KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024):
Nhà báo và cách ứng xử với mạng xã hội

NGUYỆT THU 06:17, 21/06/2024

Cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã tác động lớn đến sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí. Hiện nay, nhiều tòa soạn báo sử dụng mạng xã hội để truyền tải, lan tỏa thông tin, tiếp cận bạn đọc nhanh hơn, tăng sự tương tác với công chúng. Một câu hỏi đặt ra về trách nhiệm người làm báo khi tham gia các diễn đàn trên không gian mạng như thế nào là điều nhiều người làm báo chúng tôi quan tâm. 

Đâu đó, mỗi ngày, mỗi nhà báo chúng ta đều tự suy ngẫm và nỗ lực nhằm góp phần định hướng dư luận xã hội, khi nào cần like, chia sẻ, khi nào cần comment và comment như thế nào, là điều mỗi nhà báo cần cân nhắc kỹ khi đặt bút viết, khi “nhấn bàn phím”. Với những vấn đề chưa hiểu rõ thì không nên vội vàng tham gia vào bình luận, chia sẻ quan điểm... Tựu chung lại cần ứng xử có văn hoá và cần thể hiện trách nhiệm của một nhà báo khi tham gia mạng xã hội, phát huy vai trò của “chiến sĩ trên mặt trận thông tin”.

TRÁCH NHIỆM NHÀ BÁO KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Đó cũng là quan niệm, phương châm của mỗi người làm báo chúng tôi theo dòng thời gian sự kiện của hoạt động nghề nghiệp. Với trên 20 năm công tác tại cơ quan báo Đảng địa phương, tôi vẫn thường xuyên soi lại và tự nhủ bản thân mỗi ngày để thực hiện. Theo tôi, hoạt động tác nghiệp của mỗi nhà báo đều phải gắn với 10 quy định đạo đức của người làm báo - đây như là kim chỉ nam để mỗi nhà báo không thể vi phạm pháp luật. Trên cơ sở thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí (năm 2016), Luật An ninh mạng (2018) thì mỗi nhà báo trong quá trình hoạt động nghề nghiệp vẫn luôn không ngừng rèn luyện, học tập để sáng tạo tác phẩm báo chí. 

Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta lại có bộ “cẩm nang” căn bản về “Quy tắc ứng xử mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, ban hành năm 2019 và đang đi vào cuộc sống. Nó như là “cuốn sổ tay” luôn có bên mình để nhắc nhở mỗi người làm báo chúng ta khi sử dụng và tham gia mạng xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. Quy tắc nhấn mạnh, người làm báo không được đưa lên mạng xã hội thông tin đi ngược với đường lối, quan điểm của Đảng; thông tin thất thiệt, sai sự thật, chưa được kiểm chứng…

Trước hết, cần điểm lại các nền tảng công nghệ xuyên biên giới hiện nay thu hút con người sử dụng nhiều nhất đó là: Facebook, youtube, tiktok, twitter, whatsApp, telegram, snapchat, pinterest...; trong đó zalo là một trong những mạng xã hội được người Việt Nam ưa chuộng dùng nhất bởi yếu tố “Quyền riêng tư và sự bảo mật cao”. Mạng xã hội xuất hiện và đi vào cuộc sống đã mang lại cho con người rất nhiều lợi ích tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội sai cách cũng rất dễ kéo theo nhiều hệ luỵ bất lợi, khó lường.

Với tôi, tôi quan tâm đến yếu tố về tiêu chí đảm bảo “lành mạnh” khi tham gia mạng xã hội. Lành mạnh ở đây chính là là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Nên hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội. Cố gắng hướng đến bảo đảm những gì đăng tải trên trang cá nhân mình là sự thật; không nên đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc, gây hại cho người khác. 

Tiêu chí an toàn cũng là một yếu tố mà mỗi người làm báo Đảng địa phương chúng tôi cần lưu ý đó là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thuộc phạm vi thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận. Chúng ta cũng cần lưu ý đến thông điệp của các nhà mạng cảnh báo đó là không nên chia sẻ “thông tin cá nhân” và “mật khẩu phải được bảo mật” để bảo đảm an toàn cho mỗi chúng ta.

• “GIỮ VỮNG ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP VỚI CÁI TÂM TRONG SÁNG, NHÂN VĂN”

Khi tham gia mạng xã hội, chúng ta cũng không nên tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa kiểm chứng hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh...
Cần lưu ý, với các kỹ thuật công nghệ hiện đại như ngày nay, việc ngụy tạo các thông tin giả, hình ảnh giả, trang Web giả là có thật và chúng ta cũng cần tinh nhạy để nhận biết và không vội tin ngay bất cứ điều gì mình đọc được trên mạng. Cần phải có “bộ lọc” trong hàng triệu thông tin tràn lan trên mạng và có cách định hướng để tiếp nhận thông tin từ báo chí chính thống.

Tôi còn nhớ trên diễn đàn trao đổi nghiệp vụ báo chí với mạng xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, khi mạng xã hội ẩn chứa nhiều thông tin gây “nhiễu” thì báo chí phải trở thành chỗ dựa của dư luận. Người làm báo cần phải là những “bộ lọc” tốt để cung cấp thông tin chuẩn xác cho công chúng. Người làm báo cũng cần phải nắm bắt thông tin từ mạng xã hội, biết sử dụng mạng xã hội hiệu quả để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, vì tính “hai mặt” của mạng xã hội, người làm báo cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước thông tin đưa ra.

Đâu đó, vẫn còn một số cấp Hội còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam vì những nội dung sai trái khi đăng tải, chia sẻ trên facebook. Đã có một số ít nhà báo vi phạm pháp luật và phải nhận hình thức xử lý rất nghiêm khắc của pháp luật. Thi thoảng trên mạng xã hội chúng ta còn bắt gặp một số ít nhà báo đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên môi trường mạng khiến cho dư luận hoang mang. Đặc biệt, có những thông tin hướng dư luận xã hội theo chiều tiêu cực, nhìn cuộc sống xã hội với những bất công, từ đó trở nên thiếu niềm tin vào cuộc sống...

Được biết, hiện cả nước có gần 1.000 cơ quan báo chí, tạp chí, tổng số người làm báo hiện khoảng 40.000 - 45.000 người, trong đó có 25.000 người có thẻ nhà báo. 

Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi, ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, trong đó mỗi nhà báo chúng ta đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi đã là nhà báo thì cần hết sức thận trọng khi phát ngôn trên mạng xã hội. Dù đấy chỉ là trang cá nhân nhưng độc giả biết mình là nhà báo thì họ vẫn đánh giá đó là quan điểm của một nhà báo, chứ không phải là của một người dân bình thường. Bởi vì nhà báo là người của công chúng, có nhiệm vụ đưa thông tin, định hướng dư luận xã hội rất rõ ràng và có ảnh hưởng lớn. Mỗi nhà báo chính là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, tức là một người làm chính trị. Vì vậy, mọi lời nói, bài viết của họ cần phải chuẩn mực.

Tôi còn nhớ và rất tâm đắc với những định hướng quan trọng của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh từng chia sẻ: "Việc ban hành các quy định, quy tắc đạo đức người làm báo trên không gian mạng là rất cần thiết để giúp cho hoạt động báo chí phát triển lành mạnh. Khi thời đại công nghệ số phát triển, người làm báo khi khai thác, sử dụng thông tin trên mạng xã hội càng phải cần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức chính trị và có kỹ năng chuyên môn vững. Ở thời đại nào, người làm báo cũng cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp với cái tâm trong sáng, nhân văn...".