Lâm Đồng cho đến nay đang triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Trung ương phát động trên địa bàn tỉnh.
Lâm Đồng chú trọng Phát triển kinh tế nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong ảnh: Một lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tại TP Đà Lạt |
• 109/111 XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
Tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được Lâm Đồng triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh cho đến nay, chính là Phong trào thi đua “Cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Trong tháng 6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4893 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023, đồng thời cho kiện toàn Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025.
Phong trào “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 theo đánh giá của tỉnh, đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua, gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát huy vai trò chủ thể của người dân; huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 109/111 xã (đạt tỷ lệ 98,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 41 xã nông thôn mới nâng cao (37,61%); 16 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (14,7%); có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà; TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2015-2020). Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
• HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI HÓA
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được Lâm Đồng xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong nhiều năm nay. Chính vì vậy, Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Trung ương phát động đã được tỉnh triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở với các nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của các ngành, lĩnh vực, địa phương; gắn triển khai phong trào với thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2021-2025; góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội.
Trong tháng 2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch 1215 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 với quyết tâm phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đa chiều được đề ra tại các nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Nghị định số 7 ngày 27/1/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Lâm Đồng đặc biệt chú ý đến công tác vận động các đơn vị, địa phương, cá nhân trong và ngoài tỉnh; huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác giảm nghèo của tỉnh; việc hỗ trợ đối với các hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện bằng các hình thức phù hợp .
Sơ kết giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021, mục tiêu giảm 1%); hộ cận nghèo là 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%. Trong đó: hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021, mục tiêu tỷ lệ giảm từ 2-3%); hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%.
Hiện TP Đà Lạt đã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (từ năm 2021); 3 huyện, thành có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, gồm TP Bảo Lộc (0,41%), Đơn Dương (0,07%), Đạ Huoai (0,48%); 6 huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% gồm Đức Trọng (1,07%), Lâm Hà (3,70%), Di Linh (3,82%), Bảo Lâm (2,44%), Đạ Tẻh (1,36%) và Cát Tiên (3,66%); 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 5% là Lạc Dương (5,83%) và Đam Rông (6,92%).
Trong tỉnh, có những huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao gần đây, đó là huyện Đam Rông với 7,84% (tương ứng 1.111 hộ), huyện Cát Tiên 3,40% (tương ứng 343 hộ), huyện Lạc Dương 2,74% (tương ứng 185 hộ) và huyện Di Linh 1,55% (tương ứng 625 hộ). Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%, tương ứng giảm 6.369 hộ (kế hoạch giảm từ 1 - 1,5%); trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%, tương ứng giảm 4.149 hộ (kế hoạch giảm từ 2,5-3%).
• ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN CÔNG TRÌNH
Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hành tiết kiệm chống lãng phí” do Trung ương phát động cũng được Lâm Đồng triển khai một cách hiệu quả trên địa bàn.
Trong cuối tháng 12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hành tiết kiệm chống lãng phí” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025; trong đó xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các dự án; ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể từng công trình, dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Tỉnh cũng kiện toàn 3 Tổ công tác chỉ đạo thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020-2025; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; đánh giá, phân tích, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Qua đó, hầu hết các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản tiến độ triển khai theo kế hoạch đề ra.
Để thúc đẩy công tác chuyển đổi số, Lâm Đồng cũng đã tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh; Trung tâm Điều hành thông minh của Sở Giáo dục và Đào tạo và 10/12 huyện, thành trong tỉnh; chỉ riêng 2 huyện Đạ Huoai và Cát Tiên không xây dựng Trung tâm IOC mà thay thế bằng hệ thống camera giám sát tầm cao.
Trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 188 ngày 2/2/2023 về Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đề xuất những giải pháp phù hợp thực tế để thực hiện; nâng cao ý thức trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hành tiết kiệm; quản lý chặt chẽ chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài sản, phương tiện…, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin