Chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ngành tăng điểm 

VIẾT TRỌNG  06:17, 19/06/2024

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp sở, ngành trong năm 2023 đã có bước tăng điểm, dù tăng nhẹ, so với năm 2022 theo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa công bố gần đây. Trong đó chất lượng thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng các dịch vụ công của các đơn vị cũng tăng điểm.

Người dân chờ giải quyết công việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.Thương
Người dân chờ giải quyết công việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.Thương

TĂNG ĐIỂM CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ DÂN

Đánh giá chỉ số CCHC cấp sở, ngành của tỉnh được Lâm Đồng thực hiện hằng năm trong những năm gần đây tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban Quản lý các Khu công nghiệp; trong đó Ban Dân tộc và Thanh tra tỉnh có đánh giá nhưng không xếp hạng chung với các sở. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh cũng được đánh giá Chỉ số CCHC nhưng có bảng xếp hạng riêng (gồm Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Cao đẳng Đà Lạt, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung, Ban Quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm).

Tổng cộng có 18 sở, ban, ngành của tỉnh được đánh giá trong đợt này bao gồm điểm thẩm định trong 7 lĩnh vực với số điểm đạt được 70 trong thang điểm 100; điểm điều tra xã hội học 25/100 điểm. 

7 lĩnh vực được đánh giá có các mức điểm khác nhau, trong đó điểm cho "Công tác chỉ đạo điều hành về CCHC" 10 điểm; điểm cho lĩnh vực “Cải cách thể chế” 8,00 điểm; điểm cho “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)” 16,50 điểm; điểm cho “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” 8,00 điểm; điểm "Cải cách chế độ công vụ" 10 điểm; điểm "Cải cách tài chính công” 7,00 điểm và điểm cho "Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số" được 10,50 điểm.

Nhằm khuyến khích, trong thẩm định này còn có 5,00 điểm thưởng cho các đơn vị làm tốt nhiệm vụ, cùng đó có điểm trừ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chưa đạt.
 
Với điều tra xã hội học, toàn tỉnh có tổng cộng 16.060 phiếu khảo sát cho cả cấp sở, ngành và cấp huyện thành, trong đó cấp sở 4.325 phiếu và cấp huyện thành 11.105 phiếu. Trong số phiếu điều tra cấp sở, có 50 phiếu gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh; 208 phiếu gửi đến lãnh đạo cấp sở, cấp phòng chuyên môn và tương đương thuộc sở; có 432 phiếu gửi đến các lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đánh giá cho sở chủ quản và số phiếu phần lớn nhất còn lại, 3.635 phiếu được gửi đến các cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết TTHC tại các sở, ban, ngành. Phần đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc sở, ban, ngành và của các huyện, thành phố chỉ được 5 điểm; đánh giá của người dân, tổ chức thực hiện giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị được đánh giá 20 điểm.

Sau khi kết thúc đánh giá, theo công bố của UBND tỉnh, Sở Tài chính Lâm Đồng vẫn tiếp tục dẫn đầu Chỉ số CCHC khối 16 đơn vị, sở, ban, ngành của tỉnh trong năm 2023 với tổng số điểm đạt được 93,17 điểm, trong đó điểm thẩm định đạt 70,50 và điểm điều tra xã hội học đạt 22,67. Năm ngoái, Sở Tài chính cũng dẫn đầu chỉ số CCHC của khối sở, ban, ngành của tỉnh năm 2022 với tổng số điểm 92,49. 

Lần lượt các sở, ngành xếp từ thứ 2 đến thứ 15 trong chỉ số CCHC năm 2023 là Sở Thông tin và Truyền thông (93,15 điểm đứng 2), Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (91,54 điểm đứng 3), Sở Nội vụ (91,37 điểm, đứng 4), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (90,99 điểm, đứng 5), Sở Giáo dục và Đào tạo (89,87 điểm, đứng 6), Sở Xây dựng (89,80 điểm, đứng 7), Sở Khoa học và Công nghệ (89,49 điểm, đứng 8), Sở Công thương (88,50 điểm, đứng 9), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (88,21 điểm, đứng10), Sở Giao thông Vận tải (87,04 điểm, đứng 11), Sở Kế hoạch và Đầu tư (86,77 điểm, đứng 12), Sở Tư pháp (85,97 điểm, đứng 13), Ban Quản lý các Khu công nghiệp (85,76 điểm, đứng 14), Sở Y tế (85,65 điểm, đứng 15). Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC 2023 ở vị trí 16 là Sở Tài nguyên và Môi trường với 85,59 điểm. 

