Gìn giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc Thái

THÂN THU HIỀN - HƯƠNG LY 15:55, 24/06/2024

(LĐ online) - Tự hào khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc, những người con đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống tại thôn Tân Đức, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà vẫn ngày đêm cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp với mong muốn tiếp tục hun đúc lên ngọn lửa văn hóa trên vùng đất mới.

THANH ÂM TÍNH TẨU CÒN ĐÓ…

Ông Nguyễn Vũ Thân bên cây đàn Tính đã gắn bó hơn nửa đời người
Ông Nguyễn Vũ Thân bên cây đàn Tính đã gắn bó hơn nửa đời người

Trong không gian tĩnh lặng của ngôi nhà nhỏ, ông Nguyễn Vũ Thân (70 tuổi) vẫn ngồi tỉ mẫn lau chùi cây đàn Tính Tẩu đã gắn bó từ hàng chục năm qua. Là người đồng bào dân tộc Thái đến từ Lào Cai. Năm 1986, gia đình ông vào vùng đất Lâm Hà để làm kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trên miền đất mới, những lớp người lớn tuổi ở thôn Tân Đức tập hợp lại thành đội hình văn nghệ, khi có dịp là hát, đàn cho nhau nghe để vơi bớt đi nỗi nhớ quê nhà.

Nâng niu cây đàn Tính trên tay, ông Thân cất giọng lên với một bài hát Then của dân tộc Thái. Dù tuổi đã cao, nhưng giọng hát của ông vẫn còn trầm ấm và khoan thai, đi cùng là những ngón tay đánh đàn điêu luyện. Kết thúc bài, ông Thân say sưa kể về những tháng ngày bản thân tìm về cội nguồn qua từng điệu múa, lời hát.

Là người con sinh ra trên miền đất thấm đẫm văn hóa dân tộc Thái, ngay từ nhỏ, ông Thân đã được đắm mình trong những câu hát Then, đàn Tính của ông bà, cha mẹ. Chính vì lẽ đó, khi còn ở độ tuổi đôi mươi, ông bắt đầu theo chân những người đi trước để được cảm âm, học tập và biết cách chơi đàn.

Ông Thân bảo rằng, đàn Tính được dùng để đệm hát dân ca, múa xòe, hát giao duyên tỏ tình hay biểu diễn vào những dịp mừng Đảng, mừng Xuân, các sự kiện lớn của đất nước. Vào mỗi dịp như vậy, khắp nẻo thôn quê, những bước chân rộn rã mỗi lúc một đông kéo về nhà văn hóa, cùng tiếng nói, tiếng cười, hòa với tiếng đàn Tính Tẩu vang lên không ngớt. “Vào những giây phút ấy, tôi hay những cụ già ở thôn Tân Đức hiểu được rằng đánh đàn không chỉ đơn thuần là đam mê mà đó còn là tình yêu của người con dân tộc Thái đối với văn hóa dân tộc mình” - ông Thân chia sẻ.  

Cũng bởi tâm huyết trao truyền và nỗi trăn trở khi nghĩ về những giá trị văn hóa của người xưa để lại dần bị mai một, nhất là thế hệ trẻ ngày càng lãng quên, nên trong ngôi nhà của ông Thân cây đàn Tính cùng những thanh âm quen thuộc luôn được lưu giữ một cách trang trọng.

Ở độ tuổi 70, ông Thân được bà con trong thôn biết đến là người “thắp lửa” cho “mạch nguồn” văn hóa dân tộc Thái tiếp tục được gìn giữ và trao truyền trên vùng đất mới . “Yêu âm nhạc và mong muốn nhạc cụ dân tộc không bị thất truyền nên mỗi ngày tôi đều cố gắng trau dồi để khi có thể sẽ dìu dắt các cháu nhỏ trong thôn biết về hát Then, đàn Tính và được giao lưu văn hóa với các địa phương để truyền thống văn hóa của dân tộc được lưu giữ. Hiện, những người con, người cháu của tôi đang là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian dân tộc Thái của địa phương”, ông Thân tâm tình.

ĐỂ THẾ HỆ TRẺ SẼ CHẲNG BAO GIỜ QUÊN

	CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Thái nơi bà con đồng bào dân tộc Thái giữ niềm đam mê và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống
CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Thái góp phần khơi dậy niềm đam mê và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của người đi trước, vào những ngày nhàn rỗi, thế hệ trẻ ở thôn Tân Đức lại cùng nhau tụ họp, trao cho nhau những lời ca, tiếng hát, những điệu múa… Đó cũng là lí do cho sự ra đời của CLB văn hóa dân gian dân tộc Thái. CLB này được thành lập nằm trong kế hoạch Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện, CLB được duy trì với 33 thành viên đều là bà con đồng bào dân tộc Thái. Là người hướng dẫn trực tiếp các thành viên trong CLB, chị Nguyễn Thị Kim Thanh - thành viên CLB, đồng thời là con gái ruột của ông Thân chia sẻ: “Trong CLB có cả nam và nữ cùng tham gia. Ở đó, mọi người thống nhất sinh hoạt vào mỗi tối hằng ngày. Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi sẽ cùng nhau tập những điệu múa, điệu xòe hay nghe lại những bài hát đặc trưng của dân tộc mình. Đó cũng là cách để những người trẻ như chúng tôi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”.

Em Cà Nguyễn Uyên Trang được mẹ là chị Nguyễn Thị Kim Thanh truyền cảm hứng và trực tiếp truyền dạy những điệu múa xòe đặc sắc của dân tộc
Em Cà Nguyễn Uyên Trang được mẹ là chị Nguyễn Thị Kim Thanh truyền cảm hứng và trực tiếp truyền dạy những điệu múa xòe đặc sắc của dân tộc Thái

Chăm chút trong từng động tác, em Cà Nguyễn Uyên Trang - học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Văn càng thích thú hơn bởi người truyền cảm hứng và trực tiếp chỉ dạy những điệu múa xòe cho mình không ai khác ngoài mẹ ruột là chị Thanh.

Trang là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB, nhưng khi được tiếp xúc với các anh chị, cô chú dày dặn kinh nghiệm, em lại càng yêu và có ý thức hơn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ. “Ở CLB, em biết thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị hơn về văn hóa của dân tộc mình. Em cảm thấy rất hứng thú và mong đợi đến các ngày sinh hoạt. Từ những kiến thức tiếp thu được, em sẽ chia sẻ trên lớp để các bạn, thầy cô biết đến những nét đẹp của văn hóa đồng bào dân tộc Thái” - Trang tự hào nói.

Thôn Tân Đức được thành lập từ năm 1978, hiện thôn có 285 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm 1/3 dân số. Theo ông Mào Văn Mỹ - Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức: Để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vào các ngày lễ lớn của đất nước, dịp Tết…, thôn lại tập trung bà con tổ chức nhảy sạp, ném còn, múa dân ca dân vũ, thi trưng bày, nấu các món ăn dân tộc Thái và đặc biệt là biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc trưng. “Thông qua các hoạt động của CLB nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa để từ đó người dân có ý thức tìm lại cội nguồn. Đây cũng là cách để bà con trong vùng chung tay đưa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến gần hơn với thế hệ trẻ. Qua đó, các con, các cháu sẽ có ý thức trách nhiệm hơn trong việc lưu giữ, kế thừa và phát huy”, ông Mỹ cho hay.

Thanh âm trong trẻo của tiếng đàn Tính Tẩu, vừa tha thiết ngọt ngào như âm thanh của núi rừng, vừa gần gũi bình dị như sự giao thoa trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên. Và với những người con đồng bào dân tộc Thái ở thôn Tân Đức - âm thanh ấy sẽ là dòng sông, con suối cứ thế “chảy mãi” trong cuộc sống của những người con xa quê.