Khuyến nông với Nghị quyết 21

VĂN VIỆT 06:15, 17/06/2024

Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, đến nay, chương trình khuyến nông trên địa bàn đã ghi nhận những kết quả tích cực. 

Mục tiêu khuyến nông toàn tỉnh đến năm 2030 tiếp tục chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh và công nghệ chế biến để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường
Mục tiêu khuyến nông toàn tỉnh đến năm 2030 tiếp tục chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh và công nghệ chế biến để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường

TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, từ đầu năm 2024 đến nay, trong công tác thông tin tuyên truyền về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại theo Nghị quyết 21 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trung tâm duy trì hoạt động của trang website thông tin sản xuất nông nghiệp, thị trường, giá cả vật tư, xuất bản 2.000 cuốn Bản tin Khuyến nông, từ đó giúp nông dân sản xuất phù hợp ở từng thời điểm trong năm. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp giữa nhà quản lý, chuyên môn và doanh nghiệp với 400 nông dân, khuyến nông cơ sở về tình hình sâu bệnh, dịch hại, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến tiết kiệm nước, bón phân tự động trong sản xuất cây ăn quả, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, canh tác hữu cơ, các giải pháp sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, không gây mất rừng, chăn nuôi gà sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi bò sữa hữu cơ và xử lý chất thải...

 Ngoài thông tin tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông tổ chức các chuyến khảo sát học tập trong và ngoài tỉnh cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, khuyến nông viên cơ sở và nông dân tiên tiến, qua đó áp dụng xây dựng mô hình trình diễn tại địa phương cho nông dân tham quan học tập. 

“Tính chung giai đoạn năm 2021 - 2023, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã đăng tải trên 2.000 tin, bài viết lên trang website khuyennong.lamdong.gov.vn, số truy cập 60.000 - 80.000 lượt người/tháng, tăng hơn 20% so với năm 2020 trở về trước. Trang website tập trung đăng tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, giới thiệu giống mới, mô hình hay. Bản tin Khuyến nông bám sát định hướng của tỉnh về chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, cập nhật thông tin thị trường nông sản, phát triển rừng bền vững...”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết thêm. 

XÂY DỰNG 27 MÔ HÌNH KHUYẾN NÔNG

Cũng trong giai đoạn năm 2021-2023, gắn với công tác tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng 27 mô hình khuyến nông với 88 hộ, 3 hợp tác xã tham gia, diện tích canh tác hơn 57,4 ha, 20 con bò thịt. Tiêu biểu 3 mô hình đạt kết quả về áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong sản xuất hoa cát tường cánh đơn trong nhà lưới tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương với quy mô 2.000 m2/2 hộ; ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý đất trồng, hạn chế sâu bệnh hại trong đất thâm canh hoa cúc đóa tại xã Mê Linh và thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, diện tích 1 ha/2 hộ; chuyển đổi số trong quản lý, giám sát sản xuất trong hợp tác xã nông nghiệp tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh

Với cây rau an toàn gắn sản xuất, chế biến và thị trường, thực hiện 2 mô hình công nghệ IoT quản lý dinh dưỡng cây dưa lưới tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, quy mô 1.000 m2/1 hộ; sản xuất rau ngoài trời tại xã Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương với quy mô 2 hộ sản xuất 1 ha; thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ từ năm thứ tư trở đi và liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 2 ha/2 hộ tại xã Đam Bri, TP Bảo Lộc và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm; 5 mô hình trồng thâm canh và xen canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh phục vụ chế biến và xuất khẩu gồm: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tác động bơ ra trái vụ tại huyện Bảo Lâm với quy mô 2 ha/2 hộ; trồng cây dứa MD2 xen canh trong vườn điều kém hiệu quả tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông với 7 ha/7 hộ; trồng và thâm canh cây chanh không hạt theo chuỗi liên kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, quy mô 3,5 ha/9 hộ; trồng xen cây hồng không hạt FuJi trên đất cà phê kém hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạ K'nàng, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông với diện tích 2ha/3 hộ; thâm canh và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Liêng S'rônh và xã Rô Men, huyện Đam Rông với 2 ha/2 hộ...

Từ những kết quả đạt được giai đoạn năm 2021-2023, mục tiêu khuyến nông toàn tỉnh đến năm 2030, tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh và công nghệ chế biến để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. 

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động trong liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, đặc biệt đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; tâp trung sản xuất theo hướng an toàn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 21 ngày 27/12/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng.