(LĐ online) - Đó là chủ đề diễn đàn được Hội LHPN tỉnh tổ chức vào chiều 29/3 tại thành phố Bảo Lộc. Đây là một trong những hoạt động triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2025.
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
Tham dự diễn đàn có bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; bà Cil Bri – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; ông Bùi Thanh Long – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, Hội LHPN các huyện trên địa bàn tỉnh triển khai Dự án 8; Hội LHPN TP Bảo Lộc, Hội LHPN 32 xã thực hiện dự án 8, đại diện Ban chủ nhiệm CLB, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại các địa bàn thực hiện dự án 8.
Bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu khai mạc diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Cil Bri – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang là một thực trạng nhức nhối, không chỉ vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà còn để lại những hệ luỵ khó lường về mặt xã hội. Vấn đề bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra không những chỉ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS mà ngay cả các địa bàn thị trấn, thành thị, gây nhiều hệ lụy cho đời sống, sức khỏe sinh sản và duy trì nòi giống cũng như đạo đức xã hội. Trong đó, có nhiều vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do các đối tượng cố tình thực hiện, do cha mẹ sắp đặt…
Tiểu phẩm tuyên truyền “Phòng chống Bạo lực gia đình” do Hội LHPN thành phố Bảo Lộc diễn xuất |
Đối với Lâm Đồng, qua kết quả điều tra, khảo sát trong giai đoạn 2015 – 2020 cho thấy toàn tỉnh có hơn 1.000 trường hợp tảo hôn (chiếm 3,68%) so với tổng số cặp đôi kết hôn. Riêng trong 3 từ năm 2015 đến năm 2018 qua khảo sát tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 xã vùng DTTS có trên 300 cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Bên cạnh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì vấn đề bạo lực gia đình hiện nay cũng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 175 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.
Từ những thực trạng trên, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức các hội thi phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng các mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng, các hoạt động hội thảo, diễn đàn… Đồng thời chú trọng các biện pháp phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, duy trì nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình, câu lạc bộ.
Ông Bùi Thanh Long - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ chuyên đề “Bí quyết xây dựng hạnh phúc cho gia đình trẻ hiện nay” |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi để tìm ra các giải pháp hữu ích trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống bạo lực gia đình, nhất là trong phụ nữ DTTS.
Cùng với đó, các đại biểu đã tham gia giao lưu sân khấu chia sẻ những giải pháp trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống bạo lực gia đình.
Các đại biểu tham gia giao lưu sân khấu |
Thông qua diễn đàn nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới. Qua đó nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giảm thiểu và hạn chế tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin