PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ TAY CHÂN MIỆNG:
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

BS ĐẶNG VĂN HUYÊN - KIM CÚC 01:01, 10/05/2024

Hiện nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có diễn biến bất thường. Theo ghi nhận, bệnh SXH tăng cao liên tiếp trong 2 năm 2022 và 2023, số mắc vẫn tăng cao sau mùa dịch năm 2023 diễn biến ca bệnh những tháng đầu năm 2024 tương đối giống với năm 2023 và có thể tiếp tục tăng trong những tháng mùa mưa sắp tới.

Phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: N.Ngà
Phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: N.Ngà

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2024, tính đến ngày 5/5 toàn tỉnh ghi nhận 923 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 339 ca so với cùng kỳ năm 2023 (584 ca), trong đó có 5 trường hợp nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các địa phương có ca bệnh tăng so với cùng kỳ: Di Linh 136 ca, Bảo Lộc 120 ca, Lâm Hà 80 ca, Đơn Dương 30 ca, Đức Trọng 10 ca. 

Số ca mắc tăng gấp 1,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2023, tăng 4,3 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm (2019-2023). Trong những tuần gần đây, số lượng người mắc SXH trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, trên 70 ca/tuần. Các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc tiếp tục là những điểm nóng SXH của tỉnh.

Trong năm 2023, toàn tỉnh đã xử lý 321 ổ dịch, trong đó xử lý bằng phương pháp diệt lăng quăng là 952 ổ dịch. Riêng năm 2024 tính đến tuần 18, tổng số ổ dịch được xử lý là 289, trong đó số ổ dịch được xử lý bằng hình thức phun hóa chất và diệt lăng quăng 133, số ổ dịch được xử lý bằng hình thức diệt lăng quăng là 156.

 Dự báo tình hình dịch bệnh năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp hơn năm 2023 và có nguy cơ bùng dịch lớn trong những tháng cao điểm mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11) là rất cao, do đó cần phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống SXH trong giai đoạn hiện nay. 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng can thiệp tại các điểm nóng (nguy cơ cao) trên địa bàn. Tiếp tục theo dõi sát tình hình bệnh SXH Dengue (SXHD) để kịp thời phát hiện những khu vực nguy cơ mới do dịch lây lan rộng, cũng như xác định những nơi xuất hiện nhiều ca bệnh và kéo dài để có chỉ định can thiệp xử lý ổ dịch trên diện rộng sớm và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chống dịch SXHD.

Triển khai xử lý ổ dịch bằng phương pháp phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng tại các địa điểm có thể áp dụng hình thức phun hóa chất (không phải khu trồng dâu, nuôi tằm) để tăng hiệu quả khống chế sự lây lan của bệnh SXH.

Triển khai diệt lăng quăng triệt để, hiệu quả tại các ổ dịch, các vùng nguy cơ không thể can thiệp bằng phun hóa chất diệt muỗi như khu vực trồng dâu, nuôi tằm. Hơn nữa, cần xác định đúng các điểm nguy cơ, khu vực có nhiều vật chứa nước nguy cơ có lăng quăng để đưa ra biện pháp xử lý véc tơ phù hợp và mở rộng quy mô tìm kiếm ổ lăng quăng tại khu vực can thiệp bao gồm các khu vực công cộng như cơ quan, xí nghiệp, trường học, bến xe, chợ, các nơi tập trung đông người, bệnh viện...

Thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH, đảm bảo xử lý triệt để lăng quăng tại hộ gia đình, các khu nhà trọ, nơi công cộng tập trung đông người và nơi có nhiều ổ lăng quăng. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường muỗi đốt, người mắc SXH có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó mỗi người dân cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, khi có biểu hiện mắc SXH như: sốt cao, sốt đột ngột, có dấu hiệu xuất huyết ngoài da và chảy máu cam, cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Cùng với thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu nóng dần trong những năm vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, thời tiết đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, đây là mùa thuận lợi cho quần thể lăng quăng, muỗi phát triển, việc giao lưu đi lại của người dân tăng cao, nhất là có nhiều bệnh nhân đi về từ các khu vực đang có dịch SXHD bùng phát, cùng với đó là ý thức chủ động phòng, chống dịch của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, tâm lý người dân còn lơ là, chưa chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH cụ thể như việc diệt lăng quăng tại hộ gia đình và cộng đồng nơi sinh sống, chưa thường xuyên dọn dẹp, loại bỏ hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết; khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tự mua thuốc điều trị tại nhà đã làm gia tăng số ca bệnh có diễn tiến nặng do đến cơ sở y tế muộn.

Để chủ động phòng, chống SXH, không để dịch, bệnh bùng phát và lan rộng trong thời gian tới cần triển khai quyết liệt các hoạt động cụ thể sau: Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng đồng hành với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch SXH. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, trường học, cơ quan truyền thông... để huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với hoạt động phòng, chống SXH. Triển khai các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại địa phương.