Tăng mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính tại các huyện, thành

VIẾT TRỌNG  06:04, 26/06/2024

Thông qua bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) 2023 vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố trong đầu tháng 6 vừa qua, chất lượng thực hiện nhiệm vụ, chất lượng cung ứng các dịch vụ công cũng như chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có các huyện, thành trong tỉnh đều tăng lên.

Đơn Dương tiếp tục dẫn đầu Chỉ số Cải cách hành chính 2023 khối 12 huyện, thành của Lâm Đồng. 
Trong ảnh: Người dân đang được hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Đơn Dương
Đơn Dương tiếp tục dẫn đầu Chỉ số Cải cách hành chính 2023 khối 12 huyện, thành của Lâm Đồng. Trong ảnh: Người dân đang được hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Đơn Dương

ĐƠN DƯƠNG TIẾP TỤC DẪN ĐẦU 

Chỉ số CCHC được dùng để đánh giá thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai công tác CCHC hàng năm của cấp sở, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, hướng đến sự thông suốt, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. 

Hằng năm, UBND tỉnh công bố Chỉ số CCHC của các sở, ngành, các huyện, thành và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh để qua đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thấy rõ những tồn tại, hạn chế nhằm có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC.

Với cấp huyện, thành, thang điểm đánh giá Chỉ số CCHC là 100 điểm, trong đó điểm do cơ quan nhà nước tự đánh giá là 70/100 điểm; điểm thưởng (hoặc điểm trừ) 5/100 và điểm điều tra xã hội học 25/100. 

Với điểm tự đánh giá, có 7 lĩnh vực được đánh giá với mức điểm khác nhau, trong đó điểm cho ”Công tác chỉ đạo điều hành về CCHC” 10 điểm; điểm cho lĩnh vực “Cải cách thể chế” 8,50 điểm; điểm cho “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)” 16,50 điểm; điểm cho “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” 7,50 điểm; điểm ”Cải cách chế độ công vụ” 10 điểm; điểm cho "Cải cách tài chính công” 8,00 điểm và điểm cho "Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số” 9,5 điểm. 

Với điều tra xã hội học, điểm được phân bố gồm 5 điểm từ đánh giá của đại biểu HĐND huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; 20 điểm còn lại từ đánh giá của người dân, tổ chức thực hiện giải quyết TTHC, sử dụng dịch vụ y tế công, giáo dục công tại địa phương.

 Để điều tra xã hội học, toàn tỉnh đã phát tổng cộng 16.060 phiếu khảo sát cho cả cấp sở, ngành và cấp huyện, thành, trong đó cấp sở, ngành có 4.325 phiếu và cấp huyện, thành 11.105 phiếu. 

Trong số phiếu điều tra ở cấp huyện, thành, có 853 phiếu gửi đến khảo sát các đại biểu HĐND cấp huyện, lãnh đạo phòng chuyên môn và lãnh đạo cấp xã, phường; có 8.092 phiếu gửi đến khảo sát các cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết TTHC; có 1.080 phiếu gửi đến khảo sát phụ huynh của các học sinh đang theo học tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mầm non năm học 2022 - 2023 trên địa bàn; 1.080 phiếu gửi đến khảo sát bệnh nhân cùng người thân đã tham gia dịch vụ khám, chữa bệnh năm 2023 tại các cơ sở y tế của các huyện, thành phố trong tỉnh.

Sau khi kết thúc đánh giá, theo kết quả công bố của tỉnh, UBND huyện Đơn Dương tiếp tục dẫn đầu Chỉ số CCHC 2023 trong khối 12 huyện, thành phố của tỉnh với tổng số điểm đạt được 87,82 điểm, trong đó điểm tự chấm qua thẩm định đạt 65,07, điểm điều tra xã hội học 22,75. 

Năm ngoái, Đơn Dương cũng dẫn đầu Chỉ số CCHC năm 2022 trong khối 12 huyện, thành của Lâm Đồng với tổng đạt được 89,26 điểm, điểm cao hơn so với năm nay. 

Xếp sau Đơn Dương là các huyện Bảo Lâm (đạt 87,53 điểm, đứng nhì), Cát Tiên (86,72 điểm, đứng ba), Đạ Tẻh (86,23 điểm, đứng tư), Lạc Dương (đạt 86,20 điểm, đứng 5), Lâm Hà (đạt 85,73 điểm, đứng 6), Đam Rông (đạt 85,39 điểm, đứng 7), Bảo Lộc (đạt 85,05 điểm, đứng 8), Đà Lạt (đạt 84,49 điểm, đứng 9) Đạ Huoai (đạt 84,35 điểm, đứng 10) và Di Linh (đạt 82,75 điểm đứng11). 

Đứng cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các huyện, thành 2023 ở vị trí 12 là huyện Đức Trọng với 79,93 điểm.

Chỉ số điểm trung bình của khối huyện thành của tỉnh trong CCHC năm 2023 là 85,18, trong đó điểm tự chấm trung bình qua thẩm định là 63,90 và điểm điều tra xã hội học trung bình là 21,28 điểm. Trong năm 2022, Chỉ số điểm CCHC trung bình khối huyện thành là 85,77. 

NHỮNG ĐIỂM SÁNG 

Như đánh giá của ngành chức năng tỉnh, công tác đánh giá Chỉ số CCHC 2023 năm nay được thực hiện chặt chẽ, khách quan, trong đó việc kiểm tra điểm tự đánh giá của các địa phương được tiến hành theo đúng tài liệu kiểm chứng được cung cấp, kết hợp với hồ sơ quản lý và quá trình kiểm tra, theo dõi thực hiện của các đơn vị chủ trì. Kết quả điểm tự chấm qua thẩm định tương đối phù hợp với tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị.

Có thể thấy, qua bảng điểm các chỉ tiêu, tiêu chí thực hiện của các địa phương trong tỉnh đã được cải thiện dần qua các năm. Nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh khá tương đồng với kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh đã được Bộ Nội vụ công bố; trong đó mức độ đánh giá về chất lượng thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng các dịch vụ công tăng lên cùng với sự tăng điểm trong Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, điểm trung bình về sự hài lòng của người dân, tổ chức thông qua điều tra xã hội học cấp huyện, thành 2023 năm nay đạt 85,12 điểm, cao hơn 4,16 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 81,06 điểm). Trong năm 2023, Bảo Lâm là địa phương có mức độ hài lòng cao nhất với 93,52 điểm; còn đơn vị có mức độ hài lòng thấp nhất trong bảng xếp hạng là Đức Trọng với 77,12 điểm. 

Riêng mức độ đánh giá chất lượng cung ứng các dịch vụ công (gồm hành chính công, y tế công, giáo dục công) của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên đáng kể. Điểm trung bình 2023 đạt 87,51 điểm, tăng 4,01 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 83,50 điểm).

Nhờ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nên việc cung cấp tài liệu kiểm chứng và thẩm định tài liệu cho việc đánh giá Chỉ số CCHC 2023 năm nay cũng thuận lợi hơn nhiều, các địa phương không phải in ấn quá nhiều giấy tờ tài liệu.
Tuy nhiên, như UBND tỉnh Lâm Đồng nhận xét, vẫn còn có những đơn vị thực hiện chế độ báo cáo chưa đầy đủ, chưa đảm bảo thời gian quy định; kết quả triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình còn chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. 

Cùng đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhiều địa phương chưa thật sự nghiêm túc; còn cán bộ, công chức, viên chức vi phạm phải xử lý kỷ luật; tỷ lệ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số còn chưa đảm bảo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra; một số địa phương, tỷ lệ giải ngân, tỷ lệ thu ngân sách chưa đạt kế hoạch; nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở một số nơi còn nhiều bất cập, hạn chế. Đây là những điểm mà các địa phương cần nỗ lực khắc phục trong thời gian đến.