ÔNG K’ÐIỆP (THÔN 4, XÃ TAM BỐ, HUYỆN DI LINH):
Mong mỗi đảng viên người dân tộc thiểu số sẽ là một “hạt nhân” trong giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình

VIỆT QUỲNH 06:18, 17/06/2024

Sinh ra và lớn lên ở xã Tam Bố - nơi có đông đồng bào dân tộc K’Ho, từ nhỏ, ông K’Điệp đã sống trong những âm thanh cồng chiêng và điệu múa xoang tràn đầy sức sống. Ngọn lửa tình yêu với văn hóa dân tộc được nuôi lớn dần qua bao mùa lễ hội. Chính vì vậy, ông vô cùng trăn trở và tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 

Ông K’Điệp
Ông K’Điệp

Vốn liếng ông K’Điệp gom nhặt được sau hơn 10 năm làm phóng viên tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lâm Đồng, sau đó làm cán bộ phụ trách công tác văn hóa tại xã Tam Bố, rong ruổi các buôn làng, là 27 bài dân ca, ca dao, tục ngữ của người K’Ho mà ông sưu tầm được. Với niềm say mê, ông tìm hiểu, gom nhặt, ghi chép, tổng hợp một cách cẩn thận, có chọn lọc. 

Đặc biệt tâm huyết với tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, từ năm 2010, ông K’Điệp được mời tham gia biên soạn cuốn tài liệu “Dạy và học tiếng K’Ho”; sau đó giảng dạy tiếng K’Ho tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Di Linh. Ông chia sẻ: “Mình không giữ gìn được chữ viết, tiếng nói là có lỗi với dân tộc mình. Đó là lý do tôi dốc hết vốn liếng ngôn ngữ và tài liệu tích lũy được để nghiên cứu và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ”. 

Ông K’Điệp tâm sự: “Việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho là trăn trở không phải chỉ riêng của tôi, mà còn của các cấp chính quyền. Bằng chứng là Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã có rất nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, muốn lưu giữ và phát huy được những giá trị đáng quý đó thì trước tiên, chính bản thân những người con K’Ho ở các buôn làng, cùng các già làng, người có uy tín, các nghệ nhân phải có trách nhiệm cùng nhau có tiếng nói và hành động, giúp lớp trẻ xây dựng tình yêu với thổ cẩm, với cồng chiêng, với những bài dân ca, điệu múa xoang...”.

Cho rằng văn hóa gắn liền với sự phát triển của cộng đồng, xã hội; cần được điều chỉnh, thay đổi một cách phù hợp để vừa đảm bảo nét đẹp truyền thống, vừa phù hợp với cuộc sống hiện tại, ông K’Điệp thấy vui khi ngày càng có nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho người trẻ được mở ra trên địa bàn huyện. Bản thân ông cũng cùng các nghệ nhân trong buôn làng ở xã Tam Bố hướng dẫn và dạy cho các bạn trẻ cách đánh cồng chiêng. Tự hào và hãnh diện là cảm xúc của ông mỗi khi nhìn thấy đội cồng chiêng trẻ của xã mang trên mình bộ trang phục truyền thống, tự tin biểu diễn trên sân khấu trong những ngày lễ, hội của địa phương, hay biểu diễn phục vụ các điểm du lịch. 

Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, ông K’Điệp bày tỏ: “Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đến việc phát triển đảng viên mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tạo điều kiện để những bạn trẻ có ý chí phấn đấu tốt sớm bước vào hàng ngũ của Đảng. Đây sẽ là đại diện tiếng nói cho đồng bào, là những “hạt nhân” tích cực nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực và cơ hội cho sự phát triển chung của địa phương. Tôi cũng tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng tình yêu, trách nhiệm, kỹ năng và hiểu biết của những đảng viên trẻ, việc giữ gìn và phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của người K’Ho sẽ không còn là câu chuyện khó”.