Đường vành đai Đà Lạt vẫn chưa thành hình vì vướng mắc mặt bằng

NGUYỄN NGHĨA – THỤY TRANG 19:25, 27/03/2024

(LĐ online) - Dự án xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt được coi là một trong những dự án quan trọng của tỉnh Lâm Đồng. Ban đầu, dự án được dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023, nhưng do nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến giải toả mặt bằng, thời gian hoàn thành đã phải được gia hạn đến ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thi công vẫn còn rất chậm, chỉ đạt khoảng 59%.

Một đoạn đường Trúc Lâm Yên Tử nối dài.

Dự án có tổng mức đầu tư là 870 tỷ đồng, trong đó đã có 673,912 tỷ đồng được giải ngân. Hiện dự án được giao cho 3 nhà thầu thi công là Công ty cổ phần xây dựng và tư vấn đầu tư 18, Công ty cổ phần Thắng Đạt và Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp 263 cùng với Công ty TNHH Nam Phan.

GIA HẠN - VẪN CHẬM TIẾN ĐỘ

Phóng viên Báo Lâm Đồng đã thực tế dọc tuyến đường vào những ngày cuối tháng 3/2024 để tìm hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại. Một số hộ dân dọc đường An Tôn, phường 5, TP Đà Lạt tại khu vực bị ảnh hưởng của dự án, chia sẻ: "Chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu cho dự án này. Nhiều hộ dân vẫn còn nhà và đất xây nhà như chúng tôi thì đã tự di dời, bàn giao mặt bằng để làm đường. Tuy nhiên, việc giải toả mặt bằng ở một số đoạn đang gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là với những hộ chỉ còn lại một ít đất nên tình hình triển khai vẫn chưa đáp ứng mong đợi của người dân dọc tuyến đường này. Điều này đã làm chậm tiến độ công trình và gây bức xúc cho các bên liên quan”.

Công nhân thi công vỉa hè.
Đoạn từ Trúc Lâm Yên Tử nối dài do Công ty cổ phần xây dựng và tư vấn đầu tư 18 thi công đã bàn giao mặt bằng được 2,3km/2,6km, vẫn đang vướng mắc về mặt bằng.
Tường chắn taluy âm đoạn từ Trúc Lâm Yên Tử nối dài.

Ghi nhận của phóng viên, đoạn từ Trúc Lâm Yên Tử nối dài do Công ty cổ phần xây dựng và tư vấn đầu tư 18 thi công đã bàn giao mặt bằng được 2,3km/2,6km, trong đó đã thi công được 300md tường chắn taluy dương; 796md tường chắn taluy âm; lắp đặt cống dọc, ngang, hố ga; đắp đất và ra đá cấp phối lớp dưới tại đoạn ngã ba nút giao Lan Anh đến ngã ba nút giao Hoa Hồng, thảm bê tông nhựa từ ngã ba khu 5B đến cầu Suối Tía. Sản lượng đến nay đạt khoảng 107 tỷ đồng/171,57 tỷ đồng, ước đạt 62,38% giá trị hợp đồng.

San ủi mặt đường.
Lắp đặt cống

Tại đoạn An Sơn do Công ty cổ phần Thắng Đạt thi công thì đã bàn giao mặt bằng toàn bộ 1,8km, trong đó thi công được 667md tường chắn taluy dương; 110md tường chắn taluy âm; bóc dọn phong hóa; lắp đặt cống dọc, cống ngang, hố ga; thảm bê tông nhựa từ cầu Suối Tía đến Km1+200. Sản lượng đến nay đạt khoảng 70,1 tỷ đồng/ 90,09 tỷ đồng, ước đạt 77,88% giá trị hợp đồng.

Đoạn An Sơn không vướng mắc về bàn giao mặt bằng đã thảm nhựa xong, hiện đang thi công lát đá vỉa hè.
Đoạn An Sơn thi công khá thuận lợi

Ông Lê Văn Tốt – Chỉ huy công trình của Công ty cổ phần Thắng Đạt cho biết: Đoạn thi công của đơn vị nhờ thuận lợi trong công tác bàn giao mặt bằng, nên hiện công ty đang đẩy mạnh thi công các hạng mục còn lại, dự kiến đến ngày 30/4/2024 sẽ hoàn thành.

Một số đoạn do vướng mắc về công tác bàn giao mặt bằng nên vẫn còn khá ngổn ngang
Các đơn vị vẫn đang thi công, tuy nhiên nhiều hạng mục chưa đạt tiến độ đề ra.

Đối với đoạn An Sơn – Y Dinh – An Tôn, do Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp 263 và Công ty TNHH Nam Phan thi công, hiện mới bàn giao mặt bằng được 2,3km/3km. Theo đó, phía đơn vị cũng đã thi công được 400md tường chắn taluy dương; 360md tường chắn taluy âm; bóc dọn phong hóa; đào đắp đất, thi công cống dọc và cống cuối tuyến tại những vị trí đã bàn giao mặt bằng; thảm bê tông nhựa từ Km2 đến Km2+500, đạt khoảng 61,84 tỷ đồng/144,33 tỷ đồng, ước đạt 42,84% giá trị hợp đồng.

VƯỚNG MẮC TRONG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Tình trạng vướng mắc trong việc giải toả mặt bằng ở dự án xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt là yếu tố chính ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án. Đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có khoảng 6,4km/7,4km mặt bằng được bàn giao cho các nhà thầu để triển khai thi công. Một số hộ dân vẫn chưa đồng thuận theo quyết định giải phóng mặt bằng, gây ra khó khăn trong việc tổ chức thi công.

San ủi mặt bằng đoạn gần nghĩa trang Du Sinh.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, cho biết: "Có tổng cộng 157 hộ gia đình, 7 tổ chức và 1 cơ sở tôn giáo bị ảnh hưởng khi triển khai dự án. Hiện tại, công tác kiểm đếm đã hoàn thành đối với 157/157 hộ gia đình, 7 tổ chức và 1 cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác này gặp nhiều khó khăn và tiến độ chậm. Cho đến nay, đã có phương án bồi thường và hỗ trợ được phê duyệt cho 155 hộ gia đình, 7 tổ chức và 1 cơ sở tôn giáo, với tổng số tiền là 381,334 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả 340,069 tỷ đồng cho 125 hộ gia đình và 7 tổ chức, vẫn còn lại 30 hộ chưa nhận tiền với số tiền là 41,265 tỷ đồng".

Trao đổi với phóng viên, một hộ gia đình nằm trên khúc cua đường An Tôn (xin giấu tên), lý giải: "Chúng tôi bị thu hồi 200 mét vuông đất, được bồi thường mức giá hơn 13 triệu/mét vuông nhưng chưa đồng ý di dời vì chưa được bố trí đất tái định cư, vì đất chỉ còn một ít, không thể làm nhà ở”.

Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng thì khó có thể hoàn thành dự án này vào cuối năm 2024. 

Cũng theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, việc lựa chọn vị trí tái định cư của các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện bồi thường về đất ở khi Nhà nước thu hồi trong đó gồm có 11 hộ; đến ngày 6/12/2023, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản thống nhất bố trí tái định cư cho 4 hộ tại khu dân cư Huỳnh Tấn Phát, tuy nhiên còn 7 hộ dân xin nhận đất tại khu dân cư đồi An Tôn chưa được xem xét giải quyết.

Nhiều hạng mục công trình chậm so với tiến độ đề ra.

Ngày 6/3/2024, UBND TP Đà Lạt đã có ý kiến về phương án xử lý đối với Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và Phát triển quỹ đất (KTTN & PTQĐ) tỉnh 4 trường hợp có diện tích đất sau thu hồi còn lại nhỏ hẹp đề nghị thu hồi, hiện nay Trung tâm KTTN & PTQĐ tỉnh đang thực hiện. Các trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi nhà ở trên đất, không đủ điều kiện bồi thường về đất ở khi nhà nước thu hồi đất gồm có 8 hộ đến nay chưa được xem xét giải quyết. Các hộ gia đình, cá nhân đã lựa chọn khu tái định cư tại đồi An Tôn và khu 5B An Sơn, nhưng hiện nay khu vực này chưa có cơ sở hạ tầng. 

CẦN SỰ VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện chưa có biện pháp giải quyết là nguyên nhân chính khiến chậm tiến độ thi công các hạng mục công trình. Và cho tới thời điểm hiện tại, công tác cưỡng chế, giải toả ở một số điểm cũng chưa thể thực hiện, nếu những vướng mắc này tiếp tục không sớm có giải pháp thì sẽ khó có thể hoàn thành dự án này vào cuối năm 2024. 

Một hộ dân giải toả mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Người dân dọn dẹp bàn giao mặt bằng làm đường.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sở đã có văn bản tham mưu và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND TP Đà Lạt tổ chức cưỡng chế để bàn giao mặt bằng thi công đối với 8 hộ dân đã có quyết định cưỡng chế và sớm giải quyết đơn kiến nghị cho 9 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công. 

Sở cũng kiến nghị, trong trường hợp đã giải quyết đơn và vận động thuyết phục vẫn không nhận tiền đền bù và giao mặt bằng thì tiến hành cưỡng chế. 

Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023, tuy nhiên được gia hạn thêm đến hết tháng 12/2024. 

Ngoài ra, có một số hộ dân lựa chọn tái định cư tại đồi Khu An Tôn và khu 5B An Sơn, nhưng hiện nay chưa có cơ sở hạ tầng; Sở Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết đối với các trường hợp giao đất tái định cư cho các hộ đủ điều kiện được bố trí tái định cư để họ sớm di dời, bàn giao mặt bằng và quan tâm giải quyết các trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi nhà ở trên đất, không đủ điều kiện bồi thường về đất ở khi nhà nước thu hồi đất.

Đường vành đai có chiều dài hơn 7,4km sẽ đi qua các phường 3, 4, 5, TP Đà Lạt; hướng tuyến có điểm đầu kết nối với đường Trúc Lâm Yên Tử (giao với đèo Prenn); điểm cuối tuyến là ngã tư giao với đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Đình Quân.

Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Đà Lạt theo tiêu chí của đô thị loại 1. Qua đó, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đô thị TP Đà Lạt với hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh. Tuyến đường hoàn thành kỳ vọng sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thị TP Đà Lạt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.