Riêng Thanh tra tỉnh và Ban Dân tộc được xếp hạng thành bảng riêng, trong đó Chỉ số CCHC năm 2023 của Ban Dân tộc đạt 87,29 điểm và Thanh tra tỉnh đạt 85,52 điểm.

Điểm đáng nói, Chỉ số điểm trung bình CCHC năm 2023 của khối sở, ban, ngành của tỉnh là 88,93, tăng hơn năm trước, trong đó điểm trung bình tự chấm qua thẩm định là 66,88 và điểm trung bình điều tra xã hội học là 22,05. Trong năm 2022, Chỉ số CCHC trung bình khối sở, ban, ngành của tỉnh đạt 88,27 điểm.

Cùng đó, căn cứ vào kết quả điều tra xã hội học về dịch vụ hành chính công tại 18 sở, ban, ngành của tỉnh cho thấy chất lượng thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng các dịch vụ công của năm 2023 đều tăng lên so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2023, đạt 88,18 điểm, tăng 2,24 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 85,94 điểm), trong đó Sở Nội vụ có chỉ số cao nhất đạt 94,72; Sở Kế hoạch và Đầu tư có chỉ số thấp nhất đạt 80,68.

Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tại Đà Lạt
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tại Đà Lạt

CẢI THIỆN DẦN CÁC CHỈ TIÊU, TIÊU CHÍ QUA CÁC NĂM

Như đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc thẩm định điểm tự đánh giá của tỉnh được thực hiện chặt chẽ, khách quan theo đúng tài liệu kiểm chứng do đơn vị cung cấp, kết hợp với hồ sơ quản lý và quá trình kiểm tra, theo dõi thực hiện của các sở chủ trì. Kết quả điểm tự chấm qua thẩm định tương đối phù hợp với tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị. 

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp công lập như tỉnh nhận xét, khá tương đồng với kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh đã được Bộ Nội vụ công bố; các chỉ tiêu, tiêu chí được cải thiện dần qua các năm trên cơ sở theo dõi, đánh giá Chỉ số CCHC, trong đó, mức độ đánh giá về chất lượng thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng các dịch vụ công tăng lên cùng với sự tăng nhẹ trong Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Việc đánh giá Chỉ số CCHC trong năm nay cũng là điểm đổi mới, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cung cấp tài liệu kiểm chứng và thẩm định tài liệu, kết quả minh chứng của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trên cơ sở này, các thành viên Tổ thẩm định đã trực tiếp đánh giá, thẩm định trên máy tính; các cơ quan, đơn vị, địa phương không cần phải in ấn quá nhiều giấy tờ.

Tuy nhiên, như UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc triển khai nhiệm vụ CCHC ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa đều nhịp, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp công lập với việc ban hành kế hoạch, thực hiện chế độ báo cáo chưa đầy đủ, chưa đúng thời gian quy định.

Trong đánh giá, việc triển khai thực hiện tự đánh giá của một số cơ quan, đơn vị cũng chưa đáp ứng yêu cầu, tự đánh giá không có cơ sở, thiếu tài liệu kiểm chứng, khi cần chưa có tài liệu bổ sung theo yêu cầu.

Một số hạn chế cũng được UBND tỉnh chỉ ra để khắc phục trong thời gian đến, đó là việc số hóa hồ sơ giải quyết TTHC, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình còn chưa đảm bảo yêu cầu đề ra; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa thật sự nghiêm túc; nhiều cơ quan, đơn vị còn CBCCVC vi phạm phải xử lý kỷ luật; tỷ lệ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn chưa đảm bảo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra; nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở một số đơn vị còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa chú trọng dẫn đến không có điểm.