Cát Tiên: Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững

HOÀNG SA 06:21, 25/06/2024

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cát Tiên luôn quan tâm chỉ đạo quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác dân tộc; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ngày càng có nhiều mô hình trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao
cho người dân xã vùng sâu Đồng Nai Thượng
Ngày càng có nhiều mô hình trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao cho người dân xã vùng sâu Đồng Nai Thượng

Cát Tiên nằm về phía Tây - Nam của tỉnh Lâm Đồng, là vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, nơi đây được chọn xây dựng thành một phần của Chiến khu D, là căn cứ địa của Khu ủy Khu 6 và Khu 10 (cũ) của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Cùng với các lực lượng của cấp trên, Nhân dân các dân tộc Cát Tiên đã trải qua một chặng đường dài đầy gian khổ để bảo vệ an toàn đường hành lang chiến lược Bắc - Nam với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Ông Bùi Văn Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên chia sẻ, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc đã chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước, cùng với ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn gian khổ, đã góp phần công sức của mình cho sự phát triển mọi mặt trên vùng đất mới. 

Đến nay, toàn huyện Cát Tiên có dân số là 10.272 hộ/ 35.970 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 2.291 hộ/8.959 khẩu, chiếm 24,9% dân số toàn huyện, bao gồm 20 dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống tập trung ở 29 thôn, buôn thuộc 8 xã, thị trấn; đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên gồm 2 dân tộc Mạ và S'tiêng sống tập trung ở 1 xã và 7 thôn/5 xã (Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Cát 2, thị trấn Phước Cát, thị trấn Cát Tiên). Huyện có 3 xã, 1 thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và có 8 thôn, tổ dân phố có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên 15% nằm ngoài xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số.

Với đặc điểm là huyện cách xa trung tâm hành chính tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền huyện cùng với sự chung tay, góp sức của toàn thể cán bộ, Nhân dân các dân tộc trong toàn huyện thông qua các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, huyện Cát Tiên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 và đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, có 3/7 xã đã được công nhận nông thôn mới nâng cao, có 2/7 xã đã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường, 1 xã đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số năm 2023, duy trì và nâng cao chất lượng 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạt được.

Mặt khác, triển khai thực hiện chủ trương về đầu tư tạo sinh kế bền vững phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2019-2024, huyện Cát Tiên tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm, dịch vụ công cộng… đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi; ưu tiên lồng ghép đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, huyện đã tập trung triển khai đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, nước hợp vệ sinh trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng mức đầu tư 52.557 triệu đồng/28 công trình. Đầu tư xây dựng cứng hóa 16 tuyến đường giao thông với kinh phí đầu tư 34.543 triệu đồng, nâng tỷ lệ đường giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cứng hóa lên 48,837 km/62,189km, đạt tỷ lệ 78,53%; 100% các thôn, buôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã được phủ sóng viễn thông, 100% xã có điện lưới. Công tác giảm nghèo bền vững được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua đó hộ nghèo giảm từ 7,06% (năm 2022, theo chuẩn nghèo mới) xuống còn 1,51%, hộ cận nghèo còn 1,84%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 2,94%, hộ cận nghèo còn 3,64%.

 Đặc biệt, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong thời gian qua được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực. Số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên là người dân tộc ngày càng tăng, tỷ lệ cán bộ dân tộc được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Đảng bộ huyện có 364 đảng viên dân tộc thiểu số, chiếm 17,22% tổng số đảng viên. Các đảng viên thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc vận động gia đình và quần chúng Nhân dân gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, giữ gìn sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Theo ông Bùi Văn Văn, trong thời gian tới, huyện Cát Tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo vệ môi trường, không gian sinh sống; chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển. Đồng thời, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc; củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.