Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lâm Đồng năm 2022 đứng thứ 17 nhưng đến nay đã nằm ngoài tốp 30 các tỉnh, thành có chỉ số cao nhất. Đây là điều lãnh đạo tỉnh rất trăn trở, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương đánh giá thực chất, khách quan từng chỉ số cũng như có giải pháp khắc phục trong 6 tháng còn lại năm 2024.
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, năm 2022, chỉ số PCI của Lâm Đồng đạt 67,62 điểm, tăng 0,45 điểm và xếp 17/63 tỉnh, thành toàn quốc, giảm 2 bậc so với năm 2021, đồng thời dẫn đầu 5 tỉnh Tây Nguyên trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, tháng 5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố chỉ số PCI năm 2023 thì Lâm Đồng không có tên trong danh sách Top 30 của Bảng xếp hạng PCI 2023. Và từ vị trí tốp đầu về chỉ số PCI 5 tỉnh Tây Nguyên nhiều năm qua thì hiện tại đang đứng cuối cùng.
Về điểm số của 10 chỉ số thành phần được công bố, Lâm Đồng chỉ có duy nhất chỉ số Gia nhập thị trường có điểm số cao hơn trung vị (7,85/7,32) và chỉ số Cạnh tranh bình đẳng có điểm số bằng trung vị (5,76); 8 chỉ số thành phần còn lại đều thấp hơn trung vị. Nhiều chỉ số thành phần của PCI giảm điểm, thứ hạng so với năm 2022 như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động...
Đơn cử như ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, năm 2023 có 2 chỉ số quan trọng bị giảm điểm là chỉ số tiếp cận đất đai (giảm 1,41 điểm xuống còn 6,43 điểm) và chỉ số chi phí không chính thức (CPKCT) đều giảm mạnh (giảm 1,11 xuống còn 6,52 điểm).
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh |
Cụ thể, chỉ số tiếp cận đất đai có 53% tỷ lệ doanh nghiệp (DN) cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; 48% tỉ lệ DN phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính đất đai không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; 38% tỉ lệ DN phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian; 71% tỷ lệ DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai. Về chỉ số CPKCT có 37% tỷ lệ DN có chi trả CPKCT; 39% tỷ lệ DN cho biết công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả CPKCT; 70% tỷ lệ DN phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến; 20% tỷ lệ DN chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra...
Đối với Sở Giao thông Vận tải, trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì năm 2023 tỉnh Lâm Đồng chỉ có 1 chỉ số tăng điểm là chi phí gia nhập thị trường thấp; 5 chỉ số chưa được cải thiện (tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động); 4 chỉ số giảm điểm. Còn đối với Sở Công thương, tỷ lệ DN biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đạt 14%, giảm 5%; tỷ lệ đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTA là thuận lợi đạt 36%, giảm 31%. Tương tự, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều ít nhiều các chỉ số thành phần của PCI đều bị giảm điểm, thứ hạng so với năm 2022 vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan.
Tại buổi gặp mặt giữa đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học với các đồng chí cấp Phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; trưởng phòng và tương đương của các cơ quan cấp tỉnh với chủ đề trao đổi “Phải làm gì để có cán bộ tốt cho tỉnh Lâm Đồng phát triển?” ngày 31/5, lãnh đạo tỉnh rất trăn trở trước tình trạng chỉ số PCI của địa phương có thể nói đã “rơi tự do”, từ vị trí thứ 17 năm 2022 xuống vị trí thứ 56/63 tỉnh, thành.
Đây là vấn đề đáng báo động. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải nhìn nhận vấn đề sâu sắc để nhanh chóng có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy khẳng định hiện nay có nhiều cách giải quyết nhưng trước mắt phải bắt đầu từ công tác cán bộ. "Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của tỉnh là kiện toàn và củng cố đội ngũ cán bộ. Phải chọn được đúng người và giao đúng việc, kịp thời thay thế cán bộ trì trệ không chịu làm bằng cán bộ năng nổ, trách nhiệm. Khuyến khích và bảo vệ được cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm", đồng chí Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp mặt nêu trên, trong nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI mà các sở, ngành nêu ra liên quan đến ngành mình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên cơ sở tồn tại, hạn chế khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá lại nội dung các chỉ số thành phần thuộc nhiệm vụ của ngành, cơ quan, địa phương mình, bao gồm cả việc đánh giá các nội dung mang tính định tính, đánh giá rõ mức độ, kết quả bằng điểm số cụ thể đối với từng chỉ số; qua đó, xác định và đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện khắc phục từ nay đến cuối năm, đảm bảo việc cải thiện và nâng cao điểm số những tháng còn lại năm 2024.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin