Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt 40 năm đồng hành cùng sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước

QUỲNH UYỂN 18:09, 22/03/2024

(LĐ online) - Cách đây 40 năm, vào ngày 20/3/1984, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được hồi sinh, thực hiện sứ mệnh cao cả phục vụ công cuộc dựng xây và phát triển đất nước.

40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân đã đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân đã đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPƯ) là lò hạt nhân đầu tiên của Đông Nam Á được người Mỹ xây dựng từ tháng 4/1961, hoàn thành tháng 12/1962, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các phụ tá thiết kế công trình. Năm 1968, người Mỹ đã cho dừng vận hành LPƯ. Trước khi Đà Lạt được giải phóng, sáng 31/3/1975 các thanh nhiên liệu đã được lấy ra khỏi LPƯ.

Các thế hệ nhà khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân đã vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ
Các thế hệ nhà khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân đã vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ

Đất nước thống nhất, được sự giúp đỡ của Liên Xô, việc thiết kế kỹ thuật, khôi phục và mở rộng nâng công suất LPƯ hạt nhân Đà Lạt đã được khởi công ngày 15/3/1982. Sau 20 tháng thi công khẩn trương, LPƯ được nạp nhiên liệu và đạt trạng thái tới hạn lần đầu vào lúc 19 giờ 50 phút ngày 01/11/1983. Ngày 20/3/1984, LPƯ được đưa vào vận hành với công suất danh định 500 kW, gấp 2 lần so với lò trước đây.

Quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả lò phản ứng hạt nhân đảm bảo an toàn
Quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả lò phản ứng hạt nhân đảm bảo an toàn

Ngày 15/2/1985, 3 chuyên gia cuối cùng của Liên Xô về nước, các nhà khoa học thế hệ đầu của Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện) đã khẳng định trí tuệ Việt, bản lĩnh Việt, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ kỹ thuật, đảm bảo vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

40 năm qua, LPƯ đã vận hành gần 70.000 giờ tại công suất danh định 500 kW để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phân tích mẫu, sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế, công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Trung bình trong 30 năm đầu, LPƯ vận hành khoảng 1.300 giờ/năm, và tăng lên 3.000 giờ/năm trong 10 năm gần đây. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, LPƯ vận hành trên 4.500 giờ/năm để sản xuất đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế trong nước và hỗ trợ Campuchia. Con số 70.000 giờ hoạt động của LPƯ, tương đương với thời gian làm việc 34 năm của một cán bộ viên chức, cũng là minh chứng cho khả năng làm chủ kỹ thuật trong vận hành an toàn LPƯ của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Viện. Để đáp ứng các chuẩn mực về an toàn bức xạ và hạt nhân của quốc gia và quốc tế, LPƯ và các hệ công nghệ không ngừng được nâng cấp.

Lớp lớp các nhà khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân đã vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ
Lớp lớp các nhà khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân đã vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ

Đội ngũ các nhà khoa học của Viện đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, nghiên cứu Vật lý lò và Động học lò phản ứng: Từ làm chủ vận hành Lò Phản ứng, Viện NCHN đã tiến bước sang nghiên cứu thiết kế, trong đó tập trung thiết kế cấu hình nhiên liệu - trái tim của lò. Thực hiện thành công dự án chuyển đổi nhiên liệu cho LPƯ từ độ giàu cao 36% U-235 sang độ giàu thấp 19,75% U-235 (2007-2011). Tiếp tục tiến hành tính toán thiết kế neutron, thủy nhiệt và phân tích an toàn cho Lò Phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MW trong Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân.

 
Công tác diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân luôn được quan tâm, đảm bảo an toàn
Công tác diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân luôn được quan tâm, đảm bảo an toàn

 

Nghiên cứu Vật lý hạt nhân và cấu trúc hạt nhân được Viện thực hiện ngay từ khi LPƯ đi vào vận hành. Kỹ thuật phin lọc tạo các dòng nơtrôn đơn năng đã được nghiên cứu thành công. Viện là một trong 4 cơ sở nghiên cứu trên thế giới sử dụng các dòng nơtrôn đơn năng sau phin lọc để nghiên cứu số liệu hạt nhân và cấu trúc hạt nhân; đã đóng góp nhiều số liệu mới cho thư viện số liệu hạt nhân quốc tế, phần vào kho tàng kiến thức về cấu trúc hạt nhân của thế giới.

Viện đã nghiên cứu công nghệ và điều chế các chất đồng vị phóng xạ, phát triển thành công các công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán và điều trị bệnh như thuốc phóng xạ chứa I-131, Tc-99m, P-32 và một số đồng vị khác. Thêm vào đó, nhiều loại kit đánh dấu phóng xạ dùng trong chẩn đoán bệnh về não, ung thư xương, các bệnh lý về gan mật, bệnh Parkinson giai đoạn sớm, khối u thần kinh nội tiết, v.v... đã được nghiên cứu, sản xuất thành công. 9 loại sản phẩm của Viện được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam; được Bộ Y tế chứng nhận đạt "Thực hành tốt trong sản xuất thuốc phóng xạ" WHO-GMP. 

Lâm Đồng - Đà Lạt tự hào là nơi có Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam
Lâm Đồng - Đà Lạt tự hào là nơi có Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam

Đến nay, Viện đã cung cấp khoảng 17.500 Ci thuốc phóng xạ các loại cho các bệnh viện trong nước, phục vụ chẩn đoán, chữa trị cho khoảng 500.000 lượt bệnh nhân/năm. Sản phẩm của Viện còn xuất khẩu sang Campuchia, giúp nước bạn phát triển ngành y học hạt nhân.

Không chỉ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị mà còn thiết kế, mà các nhà khoa học của Viện còn nghiên cứu chế tạo thiết bị hạt nhân, chế tạo thành công nhiều thiết bị đo đạc, phân tích phóng xạ. Năm 2023, Viện đã chế tạo 2 máy đo độ tập trung Iốt đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và bệnh viện NewLife của Lào. Cán bộ của Viện cũng đã nghiên cứu ứng dụng thành công các kỹ thuật điện tử mới như FPGA, DSP để chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân hiện đại, có khả năng tích hợp và nội địa hóa cao.

Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân và hóa lý, đạt TCVN ISO/IEC 17025; có khả năng phân tích hơn 80 nguyên tố và hợp chất trong các đối tượng mẫu khác nhau với độ nhạy và độ chính xác cao. Mỗi năm trung bình trên 4.000 mẫu các loại được phân tích, phục vụ đắc lực cho việc tìm kiếm khoáng sản, tài nguyên nước, dầu khí, nghiên cứu khảo cổ, đánh giá thổ nhưỡng, ô nhiễm môi trường, kiểm soát chất lượng an toàn lương thực - thực phẩm...

Nghiên cứu, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường với các phương pháp phân tích có độ nhạy cao, cho phép phân tích được hầu hết các đồng vị phóng xạ tự nhiên và nhân tạo có trong mẫu môi trường. Thực hiện quan trắc phóng xạ trên đất liền cho vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; quan trắc phóng xạ môi trường biển khu vực phía Nam. Qua đó kịp thời phát hiện, ghi nhận các dị thường về phóng xạ (ví dụ phóng xạ trong không khí từ sự cố Chernobyl năm 1986, Fukushima năm 2011 dù ở mức rất thấp). Viện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mô phỏng sự phát tán chất phóng xạ trong biển, đánh giá tác động từ các nhà máy điện hạt nhân gần biên giới phía Bắc đến vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.

Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị: Viện đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công một số kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để giải quyết các vấn đề trong thực tế như: Xác định nguyên nhân, cơ chế bồi lấp luồng tàu trong vùng cửa sông; Xác định tốc độ bồi lấp các hồ thủy điện, thủy lợi phục vụ đánh giá tuổi thọ và an toàn công trình; Xác định diễn biến bồi tụ các vùng ngập mặn ven biển; Xác định tốc độ xói mòn, suy thoái đất nông nghiệp; Xác định các hệ số khuếch tán và thời gian lưu của chất thải lỏng trong vùng biển ven bờ. Một số hướng nghiên cứu mới đang được triển khai với sự hỗ trợ của các đồng vị bền như:  xác định nhu cầu nước của cây trồng; truy xuất, xác thực nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu về biến đổi khí hậu…

Đà Lạt vinh dự là nơi đóng chân của LPƯ hạt nhân duy nhất của Việt Nam, nhiều nghiên cứu của Viện về công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, chọn tạo giống bằng đột biến phóng xạ, đã tạo được nhiều dòng cây có tính vượt trội về năng suất và chất lượng, đã được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tạo bước đột phá cho nông nghiệp Lâm Đồng. Trong đó có các giống rau, hoa, cây ăn quả, quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm, nấm dược liệu, kỹ thuật nuôi cấy mô các giống hoa, giống lan...         

Trong 40 năm hoạt động nghiên cứu khoa học hạt nhân, Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã đóng góp đáng kể vào kho tàng kiến thức chung của quốc gia và quốc tế với khoảng 420 công trình khoa học trên các tạp chí quốc gia, 300 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS và hàng ngàn báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước. LPƯ hạt nhân Đà Lạt được đánh giá là “lò sử dụng hiệu quả nhất trong các lò có công suất thấp trên thế giới” như lời của ông Hans Blix - nguyên Tổng Giám đốc IAEA.

Tiến sĩ Cao Đông Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân cho biết: Trong thời gian tới, LPƯ hạt nhân Đà Lạt tiếp tục duy trì vận hành an toàn và khai thác hiệu quả với đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ như hiện nay tối thiểu đến năm 2033 và có thể kéo dài hơn khi điều chỉnh mục đích sử dụng. Viện Nghiên cứu Hạt nhân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Tích cực tham gia Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và công nghệ hạt nhân với LPƯ nghiên cứu mới; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả LPƯ mới đa mục tiêu công suất 10 MWt.