Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, ngành tài nguyên và môi trường chú trọng vào các quy định mới của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.
Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống sẽ nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng đất |
Ngày 18/1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15), gồm 16 chương với 260 điều.
Luật Đất đai được thông qua với nhiều nội dung mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như:
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai…
Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân: Luật Đất đai tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Vì vậy, quan điểm xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
Luật bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan.
Mặt khác, Luật tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của các cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân.
Để phù hợp với thực tế, Luật chủ trương hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung phục vụ đa mục tiêu kết nối từ trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa ruộng…
Để sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống, ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai, thi hành Luật Đất đai.
Thực hiện kế hoạch nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 678/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra sáu nội dung chính, gồm: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn Luật Đất đai; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Đất đai; xây dựng các đề án; tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai.
Trong đó, về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, Kế hoạch phân công đơn vị chủ trì, phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, cụ thể.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 tại các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Đất đai, nhất là các quy định mới nhằm sớm đưa các quy định của pháp luật đất đai vào cuộc sống, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương thời gian tới.
Mới đây, tại hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, cần tập trung vào việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông, lâm trường… để khi Luật có hiệu lực bảo đảm sự đồng bộ, giải quyết các hạn chế, vướng mắc.
Các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các hội cần đẩy mạnh tuyên truyền những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 để Luật đi vào cuộc sống; làm cơ sở để các cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp thực hiện khi Luật có hiệu lực.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin