Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm

AN NHIÊN 06:45, 05/06/2024

Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các Trạm Y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ chưa được tiêm chủng đủ mũi các loại vắc xin, tổ chức tiêm chủng cho trẻ ngay khi nhận được vắc xin từ Trung ương. Tiếp tục quan tâm, ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, không để xảy ra khoảng trống tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trạm y tế thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) tiêm chủng cho trẻ em theo định kỳ
Trạm y tế thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) tiêm chủng cho trẻ em theo định kỳ

QUAN TÂM TIÊM CHỦNG CHO TRẺ EM VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ 

Chăm sóc sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ chính của ngành Y tế, trong đó công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ được ngành Y tế đặc biệt quan tâm, triển khai định kỳ hàng tháng tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn với các loại vắc xin phòng các bệnh như: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản. 

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi từ năm 2016 - 2022 luôn đạt trên 95%. Trong năm 2023 - 2024, tình hình cung ứng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ Trung ương bị gián đoạn nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong tỉnh chưa đạt chỉ tiêu giao; năm 2023 đạt 83,7% và 4 tháng đầu năm 2024 đạt 25,4%. Sở Y tế đã chỉ đạo các Trạm Y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ chưa được tiêm chủng đủ mũi các loại vắc xin, tổ chức tiêm chủng cho trẻ ngay khi nhận được vắc xin từ Trung ương.

Công tác tiêm chủng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS cũng được các đơn vị trong ngành quan tâm, ưu tiên. Bên cạnh việc tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại các Trạm Y tế; đối với các trẻ em thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS khó khăn khi đến tiêm chủng tại Trạm Y tế; ngành Y tế đã triển khai 8 điểm tiêm chủng ngoài trạm thuộc các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh và Đam Rông. Đối với các điểm tiêm chủng ngoài trạm tại huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh tổ chức định kỳ từ 1- 2 ngày/tháng. Riêng đối với các khu căn cứ tại huyện Đam Rông do điều kiện đi lại khó khăn, chỉ có thể đi vào khu căn cứ trong các tháng mùa nắng, ngành Y tế cũng đã tổ chức tiêm chủng 5 - 6 lần/năm. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi vùng đồng bào DTTS trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 23,1%.

Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố quan tâm, ưu tiên phân bổ vắc xin và tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em vùng đồng bào DTTS. Ngành Y tế tiếp tục quan tâm, ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, không để xảy ra khoảng trống tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

• RÀ SOÁT TIỀN SỬ TIÊM CHỦNG

Từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024, Sở Y tế Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các đơn vị y tế trong ngành triển khai hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 514 trường học mầm non và tiểu học, trong đó có 513 trường đã thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng cho trẻ. Kết quả đã rà soát 65.060/67.916 trẻ, đạt 95,79%; trong đó có 27.870 trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo quy định. Một số đơn vị đã tiến hành tiêm chủng bù mũi cho 186/27.870 trẻ. Đa số các trẻ còn thiếu mũi vắc xin đã vượt quá độ tuổi tiêm chủng theo hướng dẫn của Thông tư 38 ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế.

Trong các ngày từ 14 - 16/5, đoàn giám sát của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác rà soát tiền sử tiêm chủng tại hai huyện Đạ Tẻh và Bảo Lâm, đoàn ghi nhận các tồn tại trong công tác này như sau: Khi rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ một số Trạm y tế chưa đối chiếu lịch sử tiêm chủng của trẻ từ sổ tiêm chủng của trẻ, sổ tiêm chủng trẻ em tại trạm, phần mềm tiêm chủng quốc gia, giấy xác nhận thông tin tiêm chủng. Thiếu biên bản giao nhận giữa y tế và giáo dục khi bàn giao. Việc thu thập hồ sơ tiêm chủng của trẻ chưa đầy đủ, phiếu thu thập thông tin học sinh chưa điền đủ thông tin.

Để đảm bảo hoạt động rà soát tiêm chủng cho các trẻ nhập học mầm non, tiểu học một cách chính xác, chuẩn bị sẵn sàng tiêm bù liều cho trẻ ngay khi có hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Sở Y tế đề nghị các đơn vị của hai ngành Y tế và Giáo dục trong tỉnh phối hợp thực hiện các nội dung sau: Rà soát lại tất cả các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn (cả công lập và tư thục) đảm bảo tất cả các trường và tất cả học sinh đều được rà soát tiền sử tiêm chủng, không bỏ sót các trường và học sinh trên địa bàn quản lý. Trong quá trình rà soát tiền sử tiêm chủng cho trẻ cần đối chiếu tất cả các nguồn thông tin để đảm bảo chất lượng kết quả rà soát: sổ tiêm chủng cá nhân của trẻ (tất cả các sổ), sổ tiêm chủng trẻ em tại trạm, giấy xác nhận thông tin tiêm chủng, phần mềm tiêm chủng quốc gia để đảm bảo chính xác các mũi tiêm còn thiếu của trẻ, tránh bỏ sót hoặc mũi đã tiêm nhưng không được ghi nhận. 

Trong đó, lưu ý với mũi phòng bệnh bại liệt: trẻ sinh từ năm 2022, số lần tiêm/uống là 5 lần, trong đó có ít nhất 2 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV; trẻ sinh trước năm 2022, số lần tiêm/uống là 4 lần, trong đó có ít nhất 1 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV. Đối với mũi phòng bệnh viêm gan B: không tính mũi viêm gan B sơ sinh trong tổng số mũi Viêm gan B khi xác định mũi tiêm thiếu của trẻ. Khi tiếp nhận danh sách, hồ sơ trẻ từ trường học chuyển qua, trạm y tế cần kiểm tra tất cả các thông tin tại biểu mẫu đã được điền đầy đủ, hoàn thành biên bản giao nhận hồ sơ tiêm chủng theo quy định. 

Để kịp thời tiêm vắc xin cho trẻ đã rà soát và còn thiếu các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế Lâm Đồng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sớm ban hành hướng dẫn về chuyên môn triển khai tiêm bù cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư 38 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, để đảm bảo những trẻ đã được rà soát tiền sử được tiêm chủng bù liều cho trẻ. Quan tâm, ưu tiên phân bổ các vắc xin theo nhu cầu của tỉnh, đặc biệt vắc xin IPV để triển khai tiêm bù cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn góp phần phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.