Phát huy những giá trị tích cực của Đề án 06 mang lại, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tại các kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh về việc thực hiện Đề án 06 trong năm 2024.
Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết quý I / 2024 về thực hiện Đề án 06 |
Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng, kết quả triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 4/2024 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (gọi tắt là DVC) trực tuyến, toàn tỉnh đã triển khai 1.179 DVC trực tuyến.
Về DVC thiết yếu, trong tháng 4, 11 DVC thiết yếu của ngành Công an đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 660.685 hồ sơ/664.034 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 99,5%. Một số thủ tục hành chính (TTHC), như thông báo lưu trú tại Công an cấp xã, đăng ký mẫu con dấu mới, cấp lại thẻ căn cước công dân (CCCD), xác nhận số chứng minh nhân dân, CCCD tại Công an cấp tỉnh, cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử ở trong nước…, thực hiện qua DVC đạt tỷ lệ 100%. Đối với 12 DVC thiết yếu của các sở, ban, ngành cũng đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt trên 88% tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Riêng nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh có 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) có thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD đạt tỷ lệ 100%; Triển khai thông báo lưu trú trên VNEID tại 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh. Duy trì triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh, tỷ lệ liên thông đạt 100%. Chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 64,35%; chi trợ cấp một lần đạt 93,58%; chi trợ cấp BHTN đạt 100%. Công tác thu nhận, giải quyết đề nghị cấp CCCD và hồ sơ cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 84,1%.
Cùng với đó, các công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh, an toàn cũng được chú trọng. Về phía Sở Thông tin - Truyền thông tiếp tục duy trì Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh tập trung và đô thị thông minh tỉnh Lâm Đồng (SOC), nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong triển khai Chính quyền điện tử. Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch về tuyên truyền, quán triệt các quy định về bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong thực hiện Đề án 06; Chỉ đạo Tổ an ninh mạng, an toàn thông tin Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, hướng dẫn 1 phòng nghiệp vụ trong công tác sử dụng, quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống, thiết bị và phần mềm liên quan đến Đề án 06.
Từ những kết quả trên, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh yêu cầu thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 681 ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh; Kế hoạch 715 ngày 23/1/2024 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Đề án 06 năm 2024 và Kế hoạch 2046 ngày 15/3/2024 của Ban Chỉ đạo về bổ sung, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 năm 2024.
Trong đó, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; Tập trung giải quyết các “điểm nghẽn”, các tồn tại trong thực hiện Đề án 06 tại địa phương. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương để đôn đốc các nhiệm vụ chậm, muộn hoặc có nguy cơ chậm tiến độ; Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác. Cùng với đó, duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư và các dữ liệu khác, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”... Đồng thời, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống Đề án 06 từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Về phía Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công), đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình, thủ tục và tích hợp cung cấp 53 DVC trực tuyến thiết yếu trên cổng DVC quốc gia, đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình và được định danh, xác thực điện tử, hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư; tỷ lệ lưu trữ điện tử kết quả giải quyết TTHC của cá nhân. Và chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo quy định. Đồng thời, phối hợp rà soát, tham mưu, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, đảm bảo hoàn thành chậm nhất trong năm 2024.
Đối với các sở, ngành và Bảo hiểm xã hội tỉnh, tiếp tục đôn đốc, đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu liên quan đến quản lý của đơn vị, đảm bảo hoàn thành việc số hóa, quản lý, khai thác trước ngày 30/6/2024. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ở các địa phương có kết quả còn thấp như: Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc.
Riêng Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06. Chủ động nghiên cứu các giải pháp, tổng hợp kinh nghiệm trong triển khai Đề án 06 theo đề nghị của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ tại Văn bản số 2551 ngày 1/4/2024 để áp dụng vào quá trình thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích của Đề án 06, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu chính đáng của người dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ khai thác các mô hình điểm Đề án 06, nâng cao tỷ lệ thực hiện DVC trực tuyến...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin