Thấu hiểu những thiệt thòi của các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, lớp học phụ đạo miễn phí (tại thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) của Giáo xứ Đạ Tông mở ra với mong muốn nối dài ước mơ, giúp các em có thêm điều kiện để học tập cũng như tiếp thu kiến thức mới hiệu quả.
Các em học sinh được các giáo viên chỉ dạy tận tình tại lớp học phụ đạo miễn phí |
Một ngày trung tuần tháng Tư, chúng tôi tìm đến lớp học dạy phụ đạo miễn phí của Giáo xứ Đạ Tông tại thôn Liêng Trang 2. Dẫn đoàn chúng tôi tham quan phòng học, phòng đọc sách và khu vực nhà bếp, Maria Phan Thị Thanh - người mở lớp học phụ đạo miễn phí này tâm sự: “Ở vùng quê nghèo, các em học sinh còn thiệt thòi rất nhiều thứ, từ việc học đến trang bị cho mình những kỹ năng sống. Tôi luôn định hướng cho các em tại sao phải học, giá trị của sự học và ý nghĩa của việc học tập suốt đời. Bởi lẽ, chỉ khi tự nhận thức được tầm quan trọng của học tập, thì các em mới thực sự đam mê để nỗ lực hết sức mình trên con đường thực hiện hoài bão của bản thân và khẳng định chính mình”.
Góp nhặt từ những yêu thương của bà con giáo dân, lớp học phụ đạo miễn phí của Sơ Thanh được mở ra và duy trì hơn một năm qua. Bởi khi chưa tìm được quỹ đất thích hợp để mở lớp, người dân thôn Liêng Trang 2 đã cùng nhau họp lại, bàn bạc để cho giáo xứ mượn chỗ mở lớp dạy kèm. Ngoài ra, những giáo viên đến dạy đều là người trong thôn tình nguyện đứng lớp để kèm học và dạy học miễn phí cho các em. Cùng với đó, các sơ tích cực vận động từ mạnh thường quân hỗ trợ vật dụng cho lớp học… Để rồi sau hơn một năm, lớp học ấy không chỉ là nơi truyền dạy kiến thức miễn phí mà đã trở thành mái nhà chung nuôi dưỡng những ước mơ, nâng bước cho các em tự tin trên hành trình vẽ nên bức tranh tương lai của bản thân.
Lớp học miễn phí của giáo xứ Đạ Tông hiện có khoảng 70 - 80 em học sinh đang theo học lớp 1 đến lớp 8. Lớp học hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu và còn dựa theo lịch học chính khoá của nhà trường các em đang theo học. Mỗi buổi học phụ đạo như vậy sẽ kéo dài tầm 2 tiếng rưỡi, tập trung vào hai môn chính là Toán và Tiếng Việt. Riêng đối với các em học lớp 4, 5, 6 sẽ học thêm vi tính. Đặc biệt, vào mỗi dịp hè tới, các sơ sẽ nhờ các bạn sinh viên tình nguyện từ các tỉnh Cần Thơ, An Giang... lên để dạy thêm môn Anh Văn cho các em.
Gắn bó với lớp từ những ngày đầu, cô Kơ Să K' Phing - giáo viên trực tiếp dạy kèm cho hay, để thuận lợi cho việc dạy học, chị phân chia thời gian để cân bằng công việc nhà và việc đến dạy học theo lịch được phân công. “Ba giáo viên đứng lớp hiện tại đều là người trong làng, nên chúng tôi rất mừng khi thấy ý thức của các em trong học tập đã dần thay đổi; từ chỗ trước đây còn hạn chế, dễ nản chí, sau khi đến trường, các em sẽ chỉ thích theo bố mẹ làm ruộng, làm nương, đi tắm sông, tắm suối, đi chăn bò, nhưng sau khi được vận động tham gia lớp học phụ đạo, các em đã dần tích cực tiếp thu những kiến thức mới, ham đọc, ham viết và kiên trì đến lớp, đến trường hơn rất nhiều” - cô Kơ Să K' Phing hồ hởi.
Chăm chú tìm cho mình những cuốn sách bản thân yêu thích, em Rơ Yam K’Mai - học sinh lớp 8 (thôn Liêng Trang 2) vui vẻ nói: “Sau khi tham gia lớp học được các cô, các sơ hỗ trợ, em cảm thấy rất vui. Đến với lớp, em có thêm nhiều bạn bè, được biết thêm nhiều điều hay, kiến thức mới, nên em biết ơn mọi người nhiều lắm”.
Bên cạnh tập trung truyền dạy những kiến thức chuyên môn, lớp học cũng chú trọng đến việc truyền tải những cảm xúc tích cực thông qua các hoạt động ngoài giờ học để giáo dục cho các em những kỹ năng sống. Sơ Thanh tâm sự: “Để các em học sinh có thói quen đọc sách, chúng tôi đã tạo không gian sinh hoạt riêng gồm đa dạng các loại sách để bổ sung kiến thức mới mỗi ngày cho các em. Thông qua các buổi sinh hoạt có chuyên đề riêng, các giáo viên sẽ hướng dẫn cho các em các kỹ năng khác như nấu ăn, cắm trại…”.
Ngoài ra, vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, lớp học sẽ tổ chức nấu ăn miễn phí cho các em để tạo không khí đoàn kết tại lớp học. Đối với nguồn kinh phí nấu ăn này, Sơ Thanh sẽ kêu gọi, xin ủng hộ từ các mạnh thường quân mỗi tháng gần 2 triệu đồng để nấu cơm cho các em. Bên cạnh đó, để khích lệ, động viên và cổ vũ tinh thần cho các em, sau một học kỳ, chúng tôi sẽ khen thưởng dưới hình thức là tặng quà.
Chị Kơ Să K’ Yur - phụ huynh có con em đang theo học tại lớp học phụ đạo miễn phí của Giáo xứ Đạ Tông phấn khởi cho biết: “Từ ngày tham gia lớp, học lực của con đã khá hơn, biết tự giác làm bài tập về nhà, ngoan ngoãn và lễ phép với mọi người hơn. Vì vậy tôi rất mong lớp học có thể được duy trì và nhân rộng để cho con em trong thôn có thêm điều kiện học tập tốt hơn”.
Theo ông Kră Jăn Ha Siêng - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, với đặc thù là địa bàn có 92% là người đồng bào DTTS theo đạo, tỉ lệ trẻ em bỏ học giữa chừng, không biết chữ khá nhiều, do đó việc Giáo xứ Đạ Tông mở lớp học phụ đạo miễn phí đầu tiên tại địa phương dành cho trẻ em nghèo có nhiều thuận lợi. Thông qua lớp học, cũng đã mở ra cơ hội cho các em học sinh điều kiện khó khăn không có đủ tiền học thêm được bổ sung những kiến thức bổ ích, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, thúc đẩy tinh thần tự học của các em. Nhờ đó, kết quả học tập ở trường học của các em được cải thiện, tốt hơn, từ những học sinh yếu, kém, hổng kiến thức đã dần nhận thức việc học, biết tiếp thu và trở thành những học sinh khá, tích cực tham gia học tập và các phong trào ở trường chuyên cần, nền nếp.
“Thời gian qua, các tôn giáo trên địa bàn xã Đạ Tông đã chủ động đồng hành cùng Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt đối với Giáo xứ Đạ Tông đã chung tay cùng cộng đồng để sát cánh với chính quyền địa phương mở lớp học phụ đạo miễn phí cho các em học sinh nghèo. Đây là một trong những nỗ lực lớn góp phần xoá nạn mù chữ, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số và từng bước thúc đẩy chất lượng giáo dục địa phương phát triển...”, ông Kră Jăn Ha Siêng thông tin.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin