Sau 2 năm triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), huyện Lâm Hà đã có những bước chuyển rõ nét về cải cách hành chính, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh và bền vững.
Lâm Hà ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh IOC |
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án 06, UBND huyện, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 huyện Lâm Hà đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của tài khoản định danh điện tử đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Theo số liệu sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 của UBND huyện Lâm Hà, thời gian qua, trong triển khai dịch vụ công, toàn huyện có khoảng 89.000 thuê bao đăng ký dịch vụ 4G. Đến hết tháng 12/2023, có 40 tập thể dùng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan nhà nước của huyện, phục vụ cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số; hơn 2.000 chữ ký số, chữ ký điện tử cho cá nhân trên toàn huyện.
UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã tiến hành triển khai số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ đạt 37% (năm 2022) và đạt 78,3% (năm 2023). Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Lâm Hà đã số hóa và chuyển chính thức vào Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp đối với 32.060 dữ liệu đăng ký kết hôn từ năm 1950 đến ngày 30/6/2016; thực hiện xong việc scan đối với dữ liệu đăng ký hộ tịch còn lại từ năm 1950 đến ngày 30/6/2016; đã chuyển cơ sở dữ liệu lên trên Hệ thống Quản lý danh mục và Quản lý hộ tịch 158 (100.505 trường hợp) và đang thực hiện việc rà soát để chuyển chính thức vào Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.
Trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tính đến ngày 5/12/2023, toàn huyện có 131.121/135.534 (đạt 96,74%) lượng căn cước công dân (CCCD) được đồng bộ với Bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD. Đến ngày, 5/11/2023, có 79.810 lượt tra cứu của công dân về sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh thay Bảo hiểm y tế...
Đối với phục vụ phát triên công dân số, Công an huyện đã thu nhận 132.421 CCCD gắn chíp và 107.419 tài khoản định danh điện tử. Tính đến tháng 6/2023, toàn huyện đã làm sạch được 127.455/134.455 đối tượng đạt 94,7%; đã tổ chức lập hồ sơ sức khỏe điện tử 155.278/158.197 nhân khẩu, đạt 98,15%. Huyện Lâm Hà đã xây dựng 32/44 mô hình nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 phù hợp với tình hình địa phương.
Ngoài ra, công tác chuyển đổi số cũng được địa phương đặc biệt quan tâm, đã xây dựng, vận hành Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh huyện Lâm Hà để phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương một cách trực tiếp, tức thời, phản ứng kịp thời với các diễn biến của xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực hiện Đề án 06, huyện Lâm Hà gặp một số “điểm nghẽn” cần tháo gỡ như: Một bộ phận lớn người lớn tuổi, người lao động phổ thông, đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin...
Đề án 06 của Chính phủ là một đề án lớn, khó, chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất nhiều, bao quát gần như toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội nên các cơ quan, ban, ngành, địa phương còn lúng túng trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện. Một số người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc những nhiệm vụ đề ra trong Đề án 06, có tình trạng khoán trắng cho lực lượng công an, hạ tầng công nghệ tại một số cơ quan, ban, ngành, UBND xã chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân; trong đó có 3 vấn đề cần tập trung giải quyết để tiếp tục thúc đẩy thực hiện Đề án 06 là nhận thức người đứng đầu; hạ tầng công nghệ, dữ liệu và nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin.
Để đảm bảo hoàn thành Đề án 06, thời gian tới, UBND huyện Lâm Hà tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo xuyên suốt, thống nhất. Tiến hành rà soát nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị của các cơ quan, ban, ngành, địa phương phục vụ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn huyện. Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã trong việc thực hiện các chỉ tiêu.
Cùng với đó, Tổ Đề án 06 chỉ đạo tiếp tục thu thập, cập nhật, chính sửa dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và xác định đây là công tác thường xuyên, liên tục, phối hợp các cơ quan, đơn vị cập nhật, bổ sung dữ liệu chuyên ngành, làm giàu dữ liệu khi được kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip kèm định danh điện tử.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh, việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách của Đề án 06 trong thời gian tới như công tác làm sạch dữ liệu chuyên ngành; cấp chữ ký số cho người dân; cấp tài khoản an sinh xã hội gắn với việc cấp CCCD, định danh điện tử, tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, đảm bảo thủ tục triển khai mức độ 3, 4 phục vụ nhiệm vụ triển khai bổ sung các dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo 100% hồ sơ được số hóa; tiếp tục thực hiện duy trì, vận hành các mô hình điểm đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin