Gặp một thanh niên dân tộc Chơ Ro ở Đà Lạt

TRẦN ĐẠI 06:35, 28/03/2024

Những ngày sau Tết, du khách ở Đà Lạt giảm, ngồi quán cà phê một mình ngắm hồ Xuân Hương, gặp hai cha con người Chơ Ro đi xe con ghé quán, tôi nhận ra là người bạn cũ một thời ở chiến khu Đ cũ, nay xuất hiện ở Đà Lạt, đó là Huỳnh Lượm và con trai cả Huỳnh Được.

Anh Huỳnh Được
Anh Huỳnh Được

Hơn hai mươi năm trước, về thăm sóc Chơ Ro ở chiến khu Đ cũ, nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, tình cờ gặp cháu bé trai tên là Huỳnh Được khoảng 5 - 6 tuổi mang chiếc gùi nhỏ nhắn bước lên cầu thang, vì sợ cháu ngã nên tôi bế cháu đi. Mới đây, về lại sóc được bố Huỳnh Lượm cho biết, cháu được nhà nước cho học hết đại học rồi lập nghiệp tại Hà Nội. Tình cờ xuân Giáp Thìn năm nay, gặp lại bố con ở Đà Lạt biết bao ký ức xưa hiện về. Hạnh phúc được gặp người anh em cũ ngay thành phố sương mù, tôi mời vào quán cà phê tâm sự một thời xa vắng. Nhìn cháu bé mang gùi lên cầu thang năm xưa nay là một chàng trai mạnh khỏe, không còn hình bóng người Chơ Ro ở núi rừng nữa, thay vào đó là một thanh niên thành phố với âm sắc Hà Nội. Khi được hỏi về cuộc đời mình, Huỳnh Được nhỏ nhẹ: “Cháu rời nhà đi học Trường Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai từ lúc 13 tuổi, trải qua 9 năm học tiểu học rồi trung học. Năm cháu vừa thi tốt nghiệp lớp 12 chuẩn bị vào đại học, trong lần đi thi tiếng hát học sinh, sinh viên dân tộc do VTV tổ chức được lọt vào “mắt xanh” của Trường Đại học Văn hóa văn nghệ quân đội nên được tuyển thẳng. Tại đây, do yêu thích nghề mang tính nghệ thuật, nên cháu đã ghi danh học 3 khoa trong 10 năm (thanh nhạc, nghệ thuật dân tộc và quản lý văn hóa) với ý tưởng trở thành người biết hát, biết đàn, biết múa và đạo diễn trong lĩnh vực biển diễn văn hóa và tự thân lập nghiệp ở Hà Nội để thử thời vận. Tuy nhiên, từ hai bàn tay trắng, không người thân, không chỗ dựa đối với một thanh niên người dân tộc ở chiến khu miền Nam như cháu thật sự không phải dễ dàng như giấc mơ vàng một thời đi học. Những lúc khó khăn, gian khổ ấy, cháu nhớ khẩu hiệu trường đại học quân đội “Muốn trở thành nghệ sĩ trước tiên phải trở thành chiến sĩ” có nghĩa là phải làm mọi thứ việc mới có thể tồn tại”. Huỳnh Được đưa mắt nhìn dòng người xuôi ngược du xuân muộn ở Đà Lạt như nhớ một thời gian khổ của người Chơ Ro xa xứ, rồi tiếp tục: “Cũng nhờ tiếng hát mang âm sắc gió ngàn của rừng núi, mang hình bóng Tây Nguyên, dần dần cháu trụ được, có thêm nhiều bạn bè, đến nay, cháu là Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện Ca múa nhạc và Giải trí HD ở Hà Nội. Tất cả đều dựa vào nội lực để vươn lên là kết quả cuối cùng của mình.

Cháu xa sóc Chơ Ro ở Lý Lịch đã lâu, nhưng mỗi năm nhìn mùa hoa đào nở, lại da diết nhớ quê, nhớ bố mẹ, ông bà, nhớ lời hát ru của bà nội bằng tiếng Chơ Ro, rồi nhớ các ngày lễ hội Sa Yang Va, câu tế lễ của già làng Năm Nỗi, nhớ tuổi trẻ đi theo cha hái rau, chặt đọt mây, rau nhíp, măng rừng, củ chụp. Nhớ đêm đêm dưới bóng đèn dầu bên bếp lửa nằm nghiêng nhìn cha đan lát những nông cụ: nia, thúng, gùi, mẹ ngồi vá áo ru em mà nước mắt chảy ra. Bây giờ cũng tạm gọi là thành công bước đầu trong nghệ thuật sân khấu ở Hà Nội nhưng cháu vẫn đau đáu sau này là tự mình mở ra khu du lịch sinh thái tại chính quê hương để gìn giữ, tôn tạo văn hóa phi vật thể của người dân tộc Chơ Ro tại Lý Lịch như người H’Mông, người Tày... ở  phía Bắc và người K’Ho Lạch ở chân núi Lang Biang đã làm. Chú còn nhớ! Lý Lịch là nơi chôn nhau, cắt rốn của cháu ngày xưa, đến tận bây giờ xung quanh nhà là tre, nhà, giường ngủ và các nông cụ được làm bằng tre, tuổi thơ của cháu trốn tìm quanh quẩn bóng tre. Cây tre là một biểu tượng văn hóa xóm làng hiện nay là chủ trương của ngành quan hệ quốc tế của nước mình. Mới đây, cháu vừa đọc được bài viết của ai đó trên mạng xã hội đại để thế này: Cây tre được trồng vài năm mới đâm chồi nảy lộc, trong thời gian đó, tre chỉ phát triển bộ rễ lặng lẽ dưới đất, khi đã đủ sức sống, tre mới phát triển cành lá. Giống như một thanh niên nếu không được gia đình tạo ra bộ rễ làm nền móng, không được đi học để có nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức và ứng xử của những người quanh ta thì không thể tự mình tồn tại, hội nhập ở những thành phố lớn chú ạ!".