Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến môi trường, phát triển, kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng trên toàn thế giới, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
Nhiệt độ tăng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết |
Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm BĐKH góp phần gia tăng gánh nặng một số bệnh tật như suy dinh dưỡng với 3,5 triệu người tử vong, tiêu chảy với khoảng 2,2 triệu người tử vong, sốt rét với khoảng 900 ngàn người tử vong và khoảng 60 ngàn người tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, sốc nhiệt. Dự báo từ năm 2030 đến năm 2050, ước tính tác động của BĐKH sẽ làm tăng thêm khoảng 250 ngàn trường hợp tử vong mỗi năm.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề của BĐKH. Trong thời gian qua, BĐKH, thiên tai cùng với sự phát triển kinh tế đã tạo ra những tác động kép đến nhiều vùng, nhiều địa phương trên cả nước, gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt... ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống y tế và sức khỏe người dân.
Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2016, nhiệt độ ở các vùng phía Bắc tăng nhanh hơn các vùng phía Nam, nhiệt độ ở các vùng ven biển tăng chậm hơn các vùng sâu trong lục địa. Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng thêm từ 4,0°C đến 4,5°C theo kịch bản phát thải cao nhất và 2,0°C đến 2,2°C theo kịch bản phát thải thấp nhất. Các nghiên cứu ở Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế cho thấy nhiệt độ tăng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện nhất là ở người già và trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 1°C thì sẽ tăng 3,4 - 4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7 - 11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca bệnh tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt, tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Thay đổi các điều kiện khí hậu như độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh mới nổi như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể có thêm nhiều bệnh mới do tác động BĐKH tại Việt Nam.
Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của ngành Y tế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, BĐKH ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Kế hoạch này được triển khai trong toàn ngành Y tế, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sức khỏe môi trường và cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh, trang thiết bị và công trình y tế, phòng, chống thiên tai thảm họa, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch hành động của ngành Y tế ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng và nhân rộng các mô hình nhằm ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của BĐKH tới sức khỏe tại các vùng miền, cộng đồng khác nhau (ưu tiên khu vực dễ bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển, vùng, miền núi): Mô hình truyền thông để cung cấp các nội dung, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với BĐKH cho cán bộ y tế và cộng đồng. Mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập, mặn, nắng nóng. Mô hình tổ chức y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng trong điều kiện BĐKH...
Thời gian qua, Sở Y tế Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Sở Y tế đã chỉ đạo, triển khai cho các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác ứng phó BĐKH tại địa phương. Hàng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn toàn tỉnh, kiện toàn lại Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn của ngành. Có 100% các đơn vị trong ngành Y tế đã duy trì và củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tuyến tỉnh đến huyện, thành phố, củng cố các đội cấp cứu lưu động, đội phòng, chống dịch cơ động tại các đơn vị. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với thiên tai, thảm họa với các nội dung cụ thể như: Có cán bộ chỉ huy ngay tại nơi xảy ra lụt bão, có cán bộ y tế luôn sẵn sàng để cấp cứu bệnh nhân, làm tốt công tác xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh ngay tại địa phương, đảm bảo đủ cơ số thuốc, hóa chất vật tư y tế phục vụ theo yêu cầu chuyên môn. Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, thảm họa, bảo vệ kho tàng, nhà làm việc, khu điều trị bệnh nhân, dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho bệnh nhân trong tình huống thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin