(LĐ online) - Sáng 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì phiên họp thứ 5, trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy việc triển khai, thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, dù đã đạt được những kết quả quan trọng khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nguồn vốn giải ngân được khoảng 65%, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu dự họp nêu rõ những vướng mắc, qua đó đề xuất, bàn giải pháp tháo gỡ để việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tiến độ đề ra, với tinh thần quyết liệt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu…
Các đại biểu tỉnh Lâm Đồng tham dự Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia |
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 280 đơn vi cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%. Về kết quả giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023) đạt khoảng 61,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương ước đạt 15%.
Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 6/2/2024, về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phiên họp đã dành phần lớn thời gian để các địa phương, các bộ, ngành phát biểu làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại Lâm Đồng, đối với kế hoạch năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2023 bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 770,021 tỷ đồng; trong đó: ngân sách Trung ương 513,301 tỷ đồng (vốn đầu tư công 274,38 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 238,921 tỷ đồng), ngân sách địa phương 256,720 tỷ đồng (vốn đầu tư công 171,696 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 85,024 tỷ đồng); giá trị giải ngân là 451,432/770,021 tỷ đồng, đạt 58,6% kế hoạch (ngân sách Trung ương 290,948 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch; ngân sách địa phương 160,484 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch). 2 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp đã được giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2471/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 (nguồn vốn đầu tư công) và tại Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 (nguồn vốn sự nghiệp).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin