(LĐ online) - Theo Bộ Y tế, hiện nay các bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng nhanh và cả nước cũng ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm khác như cúm gia cầm A (H9N2), sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu, dại... Để kịp thời phát hiện, điều trị sớm cũng như hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị tăng cường thu dung, điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh.
Trạm Y tế Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) cho trẻ uống Vitamin A và tiêm chủng vắc xin 6 trong 1 |
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng tăng cường chỉ đạo tuyến theo phân công; hỗ trợ kỹ thuật cho các trung tâm y tế tuyến huyện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ y tế tham gia điều trị các bệnh truyền nhiễm, khám và phát hiện sớm ca bệnh, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, cúm A… hạn chế bệnh chuyển nặng, tử vong.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, vật tư, nhân lực phục vụ thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Phối hợp với các đơn vị dự phòng điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định, lưu ý các bệnh có vắc xin dự phòng và các bệnh nhân đã được tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh.
Rà soát lại quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người bệnh ngay từ khu vực khám bệnh, sàng lọc, phân luồng nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện. Chỉ đạo nhân viên y tế tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà cùng thực hiện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp và hỗ trợ trung tâm y tế các huyện xử lý ổ dịch, tăng cường giám sát, điều tra, lấy mẫu các ca bệnh tại bệnh viện và cộng đồng. Làm đầu mối trao đổi thông tin với Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng nhằm kịp thời nắm bắt các thông tin về các bệnh lây truyền từ động vật sang người, đánh giá nguy cơ chung để có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người kịp thời và hiệu quả.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế trong công tác giám sát, điều tra, phát hiện ca bệnh, xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm từ ngân sách địa phương đảm bảo công tác phòng chống dịch, hậu cần tiêm chủng mở rộng trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các đơn vị tuyến trên khi tổ chức giám sát công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Đẩy mạnh truyền thông các biện pháp phòng chống các dịch bệnh thường gặp trên địa bàn tỉnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, dại, cúm A… Khuyến khích người dân có điều kiện đưa con đi tiêm chủng tại các cơ sở dịch vụ đối với các bệnh có vắc xin dự phòng nhưng chương trình tiêm chủng mở rộng chưa cung ứng đủ như bạch hầu, ho gà, sởi, dại, thủy đậu...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin