Độc đáo tập tục “bắt chồng” của người Churu

QUỲNH UYỂN 06:18, 20/06/2024

Với nhiều dân tộc thì “Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng”, nhưng người Churu theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân, việc trai lớn “gả” vợ, gái lớn “bắt chồng” cũng có từ đó.

Mẹ cô dâu đeo nhẫn cho chàng trai chính thức bắt rể
Mẹ cô dâu đeo nhẫn cho chàng trai chính thức bắt rể

Khi cô gái Churu đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động tìm hiểu, yêu và nói với cậu (anh hoặc em trai của mẹ) cùng cha mẹ đến ngỏ ý. Nhà gái tập trung dòng tộc lại hội ý, chuẩn bị các loại lễ vật như nhẫn bạc, dây cườm, thổ cẩm, rượu cần, bánh nấu từ nếp và đậu cua, đậu đỏ, lươn khô, mắm cá đồng… đến nhà trai hỏi. Lễ hỏi diễn ra tại nhà trai vào ban đêm, bởi nhà gái giữ ý để khỏi bị điều tiếng với bên ngoài nếu đi hỏi (bắt chồng) không thành, bị từ chối.

Khi đến nhà trai, người mai mối (là người phụ nữ hoạt bát, nhanh nhẹn) thường hát những câu ẩn dụ có đại ý: “Gia đình có con trâu to nào còn sót, còn lẻ, chưa đeo ách, cho nhà mình thuê một con được không. Vụ lúa này nhà mình không có trâu cày, gia đình có đồng ý không?”. Nếu bị từ chối, bà mai lại hát tiếp: “Vụ mùa đến rồi, chắc gia đình sợ nhà mình không trả đủ công. Có đi làm thuê làm mướn nhà mình cũng trả đủ cho gia đình thôi”.

Gia đình nhà trai bước đầu cũng từ chối khéo để giữ giá cho con trai mình với những lời ví von cho rằng con mình còn non dại chưa đủ sức gánh vác, chăm lo cuộc sống gia đình, con cái, chưa thể làm rể được: “Trâu nhà vụng về lắm, ruộng nhà còn chưa cày được mà! Tuy tay dài mà không giỏi bắt cá…”. Người mai mối và gia đình nhà gái lại phải tiếp tục kiên nhẫn thuyết phục, lấy lòng nhà trai và mong nhà trai thuận tình: “Đừng chia lìa nồi đất với cơm niêu. Đừng chia lìa nồi đun với cháo”.

Cùng nhau múa hát cùng đôi vợ chồng trẻ trong tiếng cồng chiêng rộn ràng
Cùng nhau múa hát cùng đôi vợ chồng trẻ trong tiếng cồng chiêng rộn ràng

Hai bên sẽ đối đáp, giằng co, lẩn tránh qua lại; bà mối sẽ nói thẳng vào vấn đề: “Nhà gái thương, ưng ý thằng con trai thứ hai (hoặc thứ ba, tư...) của nhà này, gia đình nhà gái sẽ cố gắng trả đủ cho nhà trai”; mẹ cô gái cũng thể hiện quyết tâm: “Dù nhà trai không đồng ý, nhà gái vẫn tới hoài, có đi đến mười lần nhà gái vẫn cứ đến, khi nào được mới thôi”. Nhà gái cảm ơn sự tiếp đãi, ra về và chuẩn bị cho lần sau đến nhà chàng trai.

Khi đôi trai gái đã đồng ý, gia đình nhà trai cũng đồng ý gả con thì việc đám hỏi và thách cưới đều do nhà gái đứng ra lo liệu. Những lễ vật nhà trai thách cưới thường là trâu, chiêng, chóe, rượu cần và nhẫn bạc. Việc thách cưới cũng diễn ra ý nhị trong đám hỏi khi ông cậu nhà gái nói với bố nhà trai: “Tôi đi xin cái xà gạc cho cháu gái”. Bố chàng trai: “Cái xà gạc đó làm ra cũng hơn 20 năm rồi, cháu nhà ông cần thì cứ lấy về dùng. Nhưng mà công sức của tôi với bà nhà làm ra cũng tốn nhiều tiền của lắm, cho nên muốn lấy về thì phải trả cho gia đình cái gì đó tương xứng”. Ông cậu nhà gái: “Ông bà muốn thứ gì, nếu trong khả năng gia đình sẽ đồng ý”. Mẹ chàng trai: “Một con trâu đực to, 4 con gà, 1 chóe rượu cần to, và một bộ chiêng xưa, 10 tấm thổ cẩm, nhẫn bạc, vòng cườm” - “Gia đình cũng khó khăn nên xin ông bà bớt cho con trâu, bộ chiêng” - “Nếu không có trâu thì con heo cũng được, nếu chưa có thì gia đình tôi cho nợ khi nào có điều kiện thì trả”...

Nếu nhà trai thách cưới quá cao, thì nhà gái sẽ xin nợ và trả sau một vài năm, khi kinh tế gia đình đã ổn định. Thời gian “trả nợ” nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà gái. Có những trường hợp gia đình nghèo, không có điều kiện, thì có khi là 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau nhà gái mới trả được lễ vật thách cưới cho gia đình nhà trai.

Lễ cưới được định ngày và diễn ra sau đó, thường kéo dài trong một ngày một đêm tại nhà gái, do ông cậu lớn nhất trong gia đình nhà gái hoặc già làng đứng ra tổ chức. Lúc này nhà gái phải mang sính lễ tới nhà trai và đón rể. Lễ đón rể thường đi vào buổi tối để tránh điều tiếng với dân làng khi nhà trai nghĩ lại tiếp tục từ chối. Nhà trai mời nhà gái vào, tiếp khách bằng trầu cau, thuốc và nước trà, hai bên cùng trao đổi chuyện trò... Nhà trai sẽ gọi chàng trai ra, lúc này, đoàn nhà gái vừa thuyết phục chàng trai, vừa cố gắng đeo chiếc nhẫn (đem theo từ nhà) vào tay chàng trai. Sự việc sẽ khó khăn hơn nếu chàng trai từ chối, nắm chặt tay lại, chống đỡ. Một số đàn ông của nhà gái sẽ tập trung lại, người giữ, người đè, cố sức đeo chiếc nhẫn vào tay chàng trai.

Khi chiếc nhẫn đã được đeo vào tay chàng trai, chàng trai trở thành chàng rể, chính thức có “sợi dây” ràng buộc. Nếu không đồng ý, chàng trai tháo nhẫn ra trả lại nhà gái (gọi là cưa nhẫn), trường hợp này, nhà trai phải chuẩn bị của, đền cho nhà gái trâu, rượu, nương rẫy… theo yêu cầu. Nếu chấp nhận làm rể, thì cô gái đến gặp mặt.

Ông cậu xin phép lấy lễ vật dâng cho nhà trai, gồm: nhẫn bạc, cườm, chóe rượu, khăn; trao quà cho nhà trai từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất; bố mẹ, anh chị em, họ hàng, cậu, cô dì, chú bác của chú rể ai cũng có nhẫn, cườm, khăn.

Hai ông cậu trao cần rượu cho cháu bên mình là cô dâu, chàng rể, lấy rượu từ chóe vào bầu, rót vào bát mời 2 bên gia đình, họ cùng nhau ăn uống vui vẻ. Đoàn nhà gái ở lại để sáng hôm sau rước rể.

Sáng hôm sau, lễ cưới diễn ra tại nhà gái trong tiếng cồng chiêng, tiếng khèn bầu, cùng những điệu múa rộn ràng khi đoàn đón rể về đến nhà. Già làng lấy đầu gà, lưỡi gà để làm lễ theo luật tục; mẹ cô dâu đeo nhẫn bạc cho chú rể, mẹ chú rể đeo nhẫn bạc cho cô dâu.

Nghi thức trùm khăn cho cô dâu, chú rể diễn ra trang trọng trước sự chứng kiến của mọi người với ước mong đôi vợ chồng trẻ hòa thuận, trong ấm ngoài êm, gắn bó trọn đời. Cô dâu, chú rể ngồi đối diện nhau, mẹ cô dâu phủ tấm khăn choàng lên đầu hai con, họ chính thức thành vợ thành chồng; cô dâu, chú rể cùng ăn trầu và tập trung lắng nghe lời răn dạy, dặn dò của hai bên gia đình về đạo nghĩa vợ chồng, đùm bọc yêu thương, chung thủy sắt son, sinh con đẻ cái, vượt qua khó khăn, hoạn nạn, xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi con nên người.

Sau những lời dặn dò, tấm khăn choàng được mở ra, hai họ cùng nhau ăn uống, hát múa vũ điệu Arya cùng cồng chiêng mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đến khi trời tối.

Các nghi thức đám hỏi và lễ cưới đều được tiến hành nhanh gọn, thường ấn định sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, để không ảnh hưởng đến công việc lao động sản xuất.

Theo tục lệ của người Churu, người phụ nữ quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, họ cũng là người chủ động trong hôn nhân, các con sinh ra mang họ mẹ, con gái được kế thừa tài sản của gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của người chồng không vì thế mà bị xem nhẹ. 

Ông Ya Maroha Saky (sinh 1952, thôn Bê Can, Lạc Xuân, Đơn Dương) cho biết: Sau khi được bắt về, người đàn ông một đời sống trong gia đình phía vợ, song vẫn đóng vai trò quyết định trong những công việc hệ trọng trong gia đình chị, em gái bên gia đình mình như: phân chia tài sản, quyết định việc hôn nhân của các cháu, mua bán, chuyển nhượng ruộng đất và mọi tài sản khác.

Dù trai gái Churu hôm nay đã tự do tìm hiểu, yêu đương, hẹn hò như các dân tộc khác, lễ cưới diễn ra khi hai bên đã hẹn ước, đồng thuận; nhưng tục “bắt chồng” hiện vẫn còn được lưu giữ ở các làng Churu của huyện Đơn Dương, Đức Trọng làm nên nét đẹp, sự độc đáo, đa dạng văn hóa của vùng đất này. Việc thách cưới cũng dần bị loại bỏ, chỉ mang tính chất tượng trưng, để những người có tình luôn được sống bên nhau trọn đời, không bị cản trở bởi hủ tục “gả bán”.