Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm

AN NHIÊN 06:27, 10/06/2024

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, với mục tiêu hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), không để xảy ra trường hợp tử vong do NĐTP.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng vừa tập huấn phòng, chống NĐTP cho 360 người thuộc 315 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do tuyến tỉnh quản lý
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng vừa tập huấn phòng, chống NĐTP cho 360 người thuộc 315 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do tuyến tỉnh quản lý

Theo thông tin của Bộ Y tế, giai đoạn 2014 - 2018, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 160 vụ NĐTP, với 4.573 người mắc, 24 ca tử vong. Giai đoạn 2019 - 2023, ghi nhận trung bình mỗi năm có 100 vụ NĐTP với 2.181 người mắc, 23 ca tử vong. Năm 2023, cả nước có 40 vụ NĐTP với 706 người mắc, 11 ca tử vong. Trong đó, có 7 vụ có số người mắc trên 30 người.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ NĐTP, với 2.138 người mắc (tăng 1.432 ca, chiếm 202,8% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ). Tình hình NĐTP trong các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất có 3 vụ với 518 người mắc (tăng 457 ca so với cùng kỳ), không có ca tử vong. Tình hình NĐTP tại bếp ăn các trường học xảy ra 2 vụ với 56 người mắc (giảm 115 ca so với cùng kỳ), không có ca tử vong.

Trong 36 vụ NĐTP, có 2 vụ tìm ra nguyên nhân do hóa chất, 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định nguyên nhân. Đặc biệt, có 11 vụ NĐTP liên quan đến vi sinh vật làm 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, chiếm 30,6% tổng số vụ nhưng chiếm tới 58% tổng số mắc. 

Tại Lâm Đồng trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ NĐTP với 212 người mắc, không có người tử vong. Tỷ lệ mắc NĐTP cấp tính/100.000 dân trong các vụ ngộ độc được ghi nhận là 15,8 giảm so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra về ATTP tại 11.645 cơ sở, phát hiện 1.171 cơ sở vi phạm, xử phạt 303 cơ sở hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công an tỉnh (Cảnh sát kinh tế) kiểm tra xử lý 83 vụ việc vi phạm hành chính về ATTP đối với 78 cá nhân, 5 tổ chức với tổng số tiền gần 562 triệu đồng, tiến hành tiêu hủy 3.988 kg hàng hóa là thực phẩm. Cục Quản lý thị trường kiểm tra 367 vụ, phát hiện 311 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng và buộc tiêu hủy 403 kg thực phẩm đông lạnh. Tổng số tiền xử phạt hơn 3,7 tỷ đồng vi phạm pháp luật về ATTP.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca NĐTP. Ngành Y tế đã thành lập 220 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tiến hành kiểm tra, hậu kiểm 7.912 cơ sở, phát hiện số cơ sở vi phạm là 653 cơ sở, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 86 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 285 triệu đồng.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (từ 15/4 đến 15/5), trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thành lập 161 đoàn kiểm tra từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã thanh tra, kiểm tra 3.580 cơ sở. Qua đó, phát hiện 302 cơ sở vi phạm, xử lý 78 cơ sở với số tiền phạt 304 triệu đồng.

UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các dịp lễ, tết. Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, tổ chức các lớp tập huấn về ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của những người làm công tác quản lý về ATTP, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. 

Hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP được các sở, ngành thực hiện thường xuyên, lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát theo quy định. Trong năm 2023, ngành Y tế lấy 261 mẫu sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm để kiểm nghiệm, kết quả có 20/261 (7,7%) mẫu không đạt, tiến hành kiểm tra nhanh 149 mẫu thực phẩm có mối nguy ô nhiễm cao, kết quả các mẫu kiểm tra nhanh đều đạt. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu giám sát lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản với 950 mẫu sản phẩm. Kết quả, mẫu có nguồn gốc thực vật không đạt là 8/849 mẫu (0,94%), mẫu nguồn gốc động vật không đạt 17/71 mẫu (23,9%), mẫu thủy sản không đạt 3/30 mẫu (10%). Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát về an toàn đối với 10 mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trường (chả cá, chả chiên, chả lụa, thịt hộp, xúc xích, giò sống, cá hộp), kết quả 1 mẫu cá hộp dương tính với phẩm màu.

Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP; xây dựng, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả. Đến nay, Lâm Đồng có diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP đạt 7.566 ha với tổng sản lượng 473.940 tấn/năm. Diện tích sản xuất hữu cơ đạt 1.415 ha. Toàn tỉnh hiện có 234 chuỗi liên kết (tăng 21 chuỗi so với năm 2022) với 31.092 hộ liên kết (28.159 hộ trồng trọt và 2.933 hộ chăn nuôi). Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha với sản lượng 589.261 tấn. Trong chăn nuôi đạt 1.054.715 con với sản lượng đạt 163.780 tấn. Toàn tỉnh đã được cấp 67 mã số vùng trồng với tổng diện tích 3.527,19 ha... Công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật và đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được triển khai theo quy định.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một số cơ sở thực phẩm, một bộ phận người dân chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ATTP hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng trong chọn lựa, sử dụng và phòng, chống NĐTP… Vì vậy, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn diễn ra; thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn còn lưu thông trên thị trường. 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, ngăn ngừa NĐTP theo quy định. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh ATTP là vấn đề đặc biệt quan trọng, tác động thường xuyên và trực tiếp đến sức khỏe của từng con người, gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, đối với hoạt động du lịch tại Đà Lạt với nhiều sự kiện thu hút nhiều du khách đến địa phương hàng năm. Việc đảm bảo ATTP cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiệm vụ trong thời gian tới tiếp tục đảm bảo ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, với mục tiêu hạn chế các vụ NĐTP, không để xảy ra trường hợp tử vong do NĐTP. Trong đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành UBND các huyện, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt, xác định ATTP là vấn đề quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Năm 2024, có nhiều hoạt động, sự kiện lớn được tổ chức trên địa bàn tỉnh, do đó các sở, ban, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác đảm bảo ATTP cho du khách và người dân địa phương, với mục tiêu không để tử vong do NĐTP.