KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024):
Nghề báo - đi, trải nghiệm là niềm hạnh phúc

QUỲNH UYỂN 06:17, 21/06/2024

Từ Bảo Lâm, một người bạn thân thiết gọi điện giọng đầy nhiệt thành “Chị ơi, sắp tới 30 năm thành lập huyện, có rất nhiều sự kiện, chị muốn viết về đề tài gì cứ nói, em giúp chị thông tin, hình ảnh... Rồi có một số công trình, dự án các xã nữa, tha hồ cho chị viết”. Tôi như phản xạ tự nhiên “Chị thích đi hơn. Đi mới hạnh phúc. Được trải nghiệm, gặp gỡ. Đi để ta còn gặp nhau chứ”. 

Nghề báo - đi, trải nghiệm là hạnh phúc
Nghề báo - đi, trải nghiệm là hạnh phúc

Trân trọng những tấm lòng, những tình cảm, tin yêu mà bạn đọc, công chúng muốn chia sẻ với những nhọc nhằn của người làm báo; nhưng không thể ngồi một chỗ mô tả vũ điệu xoang của các thiếu nữ Mạ, K’Ho nhịp nhàng uyển chuyển, đôi tay của các chàng trai cô gái Churu uốn lượn theo từng bước chân say với vũ điệu Arya huyền thoại trong một lễ hội cồng chiêng mà ảnh đăng kèm thì tay chân nhân vật lại khuềnh khoàng, loằng ngằng, cứng kếu. Tôi càng không thể mô tả một mô hình khoa học công nghệ hiện đại được đưa về ứng dụng nhân rộng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà hình ảnh lại lọt vào cái cuốc, cái cày của thời quá vãng. Không thể đòi hỏi hình ảnh sắc nét, ý tưởng, nội dung, góc cạnh như mong muốn khi “nhà tài trợ” thiếu đồ nghề, hình ảnh chụp chỉ bằng điện thoại sẽ không thể chuyển tải đúng cái thần của khoảnh khắc muốn chụp.

Cái thời mà liên lạc với cơ sở chỉ có thể bằng điện thoại bàn với giá cước tính từng phút, từng giây đắt đỏ; hình ảnh chụp bằng máy cơ phải căn từng cú bấm trúng khoảnh khắc, rồi đến phòng lab cắt phim rửa hình, scan đăng báo; từ cơ sở muốn gửi nhanh tin bài về tòa soạn phải viết ra giấy cho sạch sẽ, ra bưu điện chuyển fax (photo từ xa)... đã quá xa rồi. Công nghệ số hiện đại hỗ trợ cho quy trình làm nghề rất nhiều. Từ cơ sở, thông tin có thể được cung cấp cho nhà báo qua zalo, email, facebook; hình ảnh thì ai cũng có điện thoại thông minh, cũng có thể bấm, thể chụp, gửi ngay đi. Nhưng công nghệ hiện đại đến mấy cũng không thể nói thay, làm thay cho xúc cảm của người cầm bút. Để có sản phẩm tin, bài chính xác, đầy đủ, chỉn chu, hình ảnh tốt thì nhà báo không thể giảm bớt những bước chân nhọc nhằn, phải luôn đi và đến. Nhiều sự kiện “xuân thu nhị kỳ” năm trước diễn ra, năm sau cũng tổ chức, tôi vẫn cứ đi, cứ chụp hình, cứ viết; dù sự kiện to nhỏ, lớn bé, phải chứng kiến, tham dự mới viết. Đi để tìm cảm xúc mới, tìm sự khác biệt, để tránh sự lặp lại, lối mòn.

Nghề báo là một công việc khó nhọc, không lúc nào ngừng suy nghĩ, đôi khi quá mỏi mệt. Lao vào làm việc nhiều, viết nhiều thì mệt nhiều; nhưng mệt mà vui. Bởi không lao vào cuộc, không viết còn mệt hơn, vì sự dằn vặt kéo dài đeo bám như mắc nợ. Muốn vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn ấy, điều cần nhất vẫn là nuôi dưỡng được niềm đam mê, động lực làm nghề. Để nuôi dưỡng niềm đam mê chỉ có thể là đi, trải nghiệm, gắn bó với nhịp đập thực tiễn, với hơi thở cuộc sống, quan sát sự việc, nhìn nhận vấn đề, gắn bó sẻ chia với từng số phận, từng con người. Chỉ có đi mới có chất liệu ngồn ngộn, để rồi viết. Vì nhọc nhằn, áp lực, nhà báo lại là những người nhạy cảm trong những người nhạy cảm, nên nghề này cũng rất dễ cụt hứng có thể chỉ do tác tác động nhỏ từ ngoại cảnh. Nhiều khi chán nản vẫn cứ phải lao vào cuộc, phải làm và vẫn không quên… định mức hàng tháng. Mà đã cụt hứng rồi thì phải tự mình vực dậy tinh thần chỉ có thể bằng những chuyến đi, trải nghiệm, để niềm hứng khởi với nghề lại ùa về. Coi quy trình tạo ra một sản phẩm là niềm vui, một sản phẩm từ cái tin nhỏ nhất cũng phải được tạo nên từ đi và viết.

Sẽ là cô đơn khi chiều xuống một mình vẫn la cà ở một miền rừng xa xôi, nghe rõ tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ. Sẽ là thú vị trước những ánh mắt trong veo của các em bé ở buôn làng khi ta đưa máy hình lên chụp chúng. Sẽ lang thang đi từ nhà này qua nhà kia kéo theo sau một đám trẻ nhỏ, lúc thì xem K’Phương dệt vải ở buôn làng Đam Pao, khi lại sà vào xem Ka Phen làm món ăn truyền thống da trâu, cà đắng của người K’Ho ở buôn Bồ Liêng... máy hình không ngừng ngắm nghía chớp, nháy. Sẽ là ám ảnh khi nhìn sâu vào ánh mắt hiền hậu, làn da hằn từng vệt năm tháng của một cụ bà nghèo chân trần trong mùa giá lạnh.

Sẽ là rợn người khi lần đầu tiên một mình qua đèo Tà Nung khói sương mờ mịt sau mưa, trời tối đen không một bóng người. Sẽ là xúc cảm trào dâng trước những điều mới mẻ khi qua đêm giữa một cánh đồng mênh mông hun hút gió cùng những đống rơm, ánh lửa bập bùng, tiếng chiêng, tiếng khèn hòa cùng vũ điệu Arya đắm say trong Lễ hội cúng ruộng ở buôn làng Blong Bong của người Churu - Tà Năng, Đức Trọng... Những cung bậc cảm xúc, những trải nghiệm, những ký ức, những chiêm nghiệm, có là vui, là buồn, là cô đơn, là thú vị, là trào dâng niềm hứng khởi thì tựu chung cũng là hạnh phúc. Còn tình người thì bao la ngút ngàn, những gương mặt chỉ gặp một lần rồi bỗng nên quen, nên thân, nên quyến luyến, mong một lần gặp lại.

Với nghề báo, đi - trải nghiệm là một hạnh phúc. Nếu không trải nghiệm thì sản phẩm tin, bài sẽ chỉ đơn thuần nhào nặn từ văn bản, kế hoạch, báo cáo tổng kết; sẽ thiếu đi cái hồn, cái sống động, thiếu sự rung cảm; rồi đến ngày cũng cùn mòn “cạn vốn”. 25 năm làm nghề, chúng tôi vẫn dặn mình, tin dù to, dù nhỏ, vấn đề dù lớn, dù bé, hãy cứ đi, cứ trải nghiệm khi còn có thể, để được sống hạnh phúc trọn vẹn với nghề.