(LĐ online) - Ngày 16/4, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị “về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh.
Bà con người dân tộc H’Mông ở ở Tiểu khu 179 (xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông) tham gia lớp học xóa mù chữ |
Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định mục tiêu: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiến tới 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3. Tiếp tục duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và nâng cao chất lượng trong công tác thực hiện xóa mù chữ cho người lớn bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng thời đề ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030, đối với bậc giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu huy động trẻ 5 tuổi đến lớp đạt tỷ lệ 99,97%; số trẻ 6 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt tỷ lệ 99,92%. Tiếp tục củng cố và duy trì số đơn vị cấp xã được công nhận đạt, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%. Tiếp tục củng cố và duy trì số huyện, thành phố được công nhận đạt, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100% và duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đối với bậc giáo dục tiểu học, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu huy động 99,97% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; có 98% trẻ ở độ tuổi 11 hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 98%; trẻ đến tuổi 14 hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 98,9%. 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Duy trì kết quả tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Đối với bậc giáo dục trung học cơ sở: Số người độ tuổi 15 - 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỷ lệ 97,99%; Số người độ tuổi 15 - 18 đã, đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ 93%. Số đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 đạt 100% và mức độ 3 đạt 90%. Số huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 là 100% và mức độ 3 là 75%. Cũng cố và duy trì tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Đối với nhiệm vụ xóa mù chữ, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đưa số người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ đạt tỷ lệ 99,5%; số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt tỷ lệ 98,7%. Số đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt tỷ lệ 100%. Số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt tỷ lệ 100%. Tiếp tục củng cố và duy trì tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã xác định những mục tiêu dài hạn cho giai đoạn 2030 - 2035.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Tỉnh uỷ Lâm Đồng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Thực hiện đa dạng hoá công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người học và gia đình; tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng và phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, Internet. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Tạo sự đồng bộ, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra.
Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác phát triển mạng lưới trường, lớp dân lập, tư thục; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn ở địa bàn khó khăn, kết quả chưa vững chắc; hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp, được thuận lợi trong chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, liên thông giữa các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và cấp học cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến. Tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá gắn với quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân. Phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học; trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin