Về một người Hàn Quốc kính yêu Hồ Chí Minh

LÊ HỒNG PHONG 04:31, 17/05/2024

Ngài Yoo Tae Hyun thực sự quan tâm tìm hiểu về lãnh tụ Hồ Chí Minh từ năm 2003 - 2005, khi ông nhận nhiệm vụ Đại sứ của Đại Hàn dân quốc tại Việt Nam, nhưng thực ra ông đã đến đây vào năm 2001 khi tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc tới thăm Việt Nam. Ở bất kỳ một cơ quan nào mà đoàn Hàn Quốc ghé thăm, ông đều nhận thấy có treo ảnh hoặc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Yoo Tae Hyun “rất lấy làm lạ và rất ấn tượng” về điều đó. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận nhiệm vụ đại sứ tại Việt Nam, ông quyết định tìm hiểu về Hồ Chí Minh, để qua đó có thể hiểu hơn về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam. Ông cho biết, khi còn đương chức Đại sứ, ông thường lên Đền thờ Bác trên núi Ba Vì ở gần Hà Nội bày tỏ lòng thành kính đối với Người. 

Ông Yoo Tae Hyun
Ông Yoo Tae Hyun

Hết nhiệm kỳ Đại sứ, ông tình nguyện ở lại Việt Nam và ông đã chọn Trường Đại học Đà Lạt để tiếp tục sống và làm việc. Ở đó, ông giảng dạy tiếng Hàn nâng cao hoặc môn Hán - Hàn (chữ Hàn gốc Hán); ông quan tâm đến việc xây dựng ngành Hàn Quốc học và thực sự ông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành học này. Ghi nhận cống hiến của vị cựu đại sứ, Trường Đại học Đà Lạt đã trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự của Trường. 

Nhân dịp Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Yoo Tae Hyun đã có bài viết rất xúc động về Hồ Chí Minh. Bài viết bằng tiếng Hàn, Th.S. Nguyễn Phạm Thu Hương dịch sang tiếng Việt và PGS.TS. Cao Thế Trình đã biên tập. Tiêu đề bài báo khẳng định rõ là “Vì sao tôi kính yêu Người - Hồ Chí Minh” và trong bài viết này nhiều lần ông gọi lãnh tụ của Việt Nam như cách mà người Việt Nam gọi lãnh tụ của mình là Bác, Bác Hồ. Về lý do để nghiên cứu và hoàn thành bài báo đã được Giáo sư Yoo Tae Hyun nói rõ: “Là một người nước ngoài phát biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha kính yêu, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, người con của vùng đất Đông Dương, đối với tôi là một vinh dự to lớn, nhưng đồng thời cũng là một điều hết sức đáng thận trọng. Tôi rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và có cả một chút “ganh tị” khi Nhân dân Việt Nam có được một nhà lãnh đạo vĩ đại đến như vậy”.

Bằng chứng khách quan khoa học, đa phần sử dụng tư liệu nước ngoài vì ông không đủ khả năng đọc tài liệu chữ Việt, kết hợp với lòng yêu kính chân thành đối với Hồ Chí Minh, ông đã chỉ rõ năm nguyên nhân khiến ông thực sự kính yêu vị lãnh tụ của Việt Nam. 

Thứ nhất, vì GS. Yoo Tae Hyun rất khâm phục lòng yêu nước của Bác Hồ. Ông dõi theo hành trình yêu nước của Hồ Chí Minh ngay từ thuở thiếu thời cho đến khi xuất dương tìm đường cứu nước với tên gọi “Ái Quốc”; về sự hy sinh cuộc sống cá nhân, gia đình để cống hiến trọn đời cho sự nghiệp độc lập và thống nhất Tổ quốc. Ông khẳng định “Bác Hồ là một nhà yêu nước” nhưng “vì độc lập của Việt Nam sau đại chiến thế giới lần thứ hai… Người cố gắng để thiết lập mối quan hệ với Hoa Kỳ - một cường quốc tư bản chủ nghĩa”.

Thứ hai, vì tác giả rất khâm phục tinh thần tự học và sự say mê học tập suốt cả cuộc đời của Hồ Chí Minh. Ông dẫn chứng về việc Người “biết được hơn 6 thứ tiếng nước ngoài và có thể viết được luận văn bằng những thứ tiếng đó”. Đặc biệt, GS. Yoo Tae Hyun đã thấu cảm được một điều rất quan trọng: “Người đã kết hợp hài hòa giữa tri thức, năng lực của bản thân với những trào lưu tư tưởng mới, tạo thành tư tưởng chỉ đạo Nhân dân Việt Nam và cho đến hôm nay đã trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng chủ đạo của cả dân tộc Việt Nam”. Một người nước ngoài mà hiểu được nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh như thế quả rất đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Ông không nói nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh vì mục đích của ông là lý giải vì sao một người nước ngoài như ông lại yêu kính Bác Hồ đến như thế.

Thứ ba, vì tác giả khâm phục sự tinh tường của Người trong việc nhìn nhận cục diện quốc tế. Để làm rõ nguyên nhân này, ông đã dẫn chứng về dự đoán của Hồ Chí Minh trước nguy cơ xâm chiếm Đông Dương của đế quốc Nhật, dự đoán kết quả của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai để lên kế hoạch, chuẩn bị lực lượng nhằm giành độc lập cho Việt Nam và đã Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam trước toàn thế giới...

Thứ tư, vì tác giả “rất ái mộ cuộc sống giản dị, khiêm tốn, không mưu cầu quyền lực, gần gũi với Nhân dân của Bác Hồ”. GS. Yoo Tae Hyun đã nhận thấy “lối sống thanh liêm, giản dị của Bác đã là một tấm gương sáng cho toàn thể Nhân dân Việt Nam cũng như giới lãnh đạo của Việt Nam”. Một người nước ngoài hiểu tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đến như thế thì thật đáng trân quý và cho dù bài viết đã công bố gần 10 năm, chúng ta vẫn thấy ít nhiều tính thời sự trong thực tiễn xã hội hôm nay.

Thứ năm, tác giả cho rằng “Người là một tấm gương về tiếp thu và phát triển tinh hoa của triết lý phương Đông” mà cụ thể là Nho giáo. Ông quan tâm đến chi tiết tuổi thơ học chữ Hán, gia phong của một gia đình khoa bảng Nho giáo cùng truyền thống quê hương đã góp phần trong việc Hồ Chí Minh đã “tu dưỡng bản thân và đã hy sinh cả cuộc đời mình vì sự nghiệp của dân tộc”. Khi nhắc đến Nho giáo, ông đánh giá cao Khổng Tử với quan niệm về một “thế giới đại đồng”. GS. Yoo Tae Hyun cho rằng “trong một chừng mực nào đó, có thể nói Bác Hồ là người thầy đã đánh thức lại một cách sâu sắc tư tưởng triết học phương Đông”. Ông có liên hệ việc Việt Nam và Hàn Quốc là hai đất nước chịu ảnh hưởng Nho giáo và hy vọng đó như một trong những lý do sẽ giúp cho mối quan hệ hợp tác của hai nước ngày càng phát triển.

Ông cũng nhận thức rằng do không thể tham khảo những nguồn tài liệu về Bác trực tiếp bằng tiếng Việt, nên có thể có những điều chưa thật phù hợp. Ông bộc lộ tình cảm chân thành của mình: “Tuy có thể có những sai sót, nhưng tôi hy vọng và kính mong quý vị hãy thông cảm, hiểu và không nghi ngờ gì về lòng tôn kính của tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí,… có pha chút “ganh tị” với Nhân dân Việt Nam, vì các bạn có một vị lãnh tụ vĩ đại như Người”.