Đảm bảo công tác cấp cứu tai nạn giao thông

AN NHIÊN 04:30, 17/04/2024

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh, hàng năm, Sở Y tế Lâm Đồng đều ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như: Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế về cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT).

Cấp cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Cấp cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

Theo đó, bố trí đầy đủ phương tiện, thuốc, trang thiết bị cấp cứu; củng cố, nâng cao năng lực đội cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu khi có các tình huống tai nạn xảy ra.

Hiện toàn tỉnh có các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành gồm: 2 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng); 4 Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch; Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc; Bệnh viện Phục hồi chức năng; Bệnh viện Nhi); 12 Trung tâm Y tế các huyện và thành phố; 142 Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong đó, số cơ sở khám, chữa bệnh dọc trên các trục quốc lộ, các tuyến đường giao thông chính đều có quyết định thành lập tổ, đội cấp cứu ngoại viện, được trang bị thuốc, vật tư y tế cần thiết, đảm bảo tốt cho hoạt động cấp cứu ngoại viện.

Hàng năm, Sở Y tế cũng đều công bố danh sách số điện thoại tham gia thường trực cấp cứu của ngành Y tế Lâm Đồng tới UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, các đơn vị y tế trong ngành. Các cơ sở y tế trong toàn ngành cũng đã tổ chức tốt việc sơ cứu và chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp TNGT bị chấn thương nặng như: chấn thương sọ não, đa chấn thương... tham gia hỗ trợ xử lý các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn.
Về công tác đào tạo, tập huấn, từ năm 2012 đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với 2 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Ban Quân y tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn về cấp cứu TNGT đường bộ cho 187 cán bộ y tế trong ngành, đặc biệt là các cán bộ làm việc tại các Trạm Y tế xã dọc quốc lộ, đảm bảo việc cấp cứu kịp thời để hạn chế thấp nhất thương vong có thể.

Tuy nhiên, ý thức của người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Khi có tai nạn, người dân thường đưa nạn nhân tới bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế chứ không đưa nạn nhân tới Trạm Y tế gần nhất, dẫn đến việc nạn nhân không được sơ cấp cứu sớm nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe người bị nạn. Việc phát hiện chất ma túy và nồng độ cồn chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định sau khi sử dụng, nên khi cơ quan chức năng trưng cầu thì có thể bỏ sót việc phát hiện các chất kích thích thần kinh.

Trong năm 2023, Sở Y tế Lâm Đồng đã nhận được 3 văn bản của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng về việc cung cấp thông tin có liên quan đến các xét nghiệm ma túy trong máu và trong nước tiểu. Trong quá trình xác minh, các trường hợp đều có sự sai lệch giữa kết quả xét nghiệm ma túy trong nước tiểu và trong máu. Lý do các trường hợp này đều đang điều trị bằng thuốc có các hoạt chất như: Codein thuộc nhóm Morphin, Codein phosphate, sẽ gây dương tính giống như nhóm ma túy dạng thuốc phiện khi thử test nhanh trong nước tiểu; tuy nhiên, khi làm xét nghiệm máu ngay sau đó cho kết quả âm tính vì hàm lượng Codein thấp, khi uống vào cơ thể hấp thu vào trong máu là rất ít, không đủ để gây dương tính khi xét nghiệm máu.

Trong thời gian qua, Sở Y tế Lâm Đồng đã phối hợp tốt với Sở Giao thông Vận tải trong việc hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh cập nhật, chuyển dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng Giám định BHYT liên thông phục vụ Đề án 06 của Chính phủ. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp với lực lượng công an địa phương trong việc kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Định kỳ hàng quý, năm, báo cáo kết quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông về Ban An toàn giao thông tỉnh. Hiện nay, chưa có phần mềm báo cáo công tác cấp cứu tai nạn giao thông, cán bộ chuyên trách của Sở Y tế phải tổng hợp, báo cáo từ các đơn vị y tế trong ngành theo tháng, quý, năm và khi đột xuất.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình tai nạn giao thông tăng cao, chỉ trong một tuần (từ ngày 4/4/2024 - 10/4/2024), toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông tại 8 huyện, thành phố (Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc và Đà Lạt) làm 6 người chết, 10 người bị thương. Theo Sở Y tế Lâm Đồng thống kê từ năm 2009 đến 2023, tổng số nạn nhân cấp cứu do TNGT trung bình hàng năm đã tăng từ 10 ngàn ca lên 17 ngàn ca/năm. Tổng số trường hợp chấn thương sọ não bình quân hàng năm từ 500 ca đã lên 1.500 ca/năm. Tổng số trường hợp TNGT vi phạm nồng độ cồn trong máu từ 100 ca lên 1.000 ca/năm. Tổng số tử vong do TNGT mỗi năm từ 2 con số đã lên ba con số. 

Hiện toàn tỉnh có 16 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe theo quy định tại thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải “Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe”. Hiện nay, mỗi đơn vị khám sức khỏe trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mức thu phí với giá khám sức khỏe là khác nhau, dẫn đến việc người dân có sự so sánh giá khám giữa các đơn vị, nguyên nhân do hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa được hoàn thiện.

Sở Y tế Lâm Đồng kiến nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nghiên cứu, phát triển phần mềm báo cáo công tác cấp cứu tai nạn giao thông. Đối với ngành Công an cần chỉ đạo lực lượng giao thông và các cơ quan chức năng phối hợp với ngành Y tế niêm yết số điện thoại cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất dọc quốc lộ, trục đường giao thông chính để người dân liên hệ, để được hỗ trợ cấp cứu nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thương vong xảy ra.