SẮP XẾP ÐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ GIAI ÐOẠN 2023-2025 TẠI LÂM ÐỒNG:
Mở rộng không gian phát triển cho các vùng đất (Bài 1)

VIẾT TRỌNG 04:28, 17/04/2024

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được Lâm Đồng tiến hành rà soát lại gần đây, có 3 huyện được sáp nhập lại thành 1 huyện mới; 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc được mở rộng thêm không gian đô thị, cùng đó sẽ có những xã trong tỉnh được sáp nhập với nhau tạo nên diện mạo mới cho các vùng đất. 

Bài 1: Giữ lại tên vùng đất Đạ Huoai

3 huyện phía Nam của Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên sau khi sáp nhập theo phương án của tỉnh sẽ được lấy tên trở lại là huyện Đạ Huoai theo tên trước đây vùng đất này từng có.

Việc sáp nhập 3 huyện thành huyện Đạ Huoai mới cũng tạo điều kiện tốt hơn trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, liên kết nội vùng và liên vùng. Trong ảnh: Thi công một con đường tại huyện Đạ Tẻh
Việc sáp nhập 3 huyện thành huyện Đạ Huoai mới cũng tạo điều kiện tốt hơn trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, liên kết nội vùng và liên vùng. Trong ảnh: Thi công một con đường tại huyện Đạ Tẻh

TÊN CŨ CŨNG LÀ TÊN MỚI 

Theo phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được Lâm Đồng cho rà soát gần đây, 3 huyện phía Nam của tỉnh sẽ được sáp nhập thành một huyện. Cụ thể, nhập huyện Đạ Huoai với diện tích tự nhiên là 495,04 km2 (đạt tỷ lệ 58,24% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số trên 44 ngàn người (đạt tỷ lệ 55,11% so với tiêu chuẩn); huyện Đạ Tẻh có diện tích tự nhiên là 526,74 km2 (đạt tỷ lệ 61,97% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số trên 57 ngàn người (đạt tỷ lệ 71,49% so với tiêu chuẩn); huyện Cát Tiên có diện tích tự nhiên là 426,70 km2 (đạt tỷ lệ 50,20% so với tiêu chuẩn); dân số trên 44.780 người (đạt tỷ lệ 55,98% so với tiêu chuẩn) để cả 3 thành 1 huyện và được lấy tên là huyện Đạ Huoai.

Cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC này chính là căn cứ vào Kết luận số 48 ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lâm Đồng có 2 ĐVHC huyện là Đạ Huoai và Cát Tiên thuộc diện phải sắp xếp do có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định. Tiếp đó trong giai đoạn 2026-2030, có 1 ĐVHC là huyện Đạ Tẻh thuộc diện phải sắp xếp do có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định.

Quyết định số 1727 ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đã nêu ra: “Dự kiến sắp xếp 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành 1 huyện".

Chính vì vậy, trong Kết luận số 654 ngày 27/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương sắp xếp 3 ĐVHC huyện gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 ĐVHC trong giai đoạn 2023-2025.

Về mặt địa lý, do huyện Đạ Tẻh nằm giữa 2 huyện Đạ Huoai và huyện Cát Tiên nên việc sáp nhập cả 3 huyện này vào với nhau là điều hợp lý.

Việc lấy tên huyện mới sau khi sáp nhập 3 huyện này là huyện Đạ Huoai cũng có lý do của nó. Trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất 3 huyện phía Nam Lâm Đồng này qua các thời kỳ, trước khi tách thành 3 huyện như hiện nay, ĐVHC huyện cũ có tên là huyện Đạ Huoai. Cả 2 huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Đạ Huoai theo Quyết định số 68 ngày 6/6/1986 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ. Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn gốc hình thành, UBND tỉnh đã đề xuất lấy tên ĐVHC của 3 huyện sau sắp xếp là huyện Đạ Huoai.

Sau khi sắp xếp sáp nhập, ĐVHC huyện Đạ Huoai mới có diện tích 1.448,48 km2 (đạt 170,4% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số trên 146 ngàn người (đạt 182,58% so với tiêu chuẩn), trong đó cộng đồng người dân tộc thiểu số trên 32 ngàn người (chiếm tỷ lệ 22,06%). Huyện Đạ Huoai mới sẽ có 27 ĐVHC trực thuộc với 5 thị trấn và 22 xã, là huyện có ĐVHC cấp xã nhiều nhất của Lâm Đồng. Địa điểm làm việc của ĐVHC huyện Đạ Huoai mới là trụ sở của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Đạ Tẻh tại thị trấn Đạ Tẻh hiện nay.

Việc chọn thị trấn Đạ Tẻh với khối trụ sở làm việc cho huyện Đạ Huoai mới là vì nơi đây nằm giữa huyện Cát Tiên và huyện Đạ Huoai, khoảng cách từ thị trấn Đạ Tẻh đến trung tâm huyện Cát Tiên và trung tâm huyện Đạ Huoai hiện nay chừng 20 km; khá thuận tiện cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức đi lại trong quá trình làm việc và liên hệ công tác.

Việc bố trí trung tâm hành chính nơi đây còn nhằm đảm bảo phù hợp với trục giao thông kết nối giữa 3 huyện; cơ sở vật chất với các tòa nhà làm việc của các cơ quan Huyện ủy, HĐND, UBND và các đơn vị liên quan của huyện Đạ Tẻh gần đây đã được đầu tư xây dựng mới; đảm bảo điều kiện làm việc của ĐVHC mới sau khi sắp xếp. Cùng đó thị trấn Đạ Tẻh có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho việc bố trí và mở rộng trung tâm hành chính khi cần.

• TÁC ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI

Việc sắp xếp, sáp nhập 3 huyện thành 1 ĐVHC cấp huyện mới, như đánh giá, sẽ phát huy tốt nhất tiềm năng của 3 huyện sau khi sáp nhập; mở rộng không gian quỹ đất để phát triển, đáp ứng yêu cầu quy hoạch với mục tiêu xây dựng vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh với các sản phẩm chủ yếu như cà phê, cây ăn quả có chất lượng cao (sầu riêng, bơ), điều, lúa chất lượng cao, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, heo, gia cầm, phát triển các sản phẩm OCOP.

Huyện Đạ Huoai mới sau khi sáp nhập cũng có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch văn hóa cộng đồng, gắn với Khu di tích khảo cổ Cát Tiên; với công tác bảo tồn đa dạng sinh học cùng Vườn Quốc gia Cát Tiên; tạo động lực cho việc đầu tư, phát triển đô thị cùng du lịch chất lượng cao; tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của tỉnh.

Việc sáp nhập 3 huyện thành 1 huyện cũng tạo điều kiện tốt hơn trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, liên kết nội vùng và liên vùng; tổ chức phân bổ sắp xếp hạ tầng giao thông liên huyện, liên xã, giao thông đô thị theo hướng đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, kết nối hạ tầng giao thông quốc gia với các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung trên địa bàn 3 huyện hiện nay; tạo thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực để tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông có tính chất động lực trong toàn vùng gồm cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường ĐT 721, ĐT 725; tăng khả năng tiếp cận, giao thương của người dân trong vùng sâu, vùng xa tại Cát Tiên và Đạ Tẻh với đầu mối giao thông trên địa bàn huyện Đạ Huoai.

Sau khi sáp nhập, UBND tỉnh cho biết sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương tại huyện Đạ Huoai mới này, góp phần giảm nghèo hiệu quả, bền vững, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân nơi đây.

(CÒN NỮA)