Ngày 10/3/2024, Đại đội 10 (C10) công binh Quân khu 6 (cũ) tròn 50 năm ngày thành lập, ra đời. Đây cũng là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng huyện Đạ Huoai (bao gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) của tỉnh Lâm Đồng. Một thời hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào ấy, C10 đã anh dũng chiến đấu, trưởng thành và trực tiếp tham gia giải phóng huyện Đạ Huoai - “Vùng đất yêu thương” trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn viên, thanh niên thăm Nhà truyền thống trưng bày hiện vật tại Di tích lịch sử Khu ủy Khu VI. Ảnh: K.P |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Khu 6 khó khăn, gian khổ, thiếu thốn vô cùng. Lương thực, thực phẩm phải tự túc một phần, nhưng phần cấp phát cũng không đều, không đủ. Trong khi mỗi khẩu súng, viên đạn hay viên thuốc sốt rét... về tới đây đều thấm đẫm mồ hôi, công sức và cả máu của anh chị em mình nữa. Bởi, con đường tiếp vận ra chiến trường cũng chính là chiến trường, thậm chí còn nhiều tình huống bất ngờ hơn cả chiến trường nói chung. Những đơn vị làm nhiệm vụ ở đây luôn phải vừa chiến đấu, vừa phải bảo đảm an toàn cho các đơn vị khác qua lại, vừa giữ vững mạch máu giao thông cho toàn mặt trận. C10 chúng tôi là đơn vị sống, chiến đấu, trưởng thành trong hoàn cảnh ấy.
C10 là phiên hiệu hay tên gọi của Đại đội 10, đơn vị công binh cấp đại đội đầu tiên và duy nhất trực thuộc Quân khu 6. Sau giải phóng, đơn vị về trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng.
Tác giả (giữa) và các đồng đội cũ ở Đại đội 10 |
C10 được thành lập ngày 10/3/1974, tại khu rừng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Tuy (nay thuộc tỉnh Bình Thuận). Lúc ấy đại đội có gần 50 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Huỳnh Đức Nhuận (quê Phú Yên) làm Đại đội trưởng và đồng chí Nguyễn Trung Hận (quê Bình Thuận) làm Chính trị viên. Đại đội chia làm hai trung đội: Trung đội 1 do đồng chí Đinh Công Hoán (quê Nam Định) làm Trung đội trưởng, Trung đội 2 do đồng chí Lê Quang Bộ (quê Hưng Yên) làm Trung đội trưởng, và bộ phận hậu cần trực thuộc Ban Chỉ huy đại đội. Ổn định tổ chức xong, C10 hành quân cấp tốc về đứng chân hai bên Quốc lộ 20, tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Long Khánh (nay là Đạ Huoai, Lâm Đồng và Tân Phú, Đồng Nai) làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn, thông suốt cho tuyến hành lang Khu 6, từ sông Đồng Nai sang tỉnh Bình Thuận. Trong đó, trọng điểm là cung đường vượt qua Quốc lộ 20, nằm giữa hai đồn địch là đồn Mađagui, thuộc tỉnh Lâm Đồng và đồn gần cây số 142, thuộc tỉnh Long Khánh. Hơn nữa, cung đường còn nằm trong tầm bắn của hai trận địa pháo 105 ly là Chi khu Phương Lâm thuộc tỉnh Long Khánh và Chi khu Đạ Oai thuộc tỉnh Lâm Đồng, làm cho nơi trọng điểm càng thêm nguy hiểm. Nguy cơ bị địch phục kích, địch gài mìn, pháo kích hay chạm trán bất ngờ với địch (tao ngộ chiến)... xảy ra bất cứ lúc nào. Chọn vượt đường tại đây là mạo hiểm, nhưng lại gây bất ngờ cho địch và quan trọng hơn, đây mới là nơi thuận lợi nhất để kết nối toàn tuyến hành lang Khu 6.
Gọi là đường nhưng làm gì thấy đường. Không phải đường, mà đêm đêm người của ta vẫn thường qua lại, rồi toả đi khắp nơi để làm nhiệm vụ. Đặc biệt, với sự phối hợp của C10 và một tiểu đội của tiền phương Quân khu, nơi đây đã diễn ra những "trận chiến" thầm lặng, cần mẫn, bền bỉ, trên cả phi thường của Đoàn H50. Đơn vị này hầu hết là nữ, đa số quê tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh Nam Bộ. Nhìn các chị gùi, thồ những kiện hàng nặng trĩu, quá khổ, băng rừng lội suối, xuyên màn đêm, vượt trọng điểm..., chúng tôi thường liên tưởng tới hình ảnh của chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng”, của người vợ trong bài ca “Lá thư viết dở” hay của những cô gái trong bài hát "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" phát trên Đài phát thanh Giải phóng hồi bấy giờ.
Hằng đêm từng đoàn xe đạp thồ, đoàn người gùi thồ hàng quân sự, cùng những đoàn cán bộ, bộ đội đã bí mật vượt qua chặng đường này. Dù trời tạnh ráo hay gió mưa lầy lội, dù trời có trăng sao hay đêm tối dày đặc, dù địch bắn cầm canh, địch gài mìn chắn lối hay chúng im ắng bất thường... các anh chị cũng chẳng ngại ngần, cứ có lệnh là lên đường. Có chăng chỉ là lựa chọn phương tiện, vật dụng và thời gian xuất phát sao cho phù hợp với thực tế chiến trường, vào từng thời điểm mà thôi.
Đảm bảo bí mật, an toàn cho cung đường và cho Đoàn H50 làm nhiệm vụ là một trong những hoạt động trọng yếu của C10 chúng tôi. Để làm được điều đó, đơn vị đã tổ chức bố phòng nhiều hướng, đồng thời luôn có hai tổ trinh sát ở hai bên đường, theo dõi nhất cử nhất động của địch từ mờ sáng cho tới tối mịt. Nếu phát hiện địch gài mìn vào lối đi của ta thì tối ta gỡ, thông đường cho khách cùng đoàn tải qua, xong thì gài trả lại để chúng khỏi nghi ngờ.
Việc xóa dấu vết sau mỗi đêm vượt đường cũng phải thận trọng, khéo léo và là mệnh lệnh. Bình thường, chúng tôi phải trải bạt lên mặt đường nhựa rồi mới cho đoàn tải và các đoàn khách đi qua. Xong việc lại phải xóa mọi dấu vết, nhất là dấu dép cao su trước khi rút về. Khi trời mưa, ta phải lấy nước rửa sạch bùn đất dính trên mặt đường mới yên tâm trở về căn cứ.
Có đêm đoàn tân binh cả ngàn người vượt đường. Do mới từ rừng ra, gặp ngay không gian thoáng rộng, lại lần đầu vượt qua vùng địch, không ít chiến sĩ tỏ ra căng thẳng, cứ húc hắc ho hắng hoài, làm chúng tôi lo lắng, sốt ruột quá. Đêm ấy sao mà dài thế!
Nếu vượt đường với các chị, các anh Đoàn H50 là việc thường ngày, thì với lính mới là một đêm hồi hộp. Còn với những đoàn đặc biệt, việc vượt đường lại chẳng giống ai. Đoàn đặc biệt có thể là những cán bộ cấp cao thuộc quân, dân, chính, đảng... đi công tác qua; có thể là những chuyến hàng hay tài liệu tuyệt mật; cũng có thể là mấy anh lính kỹ thuật được đào tạo sử dụng vũ khí, khí tài mới đưa vào chiến trường hoặc thu được của địch. Đưa đón những đoàn này thường không thành quy luật. Có khi đường an toàn mấy ngày liền mà họ không qua, nhưng có khi vừa nhận lệnh có đoàn đặc biệt thì các anh, chị ấy đã tới sau lưng rồi. Bí mật quân sự mà!
Việc bí mật theo dõi địch rồi làm chủ đoạn quốc lộ trong đêm như thế chúng tôi gọi là bám địch, là bám đường. Bám địch và bám đường ngày này qua ngày khác, làm cho một số anh em bị ức chế, phải cố gắng kìm nén căm thù mới hoàn thành được nhiệm vụ, nhất là khi đơn vị vừa có đồng đội hy sinh, mà địch thì nhởn nhơ ngay trước mắt. Như biết được điều đó, cấp trên cũng cho C10 đánh một số trận cách xa nơi vượt đường, từ khu vực Đèo Chuối, ngã ba Bà Sa tới đèo Bảo Lộc... Những trận ấy anh em ta đều lập công, đánh thắng địch và thu nhiều vũ khí, trong đó có súng phóng lựu M79, tiểu liên cực nhanh M16 và mìn định hướng claymo... trong khi ta bảo toàn được lực lượng.
Trở lại với chuyện vượt đường. Ta đi qua đi lại với tần suất ngày càng cao, địch đã nghi ngờ và như chúng đã biết về điều này. Từ nửa cuối năm 1974, ban ngày địch thường mò tới bìa rừng, bắn loạn xạ một hồi, sau đó gọi pháo "chi viện" rồi rút. Tối, chúng bắn pháo sáng, bắn cầm canh nhiều hơn và thường bắn pháo 105 ly từ chỉ khu Phương Lâm lên, có khi bắn cấp tập tới nửa tiếng đồng hồ. Vậy mà anh em C10 vẫn kiên cường làm nhiệm vụ, nhiều đêm ở ngoài mặt đường tới sáng, đảm bảo cho bên H50 tải tới ba chuyến sang nam đường, đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường, đặc biệt là mặt trận Tánh Linh, Hoài Đức thuộc tỉnh Bình Tuy (nay thuộc Bình Thuận).
Tới đầu tháng 3/1975, C10 được lệnh xuất quân chiến đấu ngay tại cung đường bí mật lâu nay. Đã thế, lại được đánh đúng cách đánh của bộ đội công binh, nên anh em rất hăng hái. Từ trinh sát thực địa, đến thảo luận trên sa bàn đều nhận được những ý kiến tích cực, những mưu kế hay, giúp cho trận mở màn thật là bài bản. Bắt đầu bằng tiếng nổ lớn, phá sập cổng ngầm, cắt đứt giao thông khu vực, chia cắt địa bàn của địch. Tiếp đó ta chốt chặn trên những điểm cao, kết hợp với phục kích bằng mìn định hướng ĐH10, không cho chúng đi giải tỏa. Phát hiện các chốt của ta, địch tập trung pháo kích dữ dội, lại thêm máy bay quần thảo trên đầu, bộ binh tấn công từ nhiều hướng, rồi biệt kích luồn sâu, gài mìn vào khu vực ta đang chiếm giữ, gây một số tổn thất cho ta. Song anh em ta không hề nao núng, vẫn chiến đấu rất dũng cảm, với quyết tâm chiến thắng. Có những đồng chí lên cơn sốt, người nóng ran, run cầm cập, vẫn không chịu rời trận địa. Trong khi đồng chí Trung đội trưởng Trung đội 1 bị thương, anh nhờ quân y gắp dùm mảnh đạn, băng vết thương lại để chiến đấu tiếp. Hay chiến sĩ Vũ Đình Kính, dù vết thương cũ chưa lành, vẫn tìm cách xin về đơn vị để được chiến đấu, rồi anh mượn khẩu CKC của đồng chí anh nuôi, xung phong lên chốt và anh lại bị thương, lần này thì rất nặng. Và còn nhiều tấm gương dũng cảm khác, mỗi người một vẻ, họ đều xứng danh chiến sĩ giải phóng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ, xứng là người trai đất Việt khi nước nhà có giặc. Với tinh thần như thế, C10 đã chiến thắng kẻ địch được trang bị mạnh hơn mình gấp bội, đã giữ vững trận địa theo đúng yêu cầu và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Khoảng 20/3/1975, đại đội chỉ để lại một nửa quân số giữ chốt, số còn lại chia làm hai mũi tiến lên hướng thị xã B’Lao (Bảo Lộc). Mũi Nam đường lên chặn địch trên đèo Bảo Lộc và giữ không để chúng phá hoại cầu cống, đảm bảo giao thông cho đà tiến công của quân ta lên hướng Lâm Đồng. Mũi Bắc đường đi tiền trạm với tiền phương Quân khu và trực tiếp tham gia giải phóng thị xã BLao. Đến ngày 27/3/1975, quân chủ lực miền từ hướng Phương Lâm tiến tới, bộ đội C10 đã phối hợp cùng đại quân tiến đánh địch, giải phóng hoàn toàn huyện Đạ Huoai. Tiếp đó, tham gia giải phóng thị xã B’Lao, giải phóng toàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh thuộc Khu 6, góp phần xứng đáng vào sự toàn thắng của dân tộc ta vào ngày 30/4/1975.
Thời đánh giặc, C10 chúng tôi đã làm được những điều tưởng chừng như không thể. Đã biến đường của địch thành đường của ta, biến nơi địch bố phòng dày đặc thành nơi ta có thể làm chủ khi cần và làm cho tuyến đường thành ẩn hiện, địch không thể ngăn chặn, cắt đứt. Đã đưa đón biết bao đoàn cán bộ, bộ đội, đoàn gùi, thồ cùng vũ khí, quân trang, quân dụng vượt qua vùng địch, ngay sát đồn địch, trong tầm pháo địch, dưới làn đạn địch để đi đánh địch và khi cần chiến đấu trực diện với quân thù thì luôn biết giành chiến thắng. Dù nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng hình ảnh của C10 cùng những chiến công khi thầm lặng, lúc vang danh như huyền thoại ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi.
Đại đội 10 công binh Quân khu 6, một đơn vị quân giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ mãi mãi không thể lãng quên; là cứ liệu mang tính lịch sử, truyền thống để lớp sau hiểu hơn về thời trước; để người trong cuộc vẫn thấy ấm lòng mỗi khi nhớ lại một thời chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào ấy; để mỗi chúng ta thêm trân quý nền hòa bình hôm nay và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin