưa Đầm Ròn phát triển ngang với các địa phương khác trong huyện và tiến tới ngang với mặt bằng chung của tỉnh không phải chuyện dễ dàng và có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Đầm Ròn Trần Đức Bắc, còn nhiều những khó khăn đang đặt ra trong hành trình phát triển của ba xã Đầm Ròn. Trong đó cốt yếu là việc vẫn còn một số hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS kinh tế còn khó khăn, vốn tích lũy ít, chưa mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc thiếu vốn sản xuất ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo tại địa phương.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, Ban Chỉ đạo đánh giá mấu chốt vẫn nằm ở nguyên nhân chủ quan, bởi một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Và một số thành viên Ban Chỉ đạo chưa thực sự bám, nắm cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra hiệu quả.

Không chỉ tập trung đưa xã Đạ Long về đích nông thôn mới, huyện Đam Rông cũng đang tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm tạo nên những “cú hích” phát triển nhất định cho khu vực ba xã Đầm Ròn. Địa phương này xác định đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị huyện, trong đó nòng cốt triển khai là Ban Chỉ đạo và chính quyền 3 xã Đầm Ròn. 

Trong đó trọng tâm là lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, cây dược liệu, cây ăn quả; chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng xen sầu riêng tại các khu vực phù hợp hoặc tái canh các giống cà phê năng suất cao... Tiếp tục lồng ghép tốt nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân; ưu tiên hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà không đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” cho hộ nghèo và hộ khó khăn về nhà ở, tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tập trung phát triển tín dụng, nhất là phát triển tín dụng xã hội gắn với làm tốt việc hướng dẫn, thẩm định phương án sản xuất, phân công người phụ trách hộ được vay là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nâng cao vòng quay, hiệu quả sử dụng vốn tạo động lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành bãi xử lý rác thải tại khu vực 3 xã Đầm Ròn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.