(LĐ online) - Tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) vừa qua, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua Đề án đề nghị công nhận thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) là đô thị loại IV.
Thị trấn Di Linh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Di Linh |
Thị trấn Di Linh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Di Linh, có diện tích tự nhiên khoảng 2.465 ha với dân số khoảng trên 26.500 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,3%.
Nằm ngay trên trục Quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh; trục Quốc lộ 28 đi TP Phan Thiết và tỉnh Đắk Nông nên thị trấn Di Linh có lợi thế trong giao lưu kinh tế và hội tụ đủ điều kiện phát triển thành điểm phân phối, lưu thông hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại, dịch vụ, có vai trò “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các vùng lân cận, đầu mối kinh tế Phan Thiết - Di Linh - Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh - Di Linh - Đà Lạt.
Thị trấn Di Linh có thế mạnh phát triển dịch vụ - thương mại là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò chủ đạo và là nơi tập trung phát triển ngành thương mại - dịch vụ thông qua chợ huyện, trung tâm thương mại huyện, siêu thị, bến xe... Ngoài ra, đây cũng là vùng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chăn nuôi bò sữa, sản xuất cà phê tập trung... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; trong đó, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng ngày càng được cải thiện.
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Di Linh có 2.223 hộ buôn bán kinh doanh cá thể (kể cả nhỏ lẻ) và khoảng 150 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua cà phê, phân bón, công nghiệp, nông lâm nghiệp, xây dựng đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế thị trấn.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các cấp đã tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị Di Linh. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã và đang được đầu tư, cơ bản đáp ứng ngày một tốt hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đô thị.
Một số công trình trọng điểm đã được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp như: Bệnh viện huyện Di Linh, Chợ mới Di Linh, Khu Liên hợp thể thao, nâng cấp Quốc lộ 20, các khu quy hoạch Khu dân cư 2/9, Thanh Danh, Phúc Kiến và các tuyến đường nội thị như Mọ Kọ, Phạm Ngũ Lão, Đào Duy Từ, Nguyễn Du, đường vành đai thị trấn… Qua đó, từng bước chỉnh trang đô thị, hình thành các khu dân cư, tạo cảnh quang môi trường, mỹ quan đô thị có nhiều khởi sắc. Hệ thống thoát nước từng bước đầu tư xây dựng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Di Linh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Di Linh đến năm 2030 đã xác định thị trấn Di Linh là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của huyện Di Linh, là đô thị trung tâm tiểu vùng II - Là trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch cấp vùng, có vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và để đảm bảo việc đầu tư xây dựng và phát triển đô thị thị trấn Di Linh có trọng tâm trọng điểm, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 03/6/2022 về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho huyện Di Linh phát triển toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Di Linh 05 năm 2021 – 2025, trong đó xác định tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật để thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại IV giai đoạn năm 2021-2025, phấn đấu phát triển Di Linh thành đô thị loại III đến năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin