Di Linh: Xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VIỆT QUỲNH 06:33, 28/06/2024

Với 42% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Di Linh luôn chú trọng công tác xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, trọng tâm là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xóa bỏ các phong tục, hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào DTTS tại Di Linh được thực hiện gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào DTTS tại Di Linh được thực hiện gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Di Linh có 28 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong suốt quá trình sinh sống, lao động và sản xuất, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hoá truyền thống riêng, độc đáo, phản ánh chân thực đời sống văn hoá của dân tộc mình qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp, nhiều phong tục tập quán đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã luôn quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa, con người trong vùng đồng bào DTTS. 

Đặc biệt, cuối năm 2021, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Di Linh đã ban hành Kế hoạch thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bên cạnh đó, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý lễ hội, công tác quản lý, xây dựng thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. 19/19 xã, thị trấn đều có kế hoạch triển khai đến các thôn, tổ dân phố và Nhân dân trong từng địa bàn để thực hiện, đã mang lại những kết quả nhất định.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh và các trang mạng xã hội; thực hiện dưới các hình thức tổ chức hội nghị tập huấn, các cuộc họp thôn, xóm, các hội, đoàn thể; cổ động trực quan bằng pa-nô, áp phích... Các xã, thị trấn in ấn và cấp phát bản cam kết cho 39.536 hộ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh, các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân, góp phần hình thành và nhân rộng nếp sống văn minh.

Toàn huyện có 19/19 xã, thị trấn đã tổ chức Lễ phát động toàn dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn và có 19 mô hình điểm. Các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình, đến nay đã ra mắt 54 mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhằm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu tại địa bàn các thôn, tổ dân phố. 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau thời gian triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, người dân đã có sự chuyển biến về hành vi cũng như trong nhận thức, cụ thể là việc tổ chức đám cưới, các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu… đều thực hiện gọn nhẹ, không rườm rà, hầu hết các hoạt động trên đều tổ chức trong một ngày. Đặc biệt, trong việc tang được hạn chế, đẩy lùi, nhưng vẫn đảm bảo chu đáo trên tinh thần: trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, đoàn kết cộng đồng, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. 

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong vùng đồng bào DTTS được nâng lên. Tục thách cưới cao, tảo hôn,... từng bước được xóa bỏ. Các lễ hội được cộng đồng dân cư, các hộ gia đình tổ chức văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc, ông Đăng Bi Brol (sinh năm 1960) là người tiên phong, đi đầu trong việc vận động bà con Nhân dân xóa bỏ tục thách cưới cao, tảo hôn. Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, trong những cuộc họp thôn hay nhóm tiệc, ông tuyên truyền cho bà con hiểu được tác hại của những hủ tục lạc hậu. Ông cũng làm gương khi tổ chức đám cưới cho 4 người con trai đều đảm bảo tiết kiệm, an toàn, thách cưới không cao, phù hợp với điều kiện của cả hai bên gia đình. “Việc vận động rất khó, nhưng tôi luôn tâm niệm mưa dầm thấm lâu, mình làm gương, bà con nhìn vào sẽ hiểu, thấy được điều tích cực, từ đó làm theo”. Đến nay, tục tảo hôn, thách cưới ở thôn Duệ và xã Đinh Lạc đã giảm đáng kể.

Theo thống kê, từ năm 2022 đến tháng 5/2024, toàn huyện Di Linh có 4.554 đám cưới, 3.001 đám tang; trong đó có 4.102 đám cưới và 2.855 đám tang thực hiện nếp sống văn minh; có 8 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội cấp huyện và 4 lễ hội cấp cơ sở cơ bản đều tổ chức thực hiện theo nếp sống văn minh.

Những kết quả đạt được trong thực hiện nếp sống văn minh đã góp phần khơi dậy và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng, xây dựng môi trường văn hoá an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh cho biết, để đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, huyện Di Linh xác định tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục với các hình thức đa dạng, phong phú, đổi mới, sáng tạo, tạo tính bền vững, khơi dậy tính tự nguyện, tự giác của Nhân dân. Phát huy tính tiền phong gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên trong quá trình triển khai, vận động người thân, gia đình, Nhân dân cùng thực hiện. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về tổ chức việc cưới, việc tang, gây bức xúc trong dư luận. Chú trọng công tác nhân rộng các mô hình mẫu, điển hình tại các thôn nông thôn mới kiểu mẫu và các Khu dân cư kiểu mẫu, Khu dân cư tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS để làm cơ sở nhân rộng;...