Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước tiên. Đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân. Tại Lâm Đồng, chuyển đổi số trong các lĩnh vực quan trọng đã và đang đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch... Ðây là các vấn đề cấp thiết của xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị và động lực tăng trưởng mới.
Chuyển đổi số trong giáo dục cũng tạo nhiều dấu ấn trong công cuộc chuyển đổi số tại Lâm Đồng |
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Nhấn mạnh quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số, Chương trình xác định rõ, những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.
Với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, chuyển đổi số Lâm Đồng đã đạt những kết quả quan trọng. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác điều hành qua môi trường mạng; hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G, thí điểm phát sóng 5G tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có hơn 11.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng chủ yếu là học sinh và đoàn viên, thanh niên; tích hợp chuyển đổi số để thực hiện Đề án 06, hợp nhất hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng và triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.
Lâm Đồng cũng trở thành một trong những địa phương top đầu cả nước khi có 100% UBND cấp huyện hình thành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Toàn tỉnh có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử đã được Bộ Công thương xác nhận. Đây là một kênh thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã tập trung vào các nhiệm vụ như: Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám, chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế. Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh. Xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Ở lĩnh vực Giáo dục, các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được chú trọng để chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam là: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp.
Để chuyển đổi số lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, tỉnh cũng đã xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành Thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán. Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng.
Hay trong Nông nghiệp, Lâm Đồng chú trọng hực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sẽ xem xét thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, giải pháp được ưu tiên là xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Cụ thể như, cơ sở dữ liệu đất đai; cơ sở dữ liệu về lĩnh vực khác (nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản…). Xây dựng bản đồ số mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội; triển khai những giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai. Theo ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở tiếp tục cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, là rào cản trong sản xuất, kinh doanh gắn với chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai các huyện, thành phố trên toàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp thu ý kiến đóng góp, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Quá trình chuyển đổi số đối với các lĩnh vực ưu tiên còn nhiều bất cập và vướng mắc. Chẳng hạn, nhận thức, quyết tâm của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức một số ngành, địa phương từng lúc, từng nơi còn chưa cao, còn bị động trong công tác tổ chức, triển khai chuyển đổi số. Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế; chưa thay đổi thói quen, cách làm truyền thống…
Để sớm khắc phục các khó khăn đặt ra, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Thời gian tới, sở tập trung truyền thông nâng cao chuyển đổi nhận thức trong các ngành về sự cần thiết và xu hướng tất yếu của quá trình chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu và hoàn thiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu số toàn ngành Du lịch, xây dựng, an ninh trật tự... Đồng thời, nghiên cứu, phát triển và cập nhật các tính năng, chức năng mới thông minh hơn, công nghệ hiện đại hơn vào hệ thống du lịch thông minh. Song song đó, nâng cấp giao diện, cập nhật thông tin, hình ảnh thường xuyên trên cổng thông tin và ứng dụng di động thông minh thêm phong phú, sinh động, hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp, người dân, khách du lịch tham gia tương tác. Các sở, ngành cũng xác định quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin