Mấy vấn đề về chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng

ThS. KTS. TRẦN ĐỨC LỘC - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh 10:56, 17/05/2024

(LĐ online) - Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng và các huyện, thành phố trong tỉnh đã lập, thẩm định và phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (gọi chung là QHXD). Tất cả các đồ án này tạo thành “chuỗi” hệ thống các hồ sơ QHXD (bao gồm: Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết, Quy hoạch tổng mặt bằng dự án công trình) làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý đầu tư và xây dựng; hình thành các dự án đầu tư công; thực hiện chính sách thu hút đầu tư xã hội từ các nguồn lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên khắp các địa bàn đô thị và nông thôn trong tỉnh.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vai trò và chức năng của các đồ án QHXD góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực phát triển tổng thể nền kinh tế của địa phương; cải thiện chất lượng cuộc sống của xã hội; đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên (đất, nước, môi trường, hạ tầng kỹ thuật…); nhu cầu nhà ở của nhân dân; phát triển du lịch; kích hoạt dòng ngân lưu của thị trường đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản (về nhà ở và hạ tầng du lịch); tạo công việc làm cho chuỗi các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực ngành xây dựng (tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, VLXD, môi giới nhà đất…).

Bên cạnh những nỗ lực hoàn thành phê duyệt các đồ án QHXD trong thời gian qua, không tránh khỏi những đồ án QHXD “chưa đạt yêu cầu” (nếu không muốn nói là “kém chất lượng”) không được thông qua, hoặc vẫn được thẩm định, phê duyệt, đưa vào vận hành trong cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, và mọi người đều biết là: Một khi hồ sơ QHXD bị chậm trễ tiến độ phê duyệt, hoặc không khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, sẽ ảnh hưởng lớn đến: Nhu cầu đầu tư và phát triển bị ngưng trệ; sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác quy hoạch kém hiệu quả; ảnh hưởng đến nhu cấu đất đai, nhà ở của nhân dân, và công cụ quản lý “sau quy hoạch” của các cấp chính quyền không được phát huy đúng giá trị…

Vậy nhận diện vấn đề này, từ góc độ chuyên môn nghĩ như thế nào?

CHẤT LƯỢNG ĐỒ ÁN QHXD VÀ CÁC HỆ LỤY

Có nhiều góc nhìn khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của từng tổ chức và cá nhân tham gia, trên từng lĩnh vực: Quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn và đánh giá sự hài lòng của cộng đồng xã hội… Nhìn lại quy trình các đồ án QHXD trước khi được phê duyệt, đều trải qua các công đoạn lấy ý kiến, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt, với các thành phần sau:

-Các chủ đầu tư, hoặc Ban Quản lý dự án (thay mặt chủ đầu tư);

-Chính quyền địa phương (từ phường/xã, huyện/thành phố) và các cơ quan chức năng (từ huyện/thành phố đến tỉnh);

-Các hội chuyên ngành của tỉnh (như: Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị, Hội Xây dựng…);

-Ủy ban Mặt trận tổ quốc và HĐND các cấp (theo quy định);

-Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch (các cấp) ;

-Cơ quan thẩm định các cấp;

-UBND cấp quyết định phê duyệt QHXD (huyện/thành phố, tỉnh)…

Như vậy, phải khẳng định: Vấn đề chất lượng của các loại hồ sơ QHXD phải là sự tổng hòa mang tính hệ thống trong tất cả các bước hồ sơ của cả quy trình. Nếu thuận ở bước hồ sơ cấp dưới, hay công đoạn đầu, chưa hẳn đã thông suốt ở các bước hồ sơ tiếp theo; ngược lại, nếu công đoạn hồ sơ trước đó thiếu trách nhiệm thì công đoạn sau khó lòng đạt chất lượng hoàn hảo.

Với quy trình như trên, đơn vị tư vấn lập đồ án QHXD phải chịu những tác động khác nhau (dù trực tiếp hay gián tiếp), là sự chỉ đạo, góp ý, điều hành và yêu cầu của những cơ quan, đơn vị và cá nhân có chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với người chủ trì đồ án, họ thường ví mình như người chèo đò, lèo lái con thuyền trên dòng sông có nhiều khúc quanh, trong bối cảnh thời tiết bất thường, nên luôn mong muốn đưa thuyền sớm cập bến bờ an toàn…

Thế nhưng, một khi xuất hiện các hiện tượng “xin chủ trương điều chỉnh cục bộ, hoặc thay thế đồ án QHXD” từ các cấp chính quyền – mặc dù đồ án QHXD được phê duyệt chưa đến hạn được phép điều chỉnh (theo quy định); hoặc Chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô dự án, làm thay đổi ít nhiều đến cấu trúc của đồ án QHXD được duyệt – mặc dù tiến độ đầu tư dự án thì trì trệ… Có nhiều lý do được đưa ra từ các chủ đầu tư, nhiều ý kiến “qua lại” giữa các thành phần tham gia trong quá trình hình thành và phê duyệt đồ án, nhưng kết cuộc trách nhiệm vẫn thuộc về đơn vị tư vấn lập hồ sơ QHXD. Trong khi giới tư vấn chuyên môn (ngoài cuộc) thì biện hộ: Đồ án QHXD được duyệt, tuy đúng quy trình nhưng phương án quy hoạch chưa chắc đã tốt; còn phương án quy hoạch nghiên cứu tốt, chưa hẵn đồ án QHXD đó sẽ được thẩm định, phê duyệt dễ dàng (?!)…

THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN

Xin nêu ra 4 vấn đề mang tính chọn lọc, được xem là những nguyên nhân khách quan và chủ yếu sau:

1. Về quy trình hồ sơ: Theo quy định, một đồ án QHXD được lập trên cơ sở hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Phương thức giao tư vấn lập hồ sơ nhiệm vụ là “Chỉ định thầu”, còn đồ án QHXD là “Đấu thầu”. Vì vậy, sẽ có độ vênh giữa 2 đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch và đồ án QHXD: Thông thường, đơn vị tư vấn lập đồ án QHXD có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn (nên dễ thắng thầu), thường sẽ đưa ra những định hướng và giải pháp quy hoạch ở “tầm cao và xa hơn”; qua đó cho thấy nhiệm vụ quy hoạch (tức đề bài của đồ án) nhiều khi đưa ra những yêu cầu rất ngắn hạn, định hướng không gian không phù hợp với tiềm năng, động lực và nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội… Thực tế đã có những đồ án QHXD buộc phải quay về làm thủ tục “xin chủ trương của tỉnh về điều chỉnh nhiệm vụ”, cho tương xứng với phương án quy hoạch đang đề xuất, dù địa phương có đồng thuận cũng không thể tiếp tục thẩm định, trình duyệt vì không phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.

2. Về năng lực trình độ cán bộ chuyên môn: Đối với đồ án QHXD, vai trò tham mưu, thẩm định của cơ quan chuyên môn cấp huyện/thành phố rất quan trọng, giúp Chính quyền cùng cấp đưa ra các ý kiến quan trọng, chọn lựa phương án cuối cùng trong quá trình đơn vị tư vấn báo cáo đồ án QHXD; hoặc cân nhắc trước khi trình duyệt hoặc quyết định phê duyệt đồ án (theo phân cấp). Điều quan ngại nhất hiện nay là tình trạng khan hiếm, khủng hoảng cán bộ có trình độ chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc – ngay cả với các địa phương có tốc độ phát triển nhanh như Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc không có kiến trúc sư tại các phòng Quản lý đô thị và phòng Kinh tế - Hạ tầng. Vì vậy, trong quá trình tương tác giữa đơn vị tư vấn và cơ quan tham mưu cấp huyện, không tránh khỏi những mâu thuẫn trong tranh luận về các các vấn đề chưa đồng thuận từ giải pháp của đồ án QHXD và khó lòng đi đến sự thống nhất cao của đôi bên, do không có “trọng tài” phân xử đúng / sai, nên hoặc không nên.

3. Về quy trình tổ chức lấy ý kiến: Việc tổ chức lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư là cần thiết, nhưng đôi khi trở nên hình thức. Còn ý kiến bằng văn bản góp ý của các ban ngành chức năng (từ huyện đến tỉnh), đôi khi có nội dung rất sơ lược, thiếu quan tâm – ngay cả đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình. Đối với các ý kiến góp ý, phản biện xã hội của các chuyên gia, đại diện hội nghề nghiệp (tại các Hội nghị tham vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và cuộc họp của Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch các cấp) đôi khi còn có sự tranh luận về chuyên môn; nhưng trong văn bản tiếp thu, giải trình của đơn vị tư vấn, thể hiện sự “không thật lòng” để chỉnh sửa… Khi hồ sơ đóng gói trình duyệt, cơ quan thẩm định gần như chưa lưu ý đến các vấn đề / nội dung chưa đồng thuận, để đưa ra các ý kiến nhận định, phân tích, xem xét tính hợp lý và khả thi của giải pháp QHXD.  

4. Về cơ sở dữ liệu nghiên cứu QHXD: Trong quá trình tác nghiệp, các đơn vị tư vấn trong tỉnh rất khó khăn trong tìm kiếm tư liệu, số liệu thống kê và cách tiếp cận các đồ án QHXD cấp trên, các đồ án quy hoạch chuyên ngành (về đất đai, 3 loại rừng, giao thông đối ngoại, tài nguyên…) mang tầm vĩ mô, có tính chiến lược quốc gia và của tỉnh. Do thiếu thông tin, tư liệu, nên các dữ liệu khoa học không được tích hợp đầy đủ, để phản ánh giá trị thực chất phương án quy hoạch khi vận hành trong đời sống – đặc biệt là cách dự báo quy mô cư dân lưu trú thường xuyên và không thường xuyên (tăng cơ học), nhu cầu đất xây dựng (chủ yếu là đất ở) và thu nhận nguồn lực kinh tế để tạo cơ hội phát triển…

VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN QHXD TRONG TỈNH

Hiện nay đơn vị tư vấn hành nghề thiết kế QHXD trong tỉnh không nhiều, năng lực cạnh tranh dự thầu các đồ án Quy hoạch chung đô thị và nông thôn, QHXD các dự án mang tầm vóc quốc gia và quốc tế của các nhà đầu tư tầm cở… cũng có mức giới hạn (về nhân lực chuyên môn, tầm nhìn dự báo, kiến thức kinh tế - xã hội, hiểu biết về thị trường đầu tư…).

Trong cơ chế hành nghề, các tổ chức tư vấn hoạt động còn riêng lẻ, thiếu sự hợp tác từ các đơn vị bạn, ít sử dụng phương pháp “thuê chuyên gia” đối với các chuyên ngành khác nhau có liên quan đến nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu lập phương án QHXD. Qua thực tế cho thấy: Nhiều đồ án QHXD chưa nhận định đúng nguyên tắc thị trường và các giá trị của tài nguyên (về đất đai, sông nước, cảnh quan, môi trường), nhất là giá trị kinh tế từ môi trường rừng và cảnh quan nông nghiệp trong đô thị; chưa quan tâm đến các lĩnh vực khảo sát kỹ nhu cầu xã hội, phân tích các giá trị đặc điểm vị trí (về diện tích, địa hình, khả năng khai thác, dự phòng và phát triển…) và những kịch bản của tác động môi trường (về tài nguyên, nguồn lực, xã hội, nhân văn…). Đặc biệt là giai đoạn lập hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch, cần chú trọng các bước tiến hành khảo sát địa hình, địa vật, phân tích hiện trạng, nhận định nhu cầu phát triển…

Tùy cấp độ đồ án, công việc nghiên cứu lập QHXD đòi hỏi người tư vấn hội đủ khả năng tích hợp, khái quát vấn đề, phân tích dữ liệu… như một người nhạc trưởng trong dàn giao hưởng. Không chỉ có kỹ năng thiết kế sáng tạo không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị (như một tranh vẽ), mà đồ án QHXD cần đi vào thực tế của đời sống, tạo sự chuyển biến tích cực thay đổi tình hình hiện trạng, nên rất cần tầm nhìn về dự báo các khả năng, kịch bản của lộ trình phát triển “sau quy hoạch”. Việc tin tưởng vào kết quả tính toán “sơ cứng” các chỉ tiêu tăng trưởng (về dân số, đất đai, du khách…), trong khi số liệu đầu vào không sát, sẽ dẫn đến việc hoạch định các nguồn lực (nhân lực, tài lực, trí lực và động lực) cho định hình trong tương lai sẽ không khả thi; cũng như khi đề ra danh mục các dự án đầu tư và sản phẩm của từng dự án không đủ “độ rộng” và “tầm cở” để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, do không am hiểu về “ngôn ngữ, thủ pháp và lợi ích” của doanh nghiệp – nhất là các mô hình về nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế trên đất rừng, các sản phẩm du lịch chất lượng cao mang tầm quốc tế (như định hướng từ quy hoạch chung của tỉnh)…

Kiến trúc sư chủ trì đồ án QHXD cần cập nhật và hiểu rõ các nguyên tắc, định hướng và giải pháp từ cấp độ đồ án quy hoạch cấp trên; giải pháp khung từ các đồ án chuyên ngành vĩ mô; chương trình phát triển đô thị của tỉnh, huyện, thành phố… để diễn giải, kế thừa, xây dựng lộ trình và xác định các mốc phát triển ở đồ án cấp dưới (theo định kỳ quy hoạch). Thực hiện chức năng tư vấn một cách đầy đủ, trách nhiệm, khách quan và khoa học khi tính toán các chỉ tiêu tăng trưởng (dân số, lượng khách du lịch, nhu cầu sử dụng đất đai, khả năng phát triển công suất hạ tầng kỹ thuật…). Đặc biệt, khi tiếp cận các vấn đề về lợi ích (chung/riêng, trước mắt/lâu dài) được đề cập trong quá trình khảo sát nhu cầu, nắm bắt ý tưởng, tiếp thu các ý kiến (thông qua từng công đoạn hồ sơ); nếu người chủ trì đồ án thiếu tự tin để bảo vệ quan điểm chuyên môn, tính khoa học trong phương pháp nghiên cứu, dễ đi đến sự bằng lòng “dĩ hòa vi quý” trước các cấp lãnh đạo cơ sở, thủ trưởng các đơn vị có chức năng tham gia, để chỉnh sửa đồ án với mong muốn cho các bước đi tiếp theo của hồ sơ QHXD được thuận lợi khi thẩm định, phê duyệt.

Vai trò hoạt động của các Hội nghề nghiệp còn mờ nhạt, chưa phát huy giá trị tiếp sức và hỗ trợ từ các Sở có chức năng liên quan đến đồ án QHXD. Ví dụ một số hoạt động rất cần thiết, như: Phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành; cung cấp, trao đổi thông tin về các định hướng chiến lược từ các đồ án quy hoạch cấp trên và đồ án tổng thể chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; tổ chức các loại hình thích hợp (như: Tọa đàm, mời chuyên gia mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho Hội viên; tổ chức góp ý, phản biện ngay từ khâu “tìm ý” sơ phác cho phương án…). Cùng với hội, kiến trúc sư cần chú tâm tự bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, nâng cao trình độ bản thân, tạo uy tín nghề nghiệp cho đơn vị và bản thân, góp phần nâng cao chất lượng các đồ án QHXD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…

THAY LỜI KẾT

Với kinh nghiệm từ bản thân trong nhiều năm hoạt động hành nghề tư vấn và tham mưu thẩm định quy hoạch còn nhiều điều khiếm khuyết, tôi tự đúc kết các nhận định trên như một “bản tự kiểm”, không nhằm làm giảm giá trị bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào. Tôi xin kiến nghị cùng lãnh đạo tỉnh 3 giải pháp sau:

(1) Sớm có được những quyết sách kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao tầm vóc cho đội ngũ kiến trúc sư và hoạt động tư vấn QHXD (nói chung), quy hoạch, kiến trúc (nói riêng) của tỉnh nhà;

(2) Quan tâm hơn nữa đến vai trò phản biện xã hội của các hội nghề nghiệp và Liên hiệp hội đối với các vấn đề liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị;

(3) Chú trọng quy trình, tiến độ, tính minh bạch và công khai, nhằm kiểm soát chất lượng các đồ án QHXD (từ khâu chọn lựa đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh, đến khi sản phẩm quy hoạch được phê duyệt).