Những người lính kiên trung giữa trùng khơi (Bài 3)

NHẬT QUỲNH 06:28, 21/05/2024

Bài 3: Viết tiếp bản hùng ca bất diệt 

Vượt mọi gian khó, trên những “chiến lũy thép” giữa biển khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Nhà giàn DK1 vẫn giương cao ánh nhìn, cầm chắc tay súng, vững vàng chân sóng, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các anh đã và đang viết tiếp bản anh hùng ca bất diệt về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường của người chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Các thế hệ CBCS Nhà giàn DK1 đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
Các thế hệ CBCS Nhà giàn DK1 đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ

VƯỢT GIAN KHÓ, GÌN GIỮ BIỂN, TRỜI TỔ QUỐC

Nhà giàn trong mây canh một hướng Tây Nam
Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng
Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình 
Biển sóng hát ca mơ về quê nhà… 

Trên nhà giàn kiên cố, hướng tầm mắt ngắm nhìn biển cả bao la, rộng lớn của quê hương, Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán, Nhà giàn DK1/21 (Cụm Ba Kè) - lặng lẽ cất tiếng hát. Giọng hát trầm ấm, vang vọng, hòa cùng tiếng sóng, mang theo lời tâm tình sâu lắng của người lính biển giữa trùng dương. 

31 năm công tác trong lực lượng hải quân, Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán (quê Nam Định) đã dành trọn 15 năm tuổi trẻ để sống và làm nhiệm vụ trên 10 Nhà giàn DK1. Đó cũng là chừng ấy thời gian anh chứng kiến sự đổi thay của từng thế hệ nhà giàn. 

Lặng lẽ hồi tưởng, người lính biển dày dặn kinh nghiệm, vẫn còn nhớ như in cảm giác choáng ngợp xen lẫn tự hào khi lần đầu tiên đặt chân đến Nhà giàn DK1. Trước biển cả bao la, rộng lớn, anh thấy nhà giàn thật nhỏ bé nhưng cũng quá đỗi kiên cường. Sống và làm nhiệm vụ giữa biển khơi mênh mông, với thời tiết, điều kiện sống khắc nghiệt luôn đòi bản lĩnh và ý chí kiên cường của người lính biển. 

Nhà giàn DK1 vững vàng giữa trùng khơi
Nhà giàn DK1 vững vàng giữa trùng khơi

Nhà giàn khi ấy còn thô sơ, thiếu điện, thiếu nước ngọt, khả năng liên lạc hạn chế là những trở ngại thường trực mà họ thường đối mặt. Song, khó khăn không thể làm chùn bước những người lính kiên cường. CBCS tại các nhà giàn nhanh chóng thích nghi với môi trường sống, đoàn kết, rèn luyện, huấn luyện không ngừng nghỉ để nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng, sức chiến đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. “Khó khăn càng lớn, ý chí càng cao. Trên nhà giàn, CBCS từ già đến trẻ, đều cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Lính trẻ xông pha, lính già gương mẫu, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc”, Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán nói. 

Công tác xa nhà, với Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán, động lực giúp anh yên tâm công tác chính là vợ và đứa con 7 tuổi ở nhà. “Mỗi năm một lần, tôi được về phép từ 45 đến 50 ngày. Mỗi lần về nhà, con đều rất mừng, vợ cũng động viên rất nhiều. Niềm vui sum vầy ấy là nguồn động lực to lớn giúp tôi tiếp tục vững vàng nơi nhà giàn”, ông chia sẻ. 

Cùng chung đơn vị với Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán, Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh (54 tuổi) cũng đã dành 10 năm làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Gắn bó từ những ngày còn nhiều gian khó, nay anh không khỏi tự hào vì giờ đây điều kiện sống và làm việc của CBCS nhà giàn đã tốt hơn rất nhiều. Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh nhớ lại: “Nhiều năm về trước, cơ sở vật chất nhà giàn chưa được khang trang và hiện đại như bây giờ. Chỉ khi làm việc mới chạy máy phát điện, khi nghỉ ngơi, không có điện, ti vi hay sóng điện thoại, CBCS thường sử dụng đèn dầu và nghe radio để giải trí. Đêm giao thừa, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết và dành cho nhau những lời chúc năm mới, mọi người lại hướng về một góc nghe radio. Nay, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện xây dựng nhà giàn vững chắc hơn, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ. Có sóng điện thoại, chúng tôi thấy mình gần đất liền hơn”. 

Giữa biển khơi, câu chuyện về cuộc sống ở nhà giàn cứ thế được Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh say sưa kể lại. Trong những mẩu chuyện của anh, tình đồng đội, đồng chí luôn hiện hữu. Anh tự hào về những năm tháng cùng đồng đội đoàn kết vượt gian khó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; về những ngày anh em đùm bọc lúc đau ốm; cùng sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống; và cùng sum vầy, chung niềm vui mỗi năm tết đến, xuân về... Và còn rất nhiều câu chuyện khác mà trong khoảng thời gian gặp mặt ngắn ngủi khó có thể kể hết. 

Chỉ còn một năm nữa, Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh sẽ nghỉ hưu, xa nhà giàn, xa đồng đội, trở lại với cuộc sống đời thường, vậy nên, dường như trong những hồi ức mà anh kể lại đều thoáng chút buồn hoài niệm. Không buồn sao được, bởi, với những người lính đã gắn bó nhiều năm trên nhà giàn như Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán hay Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh thì nhà giàn đã trở thành “nhà” và nhiệm vụ bảo vệ, biển đảo quê hương đã là “sứ mệnh”. “Màu áo hải quân đã chọn tôi. Sau nhiều năm gắn bó nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tôi thấy rất tự hào. Được đi khắp mọi miền, từ Cà Mau đến Móng Cái, tôi thấy biển, đảo đất nước mình thật tươi đẹp. Với người lính biển, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương’ mà đã là nhà, là quê hương mình phải quyết tâm giữ gìn”, Trung tá chuyên nghiệp Mai Thanh Toán tâm sự. 

Đón những chiến sĩ trẻ từ đất liền vượt biển đến nhà giàn làm nhiệm vụ, là người đi trước, Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh nhắn nhủ với thế hệ trẻ: “Với sức trẻ, năng động và nhiệt huyết, các em, các cháu hãy trân trọng, giữ gìn những thành quả mà cha ông đã đánh đổi xương máu để giành được. Hãy tiếp nối truyền thống anh hùng, giữ gìn biển, đảo quê hương, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”. 

Hạ sĩ Trần Công Đức (giữa) chào tạm biệt trước khi lên nhà giàn nhận nhiệm vụ
Hạ sĩ Trần Công Đức (giữa) chào tạm biệt trước khi lên nhà giàn nhận nhiệm vụ

• TIẾP BƯỚC BẢN HÙNG CA LÍNH BIỂN 

Đã nửa hải trình trôi qua, ngày mai, tàu Trường Sa 16 tiếp tục rẽ sóng đến Nhà giàn DK1/19 (cụm Quế Đường) - nơi Hạ sĩ Trần Công Đức (19 tuổi), quê Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới.

Đêm trước ngày lên nhà giàn, Đức lặng lẽ ngồi bên chiếc ba lô, nâng niu bộ quần áo hải quân, xếp lại chúng một cách ngay ngắn. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng, chỉ có tiếng sóng vỗ vào mạn tàu, bao cảm xúc bồi hồi, háo hức xen lẫn lo lắng hiện lên trên gương mặt của chàng trai trẻ. Hành trang Đức mang theo còn có gói mứt dừa, hộp bánh và cả bức ảnh gia đình được cất kỹ. Với Đức, đêm nay có lẽ là một đêm dài... “Chưa bao giờ đặt chân đến nhà giàn, em có chút hồi hộp, nhưng hơn cả, em thấy rất vinh dự và tự hào vì được góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chú và cậu của em cũng là chiến sĩ nhà giàn. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, lòng tràn đầy quyết tâm, Đức cười nói. 

Sáng, CBCS tàu Trường Sa 16 bắt đầu vận chuyển hàng hóa, quà tết cho Nhà giàn DK1/19. Đức cũng đã sẵn sàng bắt đầu hành trình mới. Bước lên xuồng nhỏ di chuyển đến nhà giàn, nở nụ cười thật tươi, cậu lính trẻ vẫy tay chào mọi người...

Không khí trên nhà giàn như rộn rã hơn khi có đoàn công tác từ đất liền đến thăm. Tất bật cùng đồng đội chuẩn bị tiếp khách, Trung sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt (19 tuổi) luôn sáng bừng nụ cười rạng rỡ. 

Mới đặt chân đến Nhà giàn DK1/21 được vài tháng, Tuấn Kiệt đã cảm nhận được tình đồng đội ấm áp. “Mọi người ở đây luôn yêu thương, giúp đỡ em như người thân trong gia đình”, Kiệt chia sẻ. Là một trong những người lính trẻ nhất trên nhà giàn, Kiệt luôn cảm thấy tự hào khi được góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Niềm tự hào của Công Đức, của Tuấn Kiệt cũng chính là niềm tự hào chung của thế hệ trẻ Hải quân Việt Nam. Như Đại tá Trần Hồng Hải - Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân khẳng định: “Trải qua bao thế hệ, những người lính biển luôn đặt lên vai sứ mệnh cao cả bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông, CBCS Nhà giàn DK1 hôm nay vẫn một lòng kiên trung, dũng cảm, ngày đêm canh gác, tiếp tục thực hiện sứ mệnh mà Tổ quốc giao phó”.

Những ngày cuối năm, bầu trời vùng biển thềm lục địa phía Nam như cao hơn, mặt biển xanh ngắt. Trên nhà giàn, lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay giữa biển, khơi. Mặc cho nắng gió mặn chát, người lính biển vẫn đứng hiên ngang, giữ chặt tay súng, canh giữ biển trời quê hương. Họ - những người lính trẻ đầy sức sống, được tôi luyện, trưởng thành trong gian khó sẽ tiếp bước truyền thống anh hùng của cha ông, viết tiếp bản hùng ca bất diệt về sự kiên trung, dũng cảm của người lính biển Việt Nam.  

(CÒN NỮA)