Thực hiện Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND về quy định hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, Sở Y tế Lâm Đồng đã có tổng kết việc thực hiện, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất để thực hiện tốt chính sách an sinh trong thời gian tới.
BHXH Lâm Đồng thăm, tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại BVĐK Lâm Đồng |
Thực hiện Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND, từ ngày 22/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đơn vị trong ngành Y tế đã tiếp nhận, thực hiện hỗ trợ một phần chi phí điều trị, tiền ăn, đi lại cho bệnh nhân cụ thể như sau: Hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho 568 lượt bệnh nhân với kinh phí là hơn 2,63 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lại cho 4 lượt bệnh nhân với kinh phí là 3 triệu đồng.
Việc thực hiện chính sách mới có nhiều thuận lợi do hồ sơ đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp giám định trước khi thanh toán cho bệnh nhân, đảm bảo tính khách quan. Quy trình gửi giám định cơ quan Bảo hiểm xã hội và đơn vị thanh toán trực tiếp được thực hiện hỗ trợ nhanh hơn, hỗ trợ kịp thời khó khăn của người bệnh và gia đình người bệnh. Chính sách mới đã nhận được sự đồng thuận của chính quyền các cấp trong việc phối hợp phổ biến chính sách đến nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo biết và thực hiện. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 209/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng phần nào hỗ trợ được một phần khó khăn cho các trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh và cũng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đối với trường hợp người đề nghị được hỗ trợ điều trị nội trú, ngoại trú tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh đã được cơ quan BHXH giám định chi phí khám, chữa bệnh cần được hỗ trợ.
Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị Quyết số 209/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Lâm Đồng như: về đối tượng thụ hưởng, theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Lâm Đồng là “các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này khi điều trị nội, ngoại trú tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh thì nơi tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh (bao gồm: tiền ăn, tiền đi lại và chi phí điều trị) là Trung tâm y tế tuyến huyện, nơi các đối tượng được hỗ trợ thường trú”. Vì vậy, những trường hợp bệnh nhân có nơi thường trú ở địa phương nhưng đăng ký thẻ Bảo hiểm y tế tại địa phương khác (nơi làm việc và nơi ở) gây lúng túng cho các đơn vị khi xác định đối tượng được hỗ trợ.
Về hồ sơ hỗ trợ, tại điểm đ, khoản 1, điều 4 có quy định gồm “bản sao (không chứng thực): Giấy ra viện hoặc đơn thuốc hoặc phiếu hẹn hoặc phiếu theo dõi điều trị phù hợp với hóa đơn. Nếu đang điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có Giấy xác nhận của bệnh viện nơi đang điều trị”, trong thực tế thì giấy chuyển tuyến bệnh nhân thường nộp cho cơ sở khám, chữa bệnh, không photo lưu lại đến khi nộp hồ sơ xin hỗ trợ thì không có và rất khó xin lại được giấy chuyển tuyến điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ được cấp giấy chuyển tuyến 1 lần trong năm nên việc nộp hồ sơ có yêu cầu giấy chuyển tuyến sẽ khó khăn cho bệnh nhân. Trong quá trình tổng hợp hồ sơ một số bệnh nhân bị thất lạc chứng từ nên vẫn không nộp đúng thời gian theo quy định. Hầu hết các bệnh nhân xin hỗ trợ chi phí điều trị đều là bệnh nhân điều trị ngoại trú mà xin giấy xác nhận của bệnh viện nơi đang điều trị rất khó.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND là “không tiếp nhận hồ sơ đối với những bệnh nhân đã tử vong đến ngay thời điểm tiếp nhận hồ sơ”. Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, đang nằm điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương; hầu hết do người nhà nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong quá trình tiếp nhận và thẩm định không xác định được các trường hợp bệnh nhân đã tử vong đến ngay thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Các đơn vị khi nhận hồ sơ của người bệnh thì chưa thể tự xác định chính xác được phần chi phí khám, chữa bệnh được hỗ trợ.
Tuy được hướng dẫn cụ thể các khoản hỗ trợ nhưng bệnh nhân vẫn không hiểu rõ mình thuộc đối tượng nào và các chi phí được hỗ trợ là gì nên trong đơn gửi kèm hồ sơ vẫn điền các thông tin không chính xác. Do việc thực hiện chính sách mới nên kinh phí là ngân sách không thường xuyên mà đơn vị được giao kinh phí trong tháng 12/2023, nên rất vất vả trong việc giải ngân cuối năm.
Ngày 14/9/2023, Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1573/BHXH-GĐBHYT về tham gia ý kiến đối với Dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính thực hiện Nghị quyết 209/2023/NQ-HĐND. Trong đó, BHXH có ý kiến: “Trong những năm qua, BHXH tỉnh Lâm Đồng luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh để tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm y tế (BHYT) tại địa phương. Hằng năm, số lượng hồ sơ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT của các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đề nghị cơ quan BHXH giám định và thanh toán là rất lớn (khoảng 2.000.000 lượt). Tuy nhiên, việc thực hiện công tác giám định chi phí KCB BHYT của ngành BHXH tỉnh Lâm Đồng chỉ thực hiện được khoảng 20% đến 25% số lượng hồ sơ cơ sở KCB đề nghị thanh toán, số lượng hồ sơ KCB BHYT còn lại không thực hiện được công tác giám định nhưng vẫn phải thanh toán cho cơ sở KCB là rất lớn. Theo đó, việc thực hiện thêm công tác giám định chi phí KCB cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lâm Đồng là rất khó khăn…
BHXH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Y tế tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh giao cho các cơ sở KCB khi nhận hồ sơ sẽ tổ chức thực hiện công tác giám định chi phí KCB của đối tượng đi KCB ngoại tỉnh, đồng thời giải quyết hồ sơ ngay (giám định như bệnh nhân điều trị tại các cơ sở trong tỉnh) để người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo sớm nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ như đúng tinh thần nhân văn của Nghị quyết đã đề ra.
Trên cơ sở các nội dung thống nhất giữa Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh thì BHXH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện giám định chi phí KCB của người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh khi điều trị tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh để hỗ trợ cho người bệnh cho đến khi Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND được sửa đổi. Các đơn vị trong ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các thủ tục để được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; chủ động thực hiện tổng hợp và giải quyết hỗ trợ ngay cho người bệnh khi nhận được hồ sơ.
Trên cơ sở kiến nghị của BHXH tỉnh, Sở Y tế đã đề xuất và được UBND tỉnh xem xét, báo cáo và dự thảo Nghị quyết sửa đổi một số điều của Nghị quyết số 209/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND về quy định hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trình các kỳ họp năm 2024 của HĐND tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin