Phát triển thể dục, thể thao đem lại sức khỏe cho con người

LINH NHÂN 09:44, 27/03/2024

(LĐ online) - “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên phát triển phong trào thể dục thể thao cho rộng khắp”. Đó là điều Bác Hồ nói về vai trò và sự cần thiết phải phát triển thể dục, thể thao (TDTT).

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA THỂ DỤC, THỂ THAO TRONG ĐỜI SỐNG

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở thế kỷ 18 đã viết: “Thể chất và tinh thần luôn luôn khang kiện, mà tận hưởng hết tuổi thọ, ngoài trăm tuổi mới có thể chết”. Các nhà kinh điển chủ nghĩ Mác-Lênin cho rằng: Con người phát triển toàn diện là con người được phát triển về trí lực, thể lực, đạo đức, thẩm mĩ và kỹ năng lao động. Con người với trí thức, sức khỏe và kĩ năng lao động là nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò to lớn của sức khoẻ con người. Chính vì vậy, tháng 1/1946, chỉ 4 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, với bộn bề công việc cấp bách phải giải quyết, Bác đã ký Sắc lệnh số 14/SL ngày 30/1/1946 về công tác TDTT với mục đích: “tăng cường sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống”. Tiếp theo, đến ngày 27/3/1946, Người viết bài “Thể dục và sức khỏe” đăng trên báo Cứu quốc. Bài báo là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, trong đó nhấn mạnh: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Bởi theo Bác: “Dân cường thì quốc thịnh”, có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt. Kết thúc bài báo, Bác nêu: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập” và suốt cuộc đời Bác đã nêu một tấm gương cao đẹp về rèn luyện sức khỏe.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tập thể dục và noi theo tấm gương Bác Hồ, cả nước đã dấy lên phong trào sôi nổi khỏe vì nước. Chính bài báo “Thể dục và sức khỏe”, với những ý tưởng cao đẹp là kim chỉ nam, dẫn lối cho sự hình thành và phát triển nền TDTT nước nhà. Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Từ đó, ngày 27/3 hàng năm đã trở thành “Ngày Thể thao Việt Nam”.

Vận dụng quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp TDTT. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để từng bước xây dựng và phát triển nền TDTT nước nhà. Trải qua các chặng đường phát triển của đất nước, TDTT Việt nam đã giành được nhiều kết quả trên bình diện đấu trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, sự nghiệp TDTT được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các mặt hoạt động, nhất là thể thao thành tích cao. Thành tựu TDTT không chỉ góp phần tăng cường sức khoẻ, lối sống lành mạnh cho Nhân dân, mà còn tạo sự lan tỏa hình ảnh và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền  các cấp nên lĩnh vực TDTT vẫn còn nhiều mặt hạn chế đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luân số 70-KL/TW. Điều đó đòi hỏi phải được khắc phục trong thời gian tới.

PHÁT TRIỂN NỀN THỂ DỤC, THỂ THAO TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống”. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, ngày 31/01/2024, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.  

Kết Luận số 70-KL/TW đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân đối với phát triển sự nghiệp TDTD; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sớm ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp TDTD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khuyến khích phát triển TDTD quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khoẻ, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí; Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTD.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI theo tinh thần Kết Luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, thiết nghĩ thời gian tới cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, sự nghiệp TDTT là của toàn Đảng, toàn dân, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT với tinh thần cụ thể, sáng tạo và quyết tâm cao; phải đặt công tác TDTT ngang hàng với công tác khác, đưa công tác TDTT vào nghị quyết của Đảng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh.   

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là năng lực triển khai thực hiện chiến lược, các chính sách, kế hoạch phát triển TDTT. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào sự nghiệp phát triển TDTT, góp phần huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào việc phát triển lĩnh vực này. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý TDTT; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sự nghiệp TDTT… Có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực TDTT.

Thứ ba, Kết luận 70-KL/TW tiếp tục nhấn mạnh phương hướng phát triển toàn diện lĩnh vực TDTT bao gồm: TDTT quần chúng, giáo dục thể chất trong nhà trường, phát triển thể thao trong lực lượng vũ trang, phát triển thể thao chuyên nghiệp, chú trọng các môn thể thao Olympic… Theo đó, cần tăng cường nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các thiết bị cần thiết huấn luyện, thi đấu, tạo dựng phong trào tập luyện ở cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, đẩy mạnh hoạt động thể thao trong lực lượng vũ trang, làm nền tảng sâu rộng và nguồn lực cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao Việt Nam. Đặc biệt, TDTT quần chúng cần phát triển theo hướng tăng cường năng lực tổ chức hoạt động TDTT của gia đình, cộng đồng gắn với việc tổ chức các hoạt động văn hóa và du lịch nhằm phát triển các môn thể thao truyền thống, dân tộc, đồng thời hướng dẫn về chuyên môn và huy động các nguồn lực để nhân dân rèn luyện TDTT.

Thứ tư, tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo vận động viên, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm. Cần quán triệt tinh thần đầu tư phát triển thể thao thành tích cao không chỉ đem lại vinh quang cho dân tộc, mà còn góp phần thúc đẩy TDTT quần chúng vì sức khỏe cho mọi người dân. Theo đó, cần tập trung đầu tư và có chiến lược đào tạo trẻ bài bản, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng, phát triển hệ thống các trường, lớp năng khiếu thể thao; đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp và ưu tiên đầu tư cho những môn thể thao trọng điểm; coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ TDTT, đặc biệt trong các đội tuyển quốc gia…

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đội ngũ chuyên gia đầu ngành, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT. Xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vận động viên TDTT.

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 70-KL/TW đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước tới lĩnh vực TDTT, góp phần chăm lo sức khoẻ cho người dân. Hy vọng rằng với những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị sẽ thúc đẩy sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, nhất định sẽ tạo đà cho sự nghiệp TDTT có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc.