Tư duy là sản phẩm của con người. Chỉ có con người với bộ não phát triển hoàn chỉnh và thông qua lao động mới tạo nên tư duy. Nhà báo, trước hết là con người như bất cứ đồng loại nào khác. Vì vậy, chúng ta cũng như tất cả những người hoạt động thuộc các lĩnh vực khác, đều có quá trình hình thành và phát triển tư duy theo những quy luật chung, những quy luật đặc thù của cơ chế tâm lý đặc biệt này. Nói tóm lại, tư duy chỉ có thể xuất hiện trong não bộ của mỗi chúng ta bằng con đường rèn luyện, học tập, bằng quá trình tích lũy học vấn nhằm bổ khuyết cho sự thiếu hụt và trau dồi kinh nghiệm sống cá nhân…
Các phóng viên tác nghiệp trên đảo Nam Yết anh hùng. Ảnh: K.P |
Nói đến tư duy của nhà báo hiện đại trước hết xin đề cập đến tư duy chính trị. Báo chí là một nghề và làm báo thực chất là làm chính trị. Trên thế giới rộng lớn này, không có nhà báo nào dù sống trong thể chế chính trị nào, thuộc hệ tư tưởng nào và đang hành nghề tại quốc gia nào lại có thể tuyên bố rằng sự hoạt động nghề nghiệp của mình vượt ra khỏi phạm vi của chính trị. Nguyên thuỷ của báo chí là tiếng nói đại diện cho quyền lợi của một giai cấp, một tầng lớp xã hội hay một thế lực, một đảng phái nào đó. Đại diện cho số đông hay một nhóm người; phản ánh về lẽ phải và sự công bằng hay sự ngụy tín, dối trá thì báo chí cũng chỉ thuộc về “một ai đó”.
Nói lại điều này để thấy rằng, báo chí là công cụ để thực hiện những mục đích chính trị, và vì vậy, nhà báo chỉ thuộc về và đấu tranh cho một hệ tư tưởng nhất định chứ không thể hoạt động trong một cơ chế tự do “phi chính trị” và không lý tưởng. Theo nhà báo người Pháp Philippe Gaillard, “Từ khi khởi nguồn báo chí, mỗi phương tiện truyền thông đã biết khá rõ là mình chỉ phục vụ cho một công chúng riêng”- đó là một luận điểm đúng. Báo chí phương Tây luôn cho rằng họ hoạt động độc lập trong môi trường hành nghề tự do tuyệt đối; thực chất, đó chỉ là một cách nói, vì chúng ta thừa hiểu những mục đích chính trị ngấm sâu trong cách đưa đẩy thông tin của họ. Cũng ở phương Tây, báo chí đã thể hiện rất rõ sự đồng hành với các tổ chức và đảng phái chính trị. Sự đồng hành này đã có lúc đưa báo chí ở thế giới tư bản đi ngược lại với nguyện vọng của đông đảo dân chúng hay nhân loại mà chỉ phục vụ cho mục đích và quyền lợi của một nhóm người, hay một thế lực nào đó. Những “khủng hoảng truyền thông” liên tục xảy ra của các hãng thông tấn, truyền hình và các tờ báo lớn ở Anh, ở Mỹ là những ví dụ rõ nét. Cũng như vậy, những quan điểm bình luận khác nhau về một sự thật trong báo chí phương Tây cũng là một minh chứng cho điều mà chúng tôi vừa nói…
Còn đối với chúng ta, những nhà báo đang hành nghề trong thời hiện đại và tự thừa nhận là mình đang hoạt động chính trị bằng nghề nghiệp của những nhà báo cách mạng. Báo chí Việt Nam là công cụ của Đảng, phục vụ cho lợi ích của những người lao động, cho dân tộc và đất nước. Hành trang tư duy chính trị chúng ta cần là gì? Điều cần thiết đầu tiên, theo chúng tôi, đó là một nền tảng tri thức hay nói cách khác là sự hiểu biết sâu sắc về chính trị. Dĩ nhiên không phải là cách hiểu máy móc, thông tục về khái niệm này. Chính trị là một khoa học. Muốn tạo nên cho mình một hệ thống tư duy chính trị thì phải thông qua con đường học tập và tích luỹ kiến thức về lĩnh vực này. Chúng ta vẫn thường nói là rất kiên định lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng, nhưng nếu không nhận thức đầy đủ về khoa học chính trị thì làm sao có thể “kiên định” hay “vững vàng”? Cũng như thế, sắc thái chính trị trong mỗi tác phẩm báo chí được thể hiện như thế nào hay chỉ là những ngôn từ áp đặt, khô khan và sáo rỗng, vượt ra khỏi phạm vi của quy luật phát triển thông tin?
Theo chúng tôi, có quá trình nhận thức chính trị mới có lập trường chính trị. Có lập trường chính trị hay nói cách khác là lý tưởng hành nghề, mới thể hiện rõ nét sắc thái của nó trong mỗi tác phẩm báo chí. Khi có hành trang đầy đủ về điều đó thì mỗi nhà báo mới có thể nhạy cảm nắm bắt được những vấn đề mới phát sinh, nhạy cảm trong việc phát hiện đề tài, xử lý đề tài và cao hơn, đó chính là biết được nên thông tin như thế nào để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương…
* * *
Khi đã có đầy đủ một hành trang tư duy chính trị, thì nhà báo hiện đại với tư cách là những người đang hành nghề - một nghề nghiệp đặc biệt, phải trang bị cho mình một hệ thống tư duy nghề nghiệp. Tư duy nghề nghiệp hay còn gọi là tư duy nghiệp vụ với sự đòi hỏi của thời đại ngày nay là một cuộc cách mạng thực sự đối với chúng ta. Cuộc cách mạng ấy không loại trừ một người làm báo nào, một cơ quan báo chí và loại hình báo chí nào. Tư duy hiện đại là yêu cầu cấp thiết của mỗi cơ quan báo chí. Nó không chỉ là một khẩu hiệu, mà hiện đại là yếu tố quyết định sự sống còn. Mỗi cơ quan báo chí lựa chọn cho mình một hướng đi, nhưng hướng đi nào cũng hướng tới một môi trường cạnh tranh khi xã hội đã thừa nhận thông tin là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt và khi ngân sách nhà nước đang tiến tới cắt giảm sự bao cấp. Đối với mỗi nhà báo, đổi mới mình để hiện đại trong tư duy nghề nghiệp là một yêu cầu tự thân, một yêu cầu không thể khác được.
Càng ngày, người dân càng quan tâm đến báo chí, họ tin và có thể không tin vào những thông tin do báo chí mang lại. Trong đó, công chúng có học thức ngày càng đông hơn, họ xem truyền hình, nghe đài, đọc báo nhiều hơn nhưng lại khó tính hơn đối với báo chí. Họ đòi hỏi các phương tiện truyền thông những chỉ dẫn hữu ích cho mục đích của mình và vì vậy, để thoả mãn những yêu cầu mới của công chúng rất cần những nhà báo chuyên sâu. Đó là một tín hiệu tốt đối với nghề nghiệp của chúng ta, nhưng đồng thời, cũng là một thách thức to lớn đối với những người làm báo và các cơ quan báo chí. Nếu không đổi mới tư duy làm báo thì vô hình chung, báo chí và nhà báo tự mình xa rời đối tượng của mình.
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, tư duy của con người hình thành thông qua lao động và sự phát triển hoàn thiện của não bộ. Khi bước chân vào nghề, mỗi chúng ta được trang bị một vốn kiến thức cơ bản từ nhà trường, một bầu nhiệt huyết và đam mê. Với chút vốn kiến thức ít ỏi và sự hiểu biết còn hời hợt về nghề nghiệp, chúng ta như những con cá chưa đủ vây đang bơi vào một đại dương bao la của những điều chưa biết, những điều sẽ không bao giờ biết nếu không tự bổ khuyết. Càng ngày, khi đã hiểu rõ hơn sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của mình thì càng thấy vô cùng khó khăn khi tác nghiệp. Có lúc, tự thấy xấu hổ khi bản thân mang danh là nhà báo chuyên nghiệp mà chưa đủ sự hiểu biết và tự tin khi phải đứng trước những đề tài hóc búa. Đó là cảm nhận riêng của cá nhân chúng tôi, và có thể cũng là thực tế chung của nhiều người làm báo khác. Các đồng nghiệp của chúng ta thường nói đùa với nhau: “Nhà báo là người cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì cả”. Là một câu nói đùa nhưng lại phản ánh rất đúng bản chất của vấn đề.
Không thể có thông tin nếu không có nhà báo. Hơn nữa, nhà báo với “quyền năng” của mình, là người nắm vững các kỹ thuật, làm chủ các sự kiện và các quy chế nghề nghiệp - đó là một mô hình lý tưởng đối với người làm nghề. Một nhà báo người Mỹ từng đoạt giải Pulitze đã viết: “Người ta đòi hỏi nhà báo một công việc giống công việc của một sử gia. Điều đó muốn nói lên tầm quan trọng của văn hóa, của hiểu biết thời sự, của óc phê phán cũng như sự khéo léo sử dụng các phương tiện được sử dụng để tự mình theo dõi một cách đầy đủ, để thông tin có hiệu quả nhất, tạo cho nó ý nghĩa và tầm quan trọng”. Ông Laurens Raymond, cựu chủ bút tờ Le Monde (Pháp) cũng nói: “Thông tin chính xác, tôn trọng sự việc, văn bản và con số, diễn đạt rõ ràng, hành động nhanh chóng, như vậy là sẵn sàng làm nghề này.” Những đúc kết của các nhà báo lớn đã nói khá rõ những yêu cầu đối với nghề nghiệp. Điều chúng ta nắm bắt được ở đó là việc đánh giá ý nghĩa của một sự kiện, một vấn đề đòi hỏi nhà báo phải có một vốn văn hóa cần thiết và hiểu biết thực sự về lĩnh vực mà mình quan tâm. Đối với từng dạng sự kiện, chúng ta luôn đứng về vị trí công chúng để xác định sự quan tâm của họ. Nói cách khác, nhà báo là một nhân chứng tích cực và lựa chọn. Tích cực ở chỗ, chúng ta đi tìm những yếu tố thông tin không tự nó đến và chọn lọc ở chỗ, biết cách phản ánh những thông tin mà công chúng trông đợi. Một nhà báo lớn đã khái quát trong những dòng ngắn mà chúng tôi hết sức tâm đắc và luôn ý thức nỗ lực hướng tới: “Cần phải tự mình đi đào than, phải mất nhiều giờ và nhiều giờ… Sự tuyệt vời là đồng nghĩa với đau khổ, với sự chăm chỉ và quyết tâm. Phần còn lại là nghị lực và tài năng”.
Những lời lan man trên của cá nhân chúng tôi không nói về điều gì khác ngoài tư duy của nhà báo hiện đại. Muốn có tư duy thì anh phải có một vốn kiến thức nghề nghiệp và kiến thức xã hội nhất định. Tư duy là một khái niệm cực kỳ trừu tượng mà cái cụ thể chính là tác phẩm báo chí mỗi người. Tác phẩm báo chí là sản phẩm từ tư duy của mỗi nhà báo. Ở trong đó chứa đựng vốn kiến thức của mỗi người, chứa đựng quá trình lao động và sáng tạo, chứa đựng những nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Sự quy định của những yếu tố đó sẽ mách bảo anh phải làm gì và làm như thế nào, là nhịp cầu đưa mỗi nhà báo đến với thành công bằng sản phẩm của mình…
* * *
Các loại hình báo chí chung quy lại đều giống nhau ở tính mục đích, khác chăng, đó là sự lựa chọn các phương tiện chuyển tải. Mỗi loại hình báo chí lại trang bị cho mình các phương tiện kỹ thuật khác nhau. Hiểu biết về các phương tiện kỹ thuật và công nghệ cũng là những đòi hỏi tự thân khi mỗi nhà báo đang tác nghiệp trong những loại hình báo chí khác nhau. Cuộc cách mạng của nghề báo có sự tác động hết sức to lớn của bước tiến như vũ bão các phương tiện truyền thông: telex và teletip, điện thoại có dây và không dây, máy fax và internet, cáp và mạng viễn thông vệ tinh, và giờ đây, trí tuệ nhân tạo là một lựa chọn mới. Trong loại hình báo in còn được chứng kiến sự phát triển không ngừng của thiết bị và công nghệ ngành in. Ai cũng biết sự thay đổi đó và đánh giá cao về nó. Nhưng theo chúng tôi, các phương tiện kỹ thuật là cực kỳ quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất tạo nên bộ mặt của báo chí và dựng nên chân dung của người làm báo hiện đại. Các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao chỉ đóng vai trò phụ trợ. Vấn đề là con người với tư cách là chủ thể của tư duy, chủ nhân của các phương tiện nên tìm cách khai thác, phát huy, sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Như đã nói ở trên, chỉ có con người mới có tư duy và tư duy của con người mới mang tính quyết định chứ không phải là các phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, việc đầu tư trang thiết bị hành nghề, việc sử dụng thông thạo các phương tiện phục vụ cho mục đích nghề nghiệp của nhà báo là vô cùng cần thiết. Khi làm chủ được các phương tiện kỹ thuật, chúng ta sẽ thực sự tự tin để thể hiện tư duy của mình cho sự ra đời các tác phẩm báo chí cụ thể…
Hành trang làm nghề của chúng ta nặng nhẹ ra sao, mỗi người hiểu rõ mình hơn ai hết. Nhưng điều cần nói là chúng ta có gì để dành cho công chúng của mình. Đó là điều mà cá nhân chúng tôi cũng như các bạn đồng nghiệp cùng nhau suy nghĩ. Các nhà báo với đặc thù nghề nghiệp của mình, luôn có một cái nhìn cởi mở trong mọi ứng xử và mọi hoạt động. Chúng ta không sợ dốt nhưng điều cơ bản là tự nhận thức về sự yếu kém của mình để không ngừng rèn luyện và học hỏi, để tìm hướng bổ khuyết, khắc phục. Đó có thể chỉ là lời tự dặn mình của cá nhân chúng tôi...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin