Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, huyện Đức Trọng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Churu |
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người trong tình hình mới đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhận thức của Nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người được nâng lên, người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tham gia gìn giữ và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại. Công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người trên địa bàn huyện Đức Trọng đã thu được nhiều kết quả tích cực: Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng luôn được quan tâm thực hiện. Để cụ thể hóa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, thông qua việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, UBND huyện Đức Trọng đã xây dựng các kế hoạch cụ thể hóa các chương trình, đề án của tỉnh để triển khai thực hiện trên địa bàn có hiệu quả. Thường xuyên tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nâng cao lòng tự hào về các giá trị văn hóa; khuyến khích sử dụng các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian trong các hội thi, hội diễn...
Huyện cũng chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh chóng thích ứng với nhu cầu phát triển văn hóa, gắn với kế hoạch phát triển văn hóa và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
Song song với đó, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được phát huy, mở rộng và nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố được các địa phương chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng quy định. Phong trào xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, tổ dân phố, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, trường học văn hóa đã khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước cũng như tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng xã hội. Những kết quả của cuộc vận động đã góp phần tác động tích cực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Kết quả triển khai thực hiện các nội dung văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Năm 2014, toàn huyện có 36.055 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 87,1% đến nay, có 43.866 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 97,3%; số thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa tăng từ 87% năm 2015 lên 97,8% năm 2023; có 14/14 xã được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” và thị trấn Liên Nghĩa được công nhận danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn, triển lãm, văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có bước trưởng thành. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phong phú, đa dạng; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; các loại hình du lịch văn hóa được phát triển...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên và kịp thời, đặc biệt là ở cơ sở. Một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, các ban, ngành, đoàn thể chưa tích cực trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện.
Mặt khác, công tác xây dựng môi trường văn hóa tuy được quan tâm nhưng kết quả chưa cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tuy phát triển về chiều rộng, nhưng chất lượng chưa đồng đều. Ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị của người dân còn nhiều hạn chế. Việc huy động các nguồn lực ngoài xã hội vào tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiể số. Công tác quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở chưa như mong muốn dẫn đến tình trạng thiếu các địa điểm để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Việc sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin