Với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030 đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Phòng khám điều trị ngoại trú ARV tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng |
Ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai Chương trình Can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV năm 2024 tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức xét nghiệm 19.222 mẫu; trong đó, phát hiện 63 mẫu dương tính với HIV; đưa 74 trường hợp nhiễm HIV mới vào quản lý (tích luỹ 1.875 trường hợp); không có trường hợp chuyển AIDS mới (tích luỹ 289 trường hợp) và có 4 trường hợp tử vong do AIDS (tích luỹ 610 trường hợp). Điều trị bằng thuốc ARV cho 1.025 bệnh nhân nhiễm HIV; trong đó có 14 trẻ em đang điều trị. Có 174 bệnh nhân đang điều trị tỉnh khác.
Đến thời điểm hiện nay, có 1.032 bệnh nhân nhiễm HIV tích lũy được điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, hiện đang điều trị là 255. Duy trì hoạt động của nhóm giáo dục đồng đẳng tại Đà Lạt và Đức Trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhóm đồng đẳng đã tiếp cận 327/787 người nghiện chích ma túy, tiếp cận 76/119 phụ nữ mại dâm, cấp phát miễn phí 2.688 bơm kim tiêm, 4.948 bao cao su cho đối tượng nguy cơ cao.
Sở Y tế Lâm Đồng - cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống AIDS và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng đã triển khai kế hoạch Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 trên địa bàn tỉnh, với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Mục đích thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030 đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV; bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Các hoạt động chủ yếu là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Triển khai thực hiện các hoạt động khác về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV; dự phòng, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ để họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điều trị ARV trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng, cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã.
Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Huy động sự tham gia của nam giới trong các hoạt động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản lồng ghép cung cấp can thiệp Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo các nội dung được quy định của Bộ Y tế “Hướng dẫn các can thiệp dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con” bao gồm tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đặc biệt trong lần khám thai đầu tiên, tư vấn, chuyển tiếp và theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến điều trị ARV tại cơ sở điều trị HIV. Các đơn vị điều trị HIV thực hiện tư vấn, điều trị ARV ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản trong việc theo dõi, quản lý phụ nữ mang thai nhiễm HIV trước và sau sinh; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...) tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi.
Vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Dự trù và cung ứng đầy đủ thuốc dự phòng lây truyền HIV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin