Những mục tiêu cụ thể cải cách hành chính năm 2024

VIẾT TRỌNG  04:32, 05/04/2024

Nhiều mục tiêu cụ thể đã được UBND tỉnh đưa ra nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tư liệu
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tư liệu

TRÊN 85% NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP HÀI LÒNG 

UBND tỉnh trong năm 2024 xác định việc xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính đảm bảo tính thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong đó toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện.

Trong năm nay, các ngành, các cấp cần tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh. Cụ thể, toàn bộ TTHC, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được công bố kịp thời và công khai đầy đủ, đúng quy định; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cung cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử thuộc thẩm quyền giải quyết đạt tối thiểu tương ứng cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã là 80%.

Tỉnh cũng quy định đạt mức tối thiểu 65% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ; tối thiểu 65% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Tối thiểu 80% TTHC của địa phương có đủ điều kiện được thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trong đó, ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 60%. Tối thiểu 70% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên.

Các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương cần tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 100% phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo trách nhiệm, thẩm quyền; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 85%; trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 80%.

UBND tỉnh cũng yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng, hoàn thành mục tiêu, lộ trình Kế hoạch số 8439/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025.

Các thí sinh kiểm tra thông tin trong kỳ thi công chức tỉnh trong tháng 12/2023
Các thí sinh kiểm tra thông tin trong kỳ thi công chức tỉnh trong tháng 12/2023

TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG 

UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; 100% cơ quan, đơn vị được ban hành cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định; thực hiện đảm bảo các nội dung đã được Trung ương phân cấp. Song song đó tăng cường, đẩy mạnh công tác phân cấp cho các cơ quan chuyên môn, địa phương theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của trên 30% các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và xử lý, kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

Ngoài ra, trong năm nay cũng thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu thực hiện đạt 100% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) năm 2024, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 263/2023/NQ-HĐND ngày 15/12/2023 của HĐND tỉnh về quy định chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030. Cho rà soát, điều chỉnh, ban hành Đề án vị trí việc làm khi có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và bố trí CCVC đảm bảo đúng, phù hợp theo Đề án đã được phê duyệt đồng thời triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tỉnh cũng làm tốt công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hợp lý trên cơ sở triệt để tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; tăng cường phân cấp quản lý thu, chi ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính tiếp tục được thực hiện tại toàn bộ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện.

TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ

Mục tiêu đặt ra là toàn bộ dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức; toàn bộ cơ quan nhà nước sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành và hoạt động gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử thông qua trục liên thông văn bản điện tử của tỉnh; trên 80% các cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện và trên 60% cuộc họp giữa cấp huyện và cấp xã được thực hiện qua hệ thống truyền hình trực tuyến.

UBND tỉnh cũng yêu cầu toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Toàn bộ các cơ quan, đơn vị ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh.

Trên 10% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; toàn bộ cơ quan nhà nước cấp tỉnh tham gia dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; toàn bộ CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; trên 50% CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số...