Những chiến sĩ khoác áo blouse trắng

NHẬT QUỲNH  03:30, 08/03/2024

Trên những nhà giàn DK1 hiên ngang giữa trùng khơi, nơi cách đất liền hàng trăm hải lý, có những chiến sĩ khoác áo blouse trắng, ngày đêm thầm lặng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, họ cũng đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân” trong lòng Nhân dân. 

Quân y nhà giàn tận tình chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân
Quân y nhà giàn tận tình chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân

VƯỢT QUA GIAN KHÓ, TỎA SÁNG Y ĐỨC

Mặc dù được quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhưng điều kiện y tế trên nhà giàn vẫn còn nhiều hạn chế so với đất liền. Song, vượt qua bao gian khó, trở ngại do điều kiện, thời tiết khắc nghiệt, các y sĩ, quân y nơi đây vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Đại úy Trần Hùng Sơn, quân y Nhà giàn DK1/21, người có 22 năm gắn bó với ngành y từ đất liền, hải đảo, nhà giàn cho biết: “Là y sĩ duy nhất trên nhà giàn, tôi luôn ý thức được tính mạng của người bệnh phụ thuộc vào chẩn đoán và xử trí chuyên môn của mình. Do đó, tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp.” 

Trong thời gian dài gắn bó với ngành y, đối diện với vô vàn trường hợp bệnh, Đại úy Sơn cho rằng, điều đáng ngại nhất đối với các y sĩ làm việc xa đất liền như anh là các trường hợp liên quan đến tim mạch hay chấn thương nặng. Cá nhân anh khi công tác trên biển cũng đã gặp nhiều trường hợp ngư dân bị cá đâm xuyên bắp tay, cá cắn hoặc bị đuối nước dẫn đến sưng phổi cấp, khạc ra máu… “Do không có các phương tiện chụp chiếu, xét nghiệm hiện đại, để xử lý các ca bệnh này, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng chẩn đoán của người làm công tác y tế là vô cùng quan trọng”, anh Sơn cho biết. “Đối với các bệnh nhân nguy cấp, bệnh nặng, tôi sẽ báo cáo và xin chỉ đạo hỗ trợ đưa người bệnh vào đảo hoặc đất liền để cấp cứu, điều trị kịp thời”, anh nói thêm. Vì vậy, bên cạnh chuyên môn, sự nhạy bén, bản lĩnh và sự chủ động là những phẩm chất cần có với đội ngũ quân y nhà giàn để xử lý tình huống nhanh, cứu sống bệnh nhân kịp thời. 

Đã từng cứu nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, mới đây, Đại úy Trần Hùng Sơn cũng đã kịp thời cứu sống ngư dân bị giảm áp do lặn sâu. Với bản lĩnh và chuyên môn nghiệp vụ, anh đã sơ cứu, phối hợp với đơn vị đưa người bệnh vào đất liền điều trị kịp thời. Đại úy Sơn bộc bạch: “Sau mỗi lần cứu người thành công, tôi và cả cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đều rất vui và hạnh phúc. Những người được cứu sau khi trở lại biển cũng tìm gặp chúng tôi để cảm ơn, điều này khiến tôi cảm thấy công việc của mình thực sự ý nghĩa và có thêm động lực để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. 

Cùng chung niềm tự hào, Đại úy Lê Văn Cương, quân y tàu chiến, Lữ đoàn 171 chia sẻ về hơn 10 năm làm nhiệm vụ y tế trên các nhà giàn và tàu chiến. Anh đã chứng kiến và trực tiếp cứu chữa cho nhiều ngư dân gặp nạn. “Nhiều nhất là khi làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/10, gần tỉnh Kiên Giang, nhiều ngư dân gặp nạn bị lưới cắt đứt tứ chi hoặc bị giảm áp. Trong những trường hợp này, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn nhiệt tình, nỗ lực hỗ trợ sơ cứu, xử lý vết thương, bảo đảm tính mạng cho ngư dân”, anh nhớ lại. 

TÔ THẮM HÌNH ẢNH BỘ ĐỘI CỤ HỒ - NGƯỜI CHIẾN SĨ HẢI QUÂN 

Trên các Nhà giàn DK1, nơi biển khơi xa xôi, công việc của những “chiến sĩ áo blouse trắng” luôn đối mặt với vô vàn thử thách. Thiếu thốn về vật chất, điều kiện thời tiết khắc nghiệt là những rào cản không nhỏ cho công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm cao và y đức sáng ngời, đội ngũ y, bác sĩ tại các nhà giàn luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi chuyên môn, sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại nhà giàn và ngư dân, các phòng y tế tại các nhà giàn đều được trang bị đầy đủ cơ số thuốc và phương tiện cấp cứu ban đầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp các chiến sĩ quân y thực hiện tốt nhiệm vụ, kịp thời cứu chữa người bệnh khi cần thiết. Y sĩ Nguyễn Hải Hà, quân y Nhà giàn DK1/16 cho biết: “Nhà giàn được trang bị đầy đủ thuốc để điều trị bệnh thông thường và điều trị cấp cứu ban đầu, có bình oxy và đèn phẫu thuật giúp việc cấp cứu, khâu vết thương được thuận lợi”. 

Điều đặc biệt sau mỗi lần cấp cứu ngư dân, Đại úy Lê Văn Cương cho biết, nhà giàn sẽ tặng cờ, cấp nước ngọt hoặc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho ngư dân. Đây đều là những món quà nghĩa tình giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Ngư dân Bùi Văn Thiện (tỉnh Quảng Ngãi), chia sẻ: “Trong mỗi chuyến đánh bắt trên biển, chúng tôi đều chuẩn bị đầy đủ thuốc. Tuy nhiên, có những sự cố gặp nạn bất ngờ, không thể xử lý được, chúng tôi tìm đến các đảo, nhà giàn hoặc các tàu trực để nhờ hỗ trợ. Người dân cần gì, các anh đều nhiệt tình giúp đỡ. Tình quân dân cũng càng thêm gắn kết”. 

Hơn cả một công việc, việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và ngư dân trên biển còn mang nghĩa cử cao đẹp, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, tình yêu thương giữa đồng đội, quân dân. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, họ cùng nhau chia sẻ khó khăn, gian khổ và cùng đồng lòng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.