(LĐ online) - Mỗi lần về Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), tôi đều đến thăm Trường Dục Thanh – nơi người thanh niên yêu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học, trước khi vào Sài Gòn, bắt đầu bôn ba đi tìm đường cứu nước.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại tỉnh Bình Thuận |
NGÔI TRƯỜNG ẤM TÌNH BÁC
Dù lần thứ ba thăm Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Dục Thanh được
Lặng lẽ đi một vòng quanh Khu di tích: Chính diện là dãy phòng học lớn được kê thẳng tắp 3 dãy bàn học, trên cùng là tấm bảng đen. Tất cả bàn, ghế, bảng đen đều sạch sẽ nằm im lìm như đang trong giờ học và dường như còn hơi ấm Bác nơi này.
Gian nhà trong là khu Bác nghỉ ngơi, đọc sách trông ra bốn bề thoáng đãng. Đặc biệt, khu vườn của Trường Dục Thanh không rộng lắm nhưng được trồng rất nhiều cây trái xanh tươi. Cây khế hơn 100 tuổi được Bác trồng, chăm sóc, cành lá vươn ra ôm lấy một góc vườn và chi chit những chùm bông tím. Trong vườn được trồng rất nhiều bưởi, giống bưởi quả vàng và rất to oằn cành (loại bưởi được trồng tại Khu nhà sàn của Bác ở Hà Nội). Và, kia là cái giếng đào, nước rất trong mát ngày xưa Bác thường lấy nước tưới cây…
Theo sử sách ghi lại, Trường Dục Thanh được xây dựng vào năm 1907 tại làng Thành Đức (nay là số nhà 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, Bình Thuận). Trường Dục Thanh do hai người con trai của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lôi và Nguyễn Quý Anh và một số sĩ phu yêu nước như Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lê Chát… góp sức sáng lập và do Nguyễn Quý Anh làm Giám hiệu.
Thời điểm đó, Trường Dục Thanh được xây dựng để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ở Trung Kỳ. Mục tiêu mở trường là để mở mang dân trí, khơi dậy ý thức giống nòi, tự tôn, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trước họa xâm lăng và chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp.
Tên trường Dục Thanh được viết tắt của cụm từ: Giáo dục thanh thiếu niên. Mục đích mở trường và nội dung dạy học, Dục Thanh là ngôi trường tư thục tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ.
Trên đường từ Bắc vào
Dù thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh không lâu, chỉ trong 4 tháng (từ 9/1910 đến 02/1911), nhưng trong cuộc đời Bác, đây là cái nghề cao đẹp đầu tiên Người làm trước khi trở thành người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Và, người dân Bình Thuận luôn tự hào được Bác dừng chân gieo hạt mầm tình yêu nước!
Sách chép lại, thời điểm trường này đông học sinh nhất khoảng 60 người và được chia làm 4 lớp: Tư, ba, nhì, nhất do 7 thầy giáo phụ trách. Thầy giáo Thành dạy ở lớp nhì chủ yếu dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Hán, văn…
Ngoài dạy các nội dung được phân công, thầy giáo Thành còn truyền đạt cho học sinh kiến thức về văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ giống nòi…
Những lúc rỗi, thầy Thành thường đưa học trò tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Phan Thiết, mục đích giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho học trò…
Tháng 02/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn để ngày 5/6/1911 bắt đầu cuộc bôn ba tìm đường cứu nước. Sau đó, ông Nguyễn Trọng Lôi qua đời, em trai là Nguyễn Quý Anh (Giám hiệu Trường Dục Thanh) vào Sài Gòn lo công việc khác; một số thầy giáo bị giặc bắt và nhiều lý do khác nên Trường Dục Thanh đóng cửa vào năm 1912.
Dù Trường Dục Thanh tồn tại trong 5 năm và thầy giáo Nguyễn Tất Thành có 4 tháng dạy học, song, ngôi trường mãi mãi là niềm tự hào của người dân Phan Thiết, miền đất anh hùng cực Nam Trung Bộ này cho đến ngàn đời sau!
Dãy phòng học chính của Trường Dục Thanh |
DI TÍCH DỤC THANH - NƠI GIÁO DỤC LÒNG YÊU NƯỚC
Sau khi thầy giáo Thành rời Trường Dục Thanh đi tìm đường cứu nước và bị đóng cửa, trải qua chiến tranh ác liệt và thăng trầm của lịch sử, sau năm 1975, Trường Dục Thanh mới được trùng tu lại.
Thể theo nguyện vọng và tình cảm của Nhân dân Bình Thuận đối với Bác, ngôi trường được phục chế giống như năm 1910, được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia.
Hiện, Khu di tích này gồm các công trình: Gian nhà lớn phía trước nơi dạy học trước đây; bên phải là gian nhà Ngự - nơi nội trú của học sinh; dãy nhà phía sau là Ngọa Du Sào - nơi Bác Hồ nghỉ ngơi và đọc sách, khu vườn cây trái, giếng nước; đặc biệt, sau cổng chính (bên trái) vừa được dựng một phiến đá cao chừng 3 mét, rộng 2 mét, vẽ chân dung Bác Hồ, chữ ký của Người dưới dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Phiến đá lớn đặt bên trái cổng Trường Dục Thanh mới được bổ sung |
Khu Di tích Dục Thanh là điểm tham quan, nghiên cứu của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước; nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc cho thanh thiếu nhi cả nước.
Đối diện Khu Di tích Dục Thanh là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận khánh thành ngày 19/5/1986. Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ và một phần trưng bày “Bình Thuận thực hiện Di chúc của Người”.
Du khách đến Bình Thuận không thể không tham quan Khu Di tích Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trước khi tham quan Bảo tàng, du khách sẽ thắp nhang trước bàn thờ Bác. Tượng Bác đúc bằng đồng, đặt trước gian nhà chính của Bảo tàng; nghe hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình đi tìm đường cứu nước của Người trong không gian thoang thoảng hương trầm, lòng ta ngân ngân niềm xúc động rất thiêng liêng.
Được biết, nhiều năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bình Thuận cũng là nơi thường diễn ra lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh… để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho bao nhiêu thế hệ của miền đất anh hùng này.
Đứng giữa gian phòng học thoáng rộng, tươm tất với những dãy bàn ghế kê thẳng tắp; bục giảng, bảng đen và bàn giáo viên… tôi cứ ngỡ Bác đang ngồi đó với giọng nói ấm áp và bài học làm người…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin