Bảo tồn đa dạng sinh học cao Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang

QUỲNH UYỂN 16:03, 05/04/2024

(LĐ online) - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang có tính đa dạng sinh học cao là nhận định của các chuyên gia nhà khoa học ở Viện Sinh thái học miền Nam sau hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Điều tra đánh giá Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang” (Khu DTSQTG).

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có tính đa dạng sinh học cao với hệ thực vật, động vật phong phú

Kết quả điều tra cho thấy, Khu DTSQTG Langbiang có 2.036 loài thực vật và 1.167 loài động vật được ghi nhận, gồm: 144 loài thú, 394 loài chim, 115 loài bò sát, 92 loài lưỡng cư, 87 loài cá và 335 loài côn trùng. Ban quản lý Khu DTSQTG Lang Biang đã thực hiện được các hoạt động giám sát đa dạng sinh học đảm bảo các chỉ số giám sát cần thiết, mang tính nhạy cảm cao, đáp ứng yêu cầu giám sát đa dạng sinh học ở cấp độ Khu dự trữ trự sinh quyển; đặc biệt là tại vùng lõi Khu DTSQ (Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà). Chương trình giám sát đa dạng sinh học tại Khu DTSQ đã đạt được những kết quả nhất định; dịch vụ hệ sinh thái đã được hình thành và phát triển; nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực xã hội quan trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Khu DTSQ.

VQG Bidoup - Núi Bà có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách

Chất lượng nước từ vùng lõi đến vùng chuyển tiếp của Khu DTSQ đang ở mức tốt và nằm trong phạm vi có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp, tuy nhiên có tuyến tính giảm dần từ vùng lõi ra đến vùng chuyển tiếp. Chất lượng không khí xung quanh tại vùng lõi tốt, tại vùng đệm và vùng chuyển tiếp, do chịu ảnh hưởng từ các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hoạt động đô thị trong vùng đệm và vùng chuyển tiếp, dẫn đến chỉ số chất lượng không khí xung quanh có chiều hướng suy giảm. Chất lượng đất trong Khu DTSQTG có hàm lượng Nitơ tổng tốt, hàm lượng K+ ở mức nghèo, hàm lượng C hữu cơ dao động từ nghèo đến giàu theo từng loại đất.

Qua điều tra đánh giá, các chuyên gia cũng đã xác định các mối đe dọa chính lên Khu DTSQ gồm: Mất hoặc suy thoái sinh cảnh; khai thác quá mức tài nguyên động, thực vật; cháy rừng. Xác định một số mối đe dọa gián tiếp có tác động đối với Khu DTSQ gồm: Ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại; sự phát triển du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát; sự gia tăng dân số và đói nghèo; khai thác khoáng sản vượt quy định.

Cùng với việc kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học Khu DTSQTG Langbiang theo các chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học cơ bản đối với các khu bảo tồn, nhóm các nhà khoa học đã đề xuất những biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái Khu TSQTG Lang Biang giai đoạn 5 năm tiếp theo.