(LĐ online) - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hằng năm trở thành ngày hội của những người làm báo trong cả nước. Đây còn là dịp gặp gỡ, tôn vinh các nhà báo đã đóng góp tâm sức cho nền báo chí nước nhà; khẳng định vị trí, vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã ra đời các tờ báo ở Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức tham gia, nhưng mỗi tờ báo có các khuynh hướng chính trị khác nhau.
Trong hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, Người còn là một nhà báo với nhiều phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo nước ngoài. Đầu năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Bác đã thành lập và cho ra mắt Báo Thanh niên, phát hành số đầu tiên ngày 21/6/1925, chính thức đặt nền móng cho Báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ khi ra đời và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là cơ quan ngôn luận chính thống tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
99 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên “mặt trận tư tưởng - văn hóa”. Đến nay, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; có khoảng 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 19.356 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan báo chí đều được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ nhà báo “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” hàng ngày, hàng giờ chuyển tải thông tin trong nước và thời sự quốc tế một cách khách quan, trung thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thông tin cho người dân. Báo chí còn là diễn đàn, thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, tham gia có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Báo chí trở thành “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.
Báo chí còn đấu tranh mạnh mẽ những tư tưởng sai trái, thù địch, phát hiện, phê phán, lên án cái xấu, tiêu cực, nhất là luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đã và đang lu loa rằng: Ở Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí Việt Nam hoạt động theo “lề” mà Đảng đã vạch ra; chúng dựng ra cái gọi “Báo lề phải”, “Báo lề trái” để xuyên tạc, chống phá nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Hoat động của báo chí, quyền tự do báo chí đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (từ Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013); quy định trong Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999 và năm 2016) và các văn bản pháp luật có liên quan…
Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phát hiện, tôn vinh gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội; làm lan tỏa giá trị tốt đẹp, tạo năng lượng tích cực và tinh thần cống hiến nhằm phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, hướng đến thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, tạp chí được xác định là tờ báo (báo viết). Tạp chí có chức năng thu thập, xử lý và đưa thông tin trên các lĩnh vực của đời sống: Kinh tế, văn hóa, xã hội... nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước. Song, về nội dung và đối tượng phục vụ, giữa báo và tạp chí có sự khác nhau. Tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ về một lĩnh vực thuộc phạm vi ngành, địa phương. Định kỳ phát hành của tạp chí thường dài hơn định kỳ phát hành báo chí; nội dung tạp chí có nhiều chuyên mục. Có thể phân tạp chí thành hai loại chủ yếu: Tạp chí thông tin ngôn luận và tạp chí chuyên ngành nghiệp vụ; chức năng thông tin lý luận và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, trước sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; sự bùng nỗ công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển khó kiểm soát của mạng xã hội, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo và văn nghệ sĩ khai thác tư liệu, phục vụ sáng tác; song, cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cơ bản, là phải giữ cho được bản lĩnh của người cầm bút trước những thông tin đa chiều, tốt - xấu lẫn lộn; phải thực hiện cho được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” và các giá trị chân - thiện - mỹ trong hoạt động báo chí.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin