Những người lính kiên trung giữa trùng khơi (Bài 2)

NHẬT QUỲNH 06:03, 20/05/2024

Bài 2: Khúc tráng ca trên biển 

Xương máu, mồ hôi, bản lĩnh và trí tuệ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Nhà giàn DK1 đã viết nên khúc tráng ca hào hùng, vẻ vang của người chiến sĩ Hải quân kiên cường, dũng cảm bám biển.

Trang nghiêm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Trang nghiêm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

 

“MỘT CÁI CHẾT ĐỂ MUÔN NGÀN LẦN SỐNG”

Nhà chòi hay chuồng bồ câu là những từ truyền miệng của ngư dân khi nói về 5 Nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng vào năm 1989, đó là bởi sự nhỏ bé của nhà giàn so với biển cả mênh mông. Trong giai đoạn đầu này, các nhà giàn tương đối thô sơ, nên mỗi khi bão tố đổ về, vần vũ ngày đêm cũng là lúc các CBCS tại nhà giàn phải đối mặt với hiểm nguy, đánh vật với bão giông, giữ cho nhà giàn đứng vững và đã có CBCS hy sinh thân mình giữa trùng khơi. 

Vì thế mà trong chuyến đi thăm, chúc tết các Nhà giàn DK1 năm nay, ở chặng cuối của hải trình, Đoàn công tác số 2, do Đại tá Trần Chí Tâm - Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn, đã neo tàu ở Cụm Phúc Tần - một nơi đặc biệt - nơi đã từng có những CBCS đã anh dũng, kiên cường chống chọi với bão tố, và rồi mãi mãi nằm lại nơi biển sâu thăm thẳm.

Bình minh rạng rỡ trên biển, đúng 7 giờ sáng, CBCS cùng thành viên đoàn công tác trong trang phục chỉnh tề có mặt đông đủ trên boong tàu Trường Sa 16. Lễ vật đủ đầy, khói hương trầm mặc, tàu gióng 3 hồi còi, lễ tưởng niệm bắt đầu. Trong không khí xúc động, trang nghiêm, Trung tá Lê Xuân Tâm - Trưởng Ban Dân vận Vùng 2 Hải quân, đọc diễn văn tưởng niệm.

Những năm 1990, 1996, 1998 và 2000, do khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm sập một số nhà giàn. Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các CBCS nhà giàn đã bám trụ đến cùng, tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Đó là thời khắc không thể quên của đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/12, năm 1990, cơn bão số 10, có sức gió giật cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, CBCS Nhà giàn DK 1/3 (Cụm Phúc Tần), dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy - Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng, đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 CBCS xuống biển. Ba đồng chí đã anh dũng hy sinh là Thượng úy Trần Hữu Quảng, Trạm Phó Chính trị, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là (Quân Y sĩ) và chiến sỹ Cơ điện Hồ Văn Hiền.

Trong đêm đen phong ba bão táp ấy, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi mãi mãi nằm lại giữa biển sâu. 

“Một cái chết để muôn ngàn lần sống, một cái chết rực khí phách kiên cường” - đọc đến đây, giọng Trung tá Lê Xuân Tâm nghẹn lại vì xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên má người sĩ quan Hải quân rắn rỏi, cương nghị ngày thường.

• DK1 - BẢN HÙNG CA LƯU ĐỜI

8 năm sau ngày định mệnh, bão số 8 năm 1998 lại ập đến, cướp đi sinh mạng của những người lính kiên cường, gan dạ giữa biển khơi. Những trận cuồng phong làm nhà giàn chao đảo, rung lắc dữ dội; các anh - CBCS Nhà giàn DK1/6 (Cụm Phúc Nguyên) - vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, chống chọi với bão tố, với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, quyết bám trụ đến cùng. Nhưng, sức người có hạn, nhà giàn bị sập, kéo theo 9 CBCS xuống biển...

... Dù được đồng đội ra sức giúp đỡ, ba chiến sĩ - gồm Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An - đã hóa thân mình cùng sóng nước đại dương. 

Trước khi nhà giàn sập, Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn DK1/6 bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi mãi nằm lại với biển khơi. Còn Đại úy Vũ Quang Chương, trong lúc nguy cấp vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em thu xếp bảo quản tốt tài liệu, đồ đạc... Anh vội ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng mình... rồi vĩnh viễn nằm lại biển sâu nơi thềm lục địa phía Nam. Hay với Chuẩn úy Nguyễn Văn An, anh ra đi mà chưa một lần nhìn mặt đứa con vừa mới chào đời, để lại người vợ trẻ vẫn ngày đêm trông ngóng.

Và còn nhiều hình ảnh cao đẹp, dũng cảm hi sinh của rất nhiều CBCS đã kiên cường đương đầu với hiểm nguy sóng gió cứu đồng đội, bảo vệ nhà giàn, bảo vệ vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Tiêu biểu có thể kể đến liệt sĩ - Thượng úy Phạm Tảo, thuyền trưởng tàu HQ 606; Đại úy Nguyễn Văn Tư, thuyền trưởng tàu HQ 188; Trung úy Lê Đức Cường; Thượng úy Ngô Sỹ Nga, máy trưởng và các chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh...

Tất cả những hi sinh của các anh mãi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng đội và quê hương, đất nước. “Tiếp nối khí phách kiên cường của thế hệ cha anh đã từng cống hiến, hy sinh, chúng tôi, thế hệ lính nhà giàn DK1 hôm nay nguyện tiếp tục sứ mệnh cao cả, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, đôi mắt đỏ hoe, Trung tá Phan Chí Trà - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, xúc động nói. 

Nén xúc động, Đại tá Trần Chí Tâm - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của lễ tưởng niệm: “Buổi lễ không chỉ tưởng nhớ, tri ân những người anh hùng đã hi sinh mà còn là dịp để nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là lời động viên CBCS tiếp tục phấn đấu, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 

Trong lễ tưởng niệm, lần lượt CBCS và thành viên đoàn công tác đã thành kính thắp những nén hương thơm, như lời tri ân, tưởng nhớ đến những anh hùng đã hi sinh tuổi xuân cho đất nước. Vòng hoa bất tử cùng những đóa hoa cúc trắng được thả xuống biển, dần trôi theo sóng nước trùng khơi. Mây đen kéo đến, cơn mưa nhỏ thoáng qua, như cũng tiếc thương cho những người lính kiên cường, dũng cảm, bất khuất - những người đã viết nên khúc tráng ca bi hùng về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Cùng đó, những vần thơ trầm hùng hòa theo tiếng sóng, ngọn gió căng đầy biển khơi mang lời tri ân vang vọng cả vùng biển, trời xanh thẳm: “Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/ Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/ Trong cơn hồng thủy phong ba/ DK1 - bản hùng ca lưu đời...    

(CÒN NỮA)