Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá

THÁI TUYỀN - NINH THU  06:16, 14/06/2024

Tại Lâm Đồng, công tác truyền thông, phổ biến Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá và các văn bản hướng dẫn đã được quan tâm, triển khai đồng bộ. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tập huấn PCTH của thuốc lá
cho cán bộ công an tại huyện Bảo Lâm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tập huấn PCTH của thuốc lá cho cán bộ công an tại huyện Bảo Lâm

Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau như: Truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị, tổ chức tập huấn... Nội dung tập trung vào tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử; Luật PCTH của thuốc lá, đặc biệt các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, nghĩa vụ của người hút thuốc lá...

 Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 2 buổi mít tinh cấp tỉnh, 42 buổi mít tinh cấp huyện hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; tổ chức 1 hội thảo với sự tham gia của 50 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; tổ chức 2 hội thi tìm hiểu về Luật PCTH của thuốc lá; tổ chức 10 lớp tập huấn cho 300 cán bộ y tế của các bệnh viện, Trung tâm Y tế và 90 nhân viên y tế thôn bản về tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng. 

Xây dựng và phát 29 phóng sự, 982 thông điệp, 1.990 lần về PCTH của thuốc lá trên sóng truyền hình tỉnh Lâm Đồng và các huyện, thành phố với nội dung về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe và kinh tế xã hội, cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, môi trường không khói thuốc lá. Thực hiện 46 chuyên trang trên Báo Lâm Đồng, 8 bài viết trên Bản tin sức khỏe Lâm Đồng, sản xuất 207 pano, 113.000 tờ rơi, áp phích, 500 băng rôn, 4.700 biển cấm hút thuốc lá tuyên truyền về PCTH của thuốc lá cấp phát đến các cơ quan, các sở, ban, ngành, trường học, các đơn vị y tế trong ngành.

Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng thuốc lá truyền thống, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử có xu hướng tăng nhanh. Với các thiết kế hiện đại và bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ gây hậu quả xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày, trên thế giới có từ 80.000 - 100.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện thuốc lá chỉ sau vài điếu. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13 - 15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Theo một số báo cáo khảo sát, điều tra tại Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

 Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp bao gồm: Nicotine, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác của con người; không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nicotine có trong thuốc lá có tính gây nghiện cao và việc sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp. Nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi, gây ra sẩy thai đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Trước sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thời gian qua, Ban Chỉ đạo PCTH thuốc lá tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các trường học tăng cường các hoạt động truyền thông, tổ chức cuộc thi, buổi nói chuyện trực tiếp, ngoại khóa về tác hại của thuốc lá điện tử; Tổ chức tập huấn 10 lớp cho 300 giáo viên, cán bộ công tác trong trường học trên toàn tỉnh về PCTH của thuốc lá để giảng dạy tại trường học cho cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục trong tỉnh xây dựng môi trường làm việc, học tập không khói thuốc lá.

Việc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào, kể cả thuốc lá điện tử đều có nguy hại cho sức khỏe đặc biệt là đối với trẻ em. Do đó, để bảo vệ sức khỏe mọi người, đặc biệt là giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thì công tác truyền thông cần tiếp tục được chú trọng triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.