Hướng đến xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Đà Lạt

NHẬT QUỲNH 15:45, 21/05/2024

(LĐ online) - Sáng 21/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn đã làm việc với Trường Đại học Đà Lạt về Đề án Xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Đà Lạt.

Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Trường Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở Viện Đại học Đà Lạt vào năm 1976; là cơ sở giáo dục đại học xếp thứ 33 trong tổng số 100 trường đại học hàng đầu Việt Nam và đứng đầu khu vực Tây Nguyên theo bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam VNUR năm 2024.

Hiện, nhà trường có hơn 450 viên chức và người lao động, trong đó có hơn 310 giảng viên (chiếm tỉ lệ hơn 69%), có 1 giáo sư, 18 phó giáo sư, 105 tiến sĩ. Trường có tổng cộng 57 ngành đào tạo; gồm 40 ngành ở trình độ đại học, 10 ngành ở trình độ thạc sĩ và 7 ngành ở trình độ tiến sĩ. Từ khoá tuyển sinh đầu tiên năm 1977 đến tháng 3/2023, Trường Đại học Đà Lạt có hơn 77 ngàn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp ở các loại hình, trình độ khác nhau.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Mai Minh Nhật,  trình bày tóm tắt Đề án thành lập Trung tâm đào tạo chất lượng cao
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Mai Minh Nhật trình bày tóm tắt Đề án thành lập Trung tâm đào tạo chất lượng cao

Tại hội nghị, lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt đã chỉ ra sự cần thiết của việc xây dựng Đề án Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Đà Lạt. Theo đó, so với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp; hoạt động giáo dục đào tạo của vùng còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của vùng đã có những bước phát triển, nhưng Tây Nguyên vẫn là vùng có số lượng sinh viên đại học, cao đẳng thấp nhất của cả nước, chỉ đạt 1.8% trong số 6 vùng kinh tế - xã hội. Đội ngũ giảng viên cơ hữu, toàn khu vực Tây Nguyên có khoảng 1.200 giảng viên; trong đó, có khoảng 270 tiến sĩ, 44 phó giáo sư và 1 giáo sư. Tây Nguyên là vùng mà tỉ lệ giảng viên các trình độ thấp nhất so với cả nước.

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến tại buổi làm việc
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến tại buổi làm việc

Trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên đến năm 2023 và tầm nhìn đến 2045 là lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Các lĩnh vực phát triển được thực hiện dựa trên mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Việc xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Đà Lạt với nòng cốt là Trường Đại học Đà Lạt có vị trí chiến lược quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Ngoài ra, đây còn là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Vụ trưởng, Vụ tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Viết Lộc đóng góp ý kiến tại buổi làm việc
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Viết Lộc đóng góp ý kiến tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT và các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để bảo đảm đề án triển khai mang lại hiệu quả. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến quỹ đất; kinh phí đầu tư xây dựng trung tâm, cơ sở vật chất, quy mô đào tạo; xây dựng đề án nên kết hợp nhiệm vụ, chiến lược đề án đề ra; việc tăng quy mô đào tạo, cần bám sát ưu tiên các lĩnh vực phát triển chủ yếu của Tây Nguyên; thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên…

Ông Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt phát biểu tại buổi làm việc
Ông Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp thu ý kiến đóng góp, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến cho biết, trên cơ sở góp ý, nhà trường sẽ xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Đà Lạt; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án. Đồng chí cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ Bộ GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, Đề án xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao TP Đà Lạt rất phù hợp với sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Để đề án thực sự phát huy được hiệu quả, trường Đại học Đà Lạt cần có mục tiêu xây dựng đề án rõ ràng, định vị được chất lượng nằm ở đâu; cần có các Trung tâm tương xứng để đưa Đại học Đà Lạt trở thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao. Ngoài ra, trường cần đẩy mạnh thu hút hợp tác quốc tế và có chiến lược cụ thể; đồng thời, tập trung đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực. Riêng về một số kiến nghị của Trường Đại học Đà Lạt cũng đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời và giao cho một số sở, ngành để phối kết hợp với trường triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ đạo kết luận buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kết luận buổi làm việc

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao về chiến lược Đề án xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao của Trường Đại học Đà Lạt. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Trường Đại học Đà Lạt cần đặt ra yêu cầu phát triển nhân lực đối với các lĩnh vực trọng điểm. Bên cạnh đó cần phân tích bối cảnh, nhu cầu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, những thế mạnh của vùng cũng như điểm mạnh, điểm yếu của trường; từ đó, xác định nhu cầu, thu hút nguồn nhân lực. Đặc biệt, Trường Đại học Đà Lạt cần chú trọng xây dựng thương hiệu, năng lực quản trị và đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Đà Lạt cần xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể; sắp xếp lại một số bộ máy, đội ngũ hợp lý; mục tiêu nhiệm vụ của đề án phải đi vào trọng tâm, trọng điểm của từng lĩnh vực và có tính khả thi cao; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Đà Lạt sớm hoàn thiện đề án để trình lên Bộ GD&ĐT xem xét trong thời gian sớm nhất.